Ngày 24/11, người dùng và đối tác nhà hàng của BAEMIN nhận được thông báo trên ứng dụng này rằng BAEMIN sẽ dừng hoạt động tại thị trường Việt Nam từ 0h ngày 8/12/2023, chính thức khép lại gần 4 năm gia nhập thị trường. Trước ngày này, người dùng vẫn có thể đặt đơn bình thường qua ứng dụng.
Riêng với đối tác nhà hàng, ngày cuối cùng ứng dụng Đối tác Nhà hàng BAEMIN còn khả dụng là ngày 12/12/2023. Theo BAEMIN, các đối tác sẽ nhận được thông tin chi tiết về việc thanh toán các gói hợp tác và nghĩa vụ cần hoàn thành trong thời gian sớm nhất. Công ty cam kết sẽ thanh toán đầy đủ các khoản công nợ trong thời gian hoạt động còn lại, đồng thời hoàn trả chi phí quảng cáo và tiếp thị đã trả trước cho tháng 12/2023 sau khi hoàn thành đối soát.
Trước đó, vào cuối tháng 9/2023, “ông lớn” giao đồ ăn của Hàn Quốc đã thông báo thu hẹp hoạt động. Bà Cao Thị Ngọc Loan, Giám đốc điều hành tạm thời của Baemin Việt Nam nói: “Thật không may, quyết định này đã được đẩy nhanh bởi môi trường giao đồ ăn đầy thách thức ở Việt Nam, với sự cạnh tranh gay gắt và kỳ vọng cao của người tiêu dùng”.
Baemin chính thức ra mắt tại Việt Nam vào tháng 6/2019 tại TP HCM cạnh tranh cùng các nền tảng như Grab, Gojek và ShopeeFood trong lĩnh vực giao đồ ăn. Ứng dụng này được vận hành bởi Woowa Brothers Vietnam, thành viên của Woowa DH Asia - liên doanh giữa Woowa Brothers - kỳ lân giao đồ ăn của Hàn Quốc và Delivery Hero - nền tảng giao hàng hàng đầu thế giới, cung cấp dịch vụ tại hơn 50 quốc gia khác nhau.
Đây từng là ứng dụng giao đồ ăn hoạt động rộng nhất ở Việt Nam khi có mặt tại 21 tỉnh, thành vào đầu năm 2022 gồm Hà Nội, Đà Nẵng. Bên cạnh lĩnh vực giao đồ ăn cốt lõi, Baemin còn cung cấp một số dịch vụ khác như đi chợ hộ, cửa hàng bách hóa trực tuyến, bán mỹ phẩm.
Tuy nhiên, trong khi các đối thủ thường xuyên tung ra nhiều chương trình ưu đãi, khuyến mãi lớn để thu hút khách hàng thì chính sách này lại không phải là yếu tố Beamin ưu tiên.
Niklas Östberg, đồng sáng lập, kiêm CEO Delivery Hero từng nói với Reuters rằn, triển vọng của công ty tại châu Á là tích cực, trừ Việt Nam - thị trường họ cho rằng hoạt động kinh doanh "không bao giờ có lãi".
Thống kê của Momentum Works cho biết, năm 2022, Baemin chỉ nắm 12% thị phần giao đồ ăn tại Việt Nam còn Grab chiếm 45%, ShopeeFood chiếm 41%.
Dù Beamin ngừng hoạt động ở Việt Nam, Woowa DH Asia vẫn vận hành dịch vụ giao đồ ăn ở các thị trường châu Á khác như Hàn Quốc, Nhật Bản.
Thu Phương (T/h)