![]() |
Yahoo muốn mua lại Chrome, quyết tâm dành thị phần trong thị trường tìm kiếm |
Trong bối cảnh Google đang đối mặt với sức ép pháp lý ngày càng lớn về hành vi độc quyền trong lĩnh vực tìm kiếm, Yahoo bất ngờ trở lại với một tham vọng không nhỏ: phát triển trình duyệt web riêng và sẵn sàng mua lại Chrome nếu tòa án buộc Google phải chia tách sản phẩm này.
Thông tin gây chú ý này được công bố trong phiên tòa xét xử biện pháp khắc phục vị thế độc quyền của Google do Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) khởi xướng. Một trong những đề xuất cứng rắn của DOJ là yêu cầu Google tách Chrome – trình duyệt phổ biến nhất thế giới – khỏi công ty mẹ để khôi phục sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường tìm kiếm.
Theo lập luận của DOJ, Chrome chính là “cửa ngõ chiến lược” giúp củng cố vị thế độc quyền của Google, khi phần lớn truy vấn tìm kiếm ngày nay được thực hiện qua trình duyệt và đặc biệt là từ thanh địa chỉ.
Không bỏ lỡ cơ hội, Yahoo đã chính thức lên tiếng. Ông Brian Provost, Tổng giám đốc Yahoo Search, khai trước tòa rằng công ty đã bắt đầu “tích cực phát triển” một nguyên mẫu trình duyệt nội bộ từ mùa hè năm ngoái. Ông nhấn mạnh, mục tiêu không chỉ là thăm dò thị trường mà còn hướng đến việc ra mắt một sản phẩm đủ sức cạnh tranh.
Tuy nhiên, ông Provost cũng thừa nhận rằng việc mua lại một trình duyệt hiện hữu - mà cụ thể là Chrome - sẽ là “lối tắt” giúp Yahoo rút ngắn đáng kể thời gian và tăng tốc trong cuộc đua giành lại thị phần. Hiện tại, Yahoo chỉ nắm giữ khoảng 3% thị phần tìm kiếm, nhưng nếu sở hữu được Chrome, con số này có thể nhảy vọt lên hai chữ số.
Dù giá trị của thương vụ được dự đoán có thể lên tới hàng chục tỉ USD, Yahoo tin rằng họ có thể huy động đủ nguồn vốn nhờ sự hậu thuẫn từ công ty mẹ Apollo Global Management – đơn vị từng mua lại Yahoo từ Verizon vào năm 2021 và hiện cũng đang sở hữu thương hiệu trình duyệt kỳ cựu NetScape.
Yahoo không đơn độc trong tham vọng tiếp quản Chrome. Các công ty khác cũng đã bày tỏ sự quan tâm đáng kể. Giám đốc Kinh doanh Dmitry Shevelenko của Perplexity – một startup chưa đầy ba năm tuổi nhưng đang nổi lên trong lĩnh vực tìm kiếm bằng AI – cho biết công ty ông hoàn toàn có khả năng vận hành Chrome ở quy mô lớn mà không làm giảm chất lượng hay tính miễn phí của trình duyệt.
Perplexity từng là cái tên gây chú ý khi công khai ý định mua lại TikTok nếu ứng dụng này bị cấm tại Mỹ do lo ngại an ninh quốc gia. Với Chrome, startup này tiếp tục cho thấy tham vọng lớn khi xem đây là một cơ hội chiến lược để thách thức Google trong kỷ nguyên tìm kiếm thông minh.
Trong khi đó, CEO của DuckDuckGo – một công cụ tìm kiếm tập trung vào quyền riêng tư – thừa nhận rằng công ty không đủ tiềm lực tài chính để tham gia vào thương vụ tiềm năng này. OpenAI, đơn vị đứng sau ChatGPT, cũng bày tỏ sự quan tâm nhưng chưa đưa ra thông tin chi tiết.
Phản hồi trước các đề xuất chia tách, Google khẳng định việc buộc họ bán Chrome là hành động “nguy hiểm” và có thể gây tác động dây chuyền đến cả ngành công nghiệp trình duyệt. Theo Google, một chủ sở hữu mới có thể thu phí người dùng hoặc không đủ năng lực duy trì chất lượng của Chrome, dẫn đến hệ lụy không nhỏ về bảo mật và trải nghiệm.
Phiên tòa hiện vẫn đang tiếp diễn và thẩm phán Amit Mehta chưa đưa ra phán quyết cuối cùng.