![]() |
SK Hynix vượt Samsung, trở thành nhà sản xuất DRAM số một thế giới |
Nhờ đón đầu làn sóng AI và chiếm lĩnh thị trường bộ nhớ băng thông cao (HBM), SK Hynix đã lần đầu tiên vượt mặt “gã khổng lồ” Samsung Electronics để trở thành nhà sản xuất DRAM số một thế giới – kết thúc hơn 30 năm thống trị của Samsung trong lĩnh vực này.
Theo dữ liệu mới công bố từ Counterpoint Research, SK Hynix đã chiếm 36% thị phần DRAM toàn cầu trong quý I/2025, trong khi Samsung tụt xuống còn 34%. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Samsung bị “soán ngôi” trong phân khúc DRAM – loại bộ nhớ chủ yếu dùng để xử lý dữ liệu trong máy tính, máy chủ và hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI).
Cột mốc lịch sử này là kết quả của việc SK Hynix nhanh chóng đón đầu làn sóng AI, với chiến lược tập trung vào dòng chip HBM, loại chip tập hợp nhiều lớp DRAM được xếp chồng lên nhau, giúp tăng đáng kể lượng dữ liệu có thể xử lý - điều then chốt cho phần cứng như các bộ tăng tốc đồ họa của Nvidia để huấn luyện mô hình AI. SK Hynix hiện là nhà cung cấp HBM chủ chốt cho Nvidia.
Ông MS Hwang, Giám đốc nghiên cứu tại Counterpoint Research, nhận định: “Đây là một hồi chuông cảnh tỉnh khác dành cho Samsung”. Theo ông, phần lớn lợi nhuận hoạt động của SK Hynix trong quý I/2025 đến từ các dòng chip HBM – sản phẩm có giá trị gia tăng cao và biên lợi nhuận vượt trội so với DRAM truyền thống.
Dự báo của các chuyên gia Bloomberg cho thấy SK Hynix sẽ báo cáo doanh thu quý I tăng 38% và lợi nhuận hoạt động tăng vọt tới 129% so với cùng kỳ năm ngoái. Bất chấp yếu tố mùa vụ thường ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả kinh doanh, công ty vẫn duy trì biên lợi nhuận hoạt động ở mức 36–38%, chủ yếu nhờ giá chip HBM vẫn giữ ở mức cao.
Bên cạnh đó, công ty cũng củng cố vị thế trong mảng HBM, chiếm tới 70% thị phần toàn cầu trong quý đầu năm nay. Dự báo từ hãng nghiên cứu TrendForce cho thấy SK Hynix sẽ tiếp tục nắm giữ hơn một nửa thị trường HBM tính theo dung lượng xuất xưởng trong năm 2025, trong khi thị phần của Samsung có thể giảm xuống dưới 30%, còn Micron tiến sát mốc 20%.
Ngành công nghiệp chip nhớ toàn cầu dự kiến vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức. Từ các rào cản thuế quan của Mỹ, hạn chế xuất khẩu sang Trung Quốc, cho tới nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, tất cả đều là những yếu tố có thể ảnh hưởng tiêu cực đến đà tăng trưởng của thị trường.
Các nhà phân tích tại Morgan Stanley cho rằng: “Tác động từ các biện pháp thuế quan giống như một tảng băng trôi – phần nguy hiểm nhất vẫn đang tiến đến". Dù vậy, họ vẫn xem Samsung là lựa chọn đầu tư an toàn nhờ vào năng lực phòng thủ vững chắc, tiềm lực tài chính mạnh, chiến lược mua lại cổ phiếu chủ động và khả năng phục hồi tốt trước những cú sốc kinh tế vĩ mô.
Samsung đã báo cáo lợi nhuận hoạt động sơ bộ 6.600 tỷ won (tương đương 4,6 tỷ USD) trên doanh thu 79.000 tỷ won trong quý I/2025, và dự kiến sẽ công bố báo cáo tài chính chi tiết vào ngày 30/4 tới đây. Giới đầu tư đặc biệt quan tâm đến kết quả của bộ phận bán dẫn – nơi từng là “mỏ vàng” của Samsung trong nhiều năm.