Ấn Độ áp thuế xuất khẩu gạo 20%, Việt Nam hưởng lợi

23:10 12/09/2022

Khi các nhà xuất khẩu Ấn Độ ngừng ký hợp đồng mới, các bên mua đang cố gắng đảm bảo nguồn cung từ Việt Nam, Thái Lan và Myanmar.

Cuối tuần trước, Ấn Độ - nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới quyết định cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế 20% đối với một số loại gạo xuất khẩu khác. Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh quốc gia Nam Á này đang nỗ lực tăng nguồn cung và ổn định giá gạo trong nước.

Đáng nói, gạo là lương thực chính của hơn 3 tỷ người trên khắp thế giới. Khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo vào năm 2007, giá gạo toàn cầu tăng lên mức cao kỷ lục vào khoảng 1.000 USD/tấn.

Ấn Độ áp thuế xuất khẩu gạo 20%, Việt Nam hưởng lợi
Ấn Độ áp thuế xuất khẩu gạo 20%, Việt Nam hưởng lợi.

Xuất khẩu gạo của Ấn Độ đạt mức kỷ lục 21,5 triệu tấn vào năm 2021, nhiều hơn tổng khối lượng gạo của 4 nước xuất khẩu lớn liền kề cộng lại gồm: Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Mỹ.

Sản lượng hàng năm của Việt Nam - vốn thường xuyên ở vị trí thứ 3 xuất khẩu gạo thế giới chỉ vào khoảng 6 - 6,5 triệu tấn, bằng 30% của Ấn Độ.

Khi các nhà xuất khẩu Ấn Độ ngừng ký hợp đồng mới, các bên mua đang cố gắng đảm bảo nguồn cung từ Việt Nam, Thái Lan và Myanmar. Giá gạo trắng 5% tấm tăng thêm khoảng 20 USD/tấn trong 4 ngày qua. Theo Reuters, giá gạo 5% tấm RI-VNBKN5-P1 của Việt Nam được chào bán ở mức 410 USD/tấn trong ngày 12/9, tăng khoảng 20 USD so với mức giá 390 - 393 USD/tấn vào tuần trước.

P.V