Tại tọa đàm do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức mới đây, Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam – ông Julien Guerrier – bày tỏ sự tiếc nuối trước quyết định tăng thuế của Mỹ đối với nhiều quốc gia. Ông nhận định, chính sách thuế mới này có thể đẩy chi phí sản xuất tăng cao, kéo theo giá thành hàng hóa tăng và gây thêm áp lực lên chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong bối cảnh đó, EU sẽ tiếp tục thúc đẩy đàm phán với Mỹ nhằm bảo vệ lợi ích kinh tế của khối, đồng thời đẩy mạnh mở rộng hợp tác thương mại với các đối tác chiến lược thông qua các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Đáng chú ý, tại khu vực châu Á, ngoài các FTA đã ký kết với Việt Nam, Nhật Bản, Singapore và Hàn Quốc, EU đang tích cực xúc tiến đàm phán với Malaysia, Philippines, Indonesia và Thái Lan.
![]() |
Chủ tịch EuroCham: Doanh nghiệp châu Âu sẽ không rút vốn khỏi Việt Nam |
Đặc biệt, ông Guerrier nhấn mạnh vai trò của Hiệp định EVFTA trong việc thúc đẩy thương mại song phương giữa EU và Việt Nam. Sau 5 năm thực thi, kim ngạch thương mại hai chiều đã đạt 64,2 tỷ euro vào năm 2024, trong đó xuất khẩu từ Việt Nam sang EU tăng 20%. “Chúng tôi sẽ phát triển thương mại với Việt Nam để bù đắp phần tổn thất từ chính sách thuế mới của Mỹ,” ông Guerrier khẳng định.
Không chỉ dừng lại ở thương mại, các doanh nghiệp EU còn cam kết tiếp tục đầu tư vào Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực chuyển đổi xanh, số hóa, phát triển giao thông bền vững và chuyển giao công nghệ – những lĩnh vực then chốt trong chiến lược phát triển dài hạn của Việt Nam.
Chủ tịch EuroCham tại Việt Nam, ông Bruno Jaspaert, cũng bày tỏ quan điểm tích cực về triển vọng đầu tư tại Việt Nam. Bất chấp những biến động trong môi trường thương mại toàn cầu, ông khẳng định các doanh nghiệp châu Âu không có ý định rút lui khỏi thị trường Việt Nam. Báo cáo Chỉ số Niềm tin Kinh doanh (BCI) mới nhất do EuroCham công bố cho thấy mức độ lạc quan của cộng đồng doanh nghiệp vẫn giữ ở mức ổn định.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn đang theo dõi sát tình hình và "chờ đợi thái độ từ Washington". Trong trường hợp Việt Nam bị Mỹ áp thuế cao, doanh thu của một số doanh nghiệp EU có thể bị ảnh hưởng. Tuy vậy, theo ông Bruno, điều này không đủ nghiêm trọng để dẫn tới làn sóng rút vốn khỏi Việt Nam, bởi phần lớn doanh nghiệp EU không chỉ nhắm đến xuất khẩu sang Mỹ mà còn phục vụ thị trường nội địa Việt Nam, khu vực châu Á - Thái Bình Dương và cả chính thị trường châu Âu.
“Chuỗi cung ứng không thể chuyển dịch trong một sớm một chiều. Nó cần những nền tảng kinh tế phù hợp,” ông Bruno phân tích, đồng thời đánh giá cao khả năng chống chịu và sức bật của kinh tế Việt Nam. “Nếu Việt Nam kiên định với chiến lược phát triển đã đặt ra, và doanh nghiệp châu Âu biết tận dụng thời cơ, đây sẽ là giai đoạn bứt phá. Chúng tôi tin tưởng Việt Nam có thể đạt tăng trưởng GDP 8% trong năm nay.”
Từ góc độ kiến nghị chính sách, Chủ tịch EuroCham cũng nhấn mạnh việc Việt Nam cần tận dụng các đòn bẩy nội tại, cải thiện thủ tục hành chính, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng và đầu tư vào hạ tầng giao thông bền vững – những yếu tố then chốt giúp Việt Nam duy trì sức hấp dẫn với các nhà đầu tư châu Âu trong dài hạn.