![]() |
Ông Nguyễn Đình Tùng – Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T Group: Vina T&T chạy đua với thời gian |
Ông Nguyễn Đình Tùng – Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T Group – thẳng thắn đánh giá, nguy cơ Mỹ áp thuế cao với hàng hóa Việt Nam vẫn hiện hữu, đặc biệt trong bối cảnh chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump có những động thái tác động trực tiếp đến chuỗi cung ứng và hoạt động nhập khẩu của doanh nghiệp Mỹ.
Theo chia sẻ của ông Tùng, các đối tác nhập khẩu tại Mỹ đã phản ánh rõ rệt ảnh hưởng của các chính sách mới đến hoạt động kinh doanh, trong đó nổi bật là áp lực tăng giá hàng hóa, gây xáo trộn đáng kể cho thị trường tiêu dùng. “Trước đây người tiêu dùng chỉ cần bỏ ra 10 đồng, giờ phải chi tới 15 đồng cho cùng một sản phẩm, trong khi thu nhập không tăng. Điều này tạo ra tâm lý bất ổn cả ở phía doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ”, ông Tùng cho biết.
Trước thách thức thuế quan, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, trong đó có Vina T&T, buộc phải hành động nhanh chóng. Ông Tùng chia sẻ, công ty đã phải khẩn trương đẩy hàng sang Mỹ trước thời điểm mức thuế 10% có hiệu lực vào ngày 4/4, và tiếp tục chuẩn bị cho giai đoạn áp dụng thuế suất 46% chỉ năm ngày sau đó. “Áp lực logistics và vận hành trong giai đoạn này là rất lớn”, ông nói tại tọa đàm bàn về các kịch bản ứng phó với chính sách thuế của Mỹ.
Dù vậy, Vina T&T cũng nhìn thấy cơ hội trong khoảng lùi 90 ngày mà phía Mỹ công bố để tạm hoãn áp thuế. Ngay sau khi thông tin này được đưa ra, doanh nghiệp đã nhận được cuộc gọi từ đối tác Mỹ lúc 3 giờ sáng (giờ Việt Nam) để khôi phục đơn hàng theo kế hoạch ban đầu.
Tuy nhiên, ông Tùng thừa nhận, sự hoãn áp thuế cũng là một “ẩn số” với nhiều biến số khó lường. Việc thay đổi quyết định từ phía Mỹ hoặc sự chậm trễ trong khâu sản xuất, giao hàng đều có thể khiến doanh nghiệp rơi vào tình thế bị động. “Điều này buộc cả doanh nghiệp Việt lẫn đối tác Mỹ phải xây dựng kế hoạch kinh doanh ngắn hạn, linh hoạt hơn – thậm chí theo từng tuần thay vì từng tháng như trước kia”, ông chia sẻ.
Để thích ứng, Vina T&T liên tục phối hợp chặt chẽ với các đối tác nhằm đề xuất các giải pháp phù hợp. Doanh nghiệp cũng chủ động chia sẻ một phần lợi nhuận nhằm giảm bớt cú sốc giá cho thị trường, đồng thời duy trì năng lực cạnh tranh trong bối cảnh khó khăn.
Nếu mức thuế 46% được chính thức áp dụng, theo ông Tùng, doanh nghiệp Việt sẽ cần liên kết sâu rộng trong toàn chuỗi cung ứng để giảm giá thành sản phẩm từ 16-17%, duy trì sức cạnh tranh tại thị trường Mỹ. Các giải pháp được đề xuất bao gồm đàm phán giảm giá cước vận chuyển, chuyển sang điều kiện giao hàng FOB – trong đó khách hàng Mỹ tự đảm nhận phần vận chuyển từ cảng – nhằm tối ưu chi phí và rủi ro.
Tuy nhiên, ông Tùng cũng nhận định rằng không phải người tiêu dùng Mỹ nào cũng sẵn sàng chi trả thêm để mua trái cây nhập khẩu khi giá tăng mạnh. Do vậy,
![]() |
đã chủ động mở rộng sang các thị trường tiềm năng khác như Canada, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc và đặc biệt là Trung Quốc – nơi doanh nghiệp đã thiết lập hiện diện từ hai năm nay và đang thu hút nhiều đoàn công tác tìm hiểu hợp tác.
Một yếu tố khác khiến doanh nghiệp lo ngại là sự thận trọng ngày càng rõ rệt từ phía các ngân hàng. “Các ngân hàng liên tục gọi điện hỏi về tình hình xuất khẩu, lo ngại rủi ro tín dụng nếu doanh nghiệp không đảm bảo dòng tiền trả nợ”, ông Tùng chia sẻ.
Trước những biến động khó lường, ông kiến nghị cần sớm xem xét các chính sách hỗ trợ như giãn nợ, điều chỉnh lãi suất cho doanh nghiệp xuất khẩu – đặc biệt với các đơn vị vẫn còn đơn hàng và đủ năng lực xoay sở. “Việc duy trì dòng chảy xuất khẩu không chỉ là vấn đề của riêng doanh nghiệp, mà còn là yếu tố sống còn cho toàn bộ chuỗi cung ứng và năng lực cạnh tranh quốc gia”, ông Tùng nhấn mạnh.