Các doanh nghiệp ngành thép hàng đầu tại Việt Nam đã lần lượt công bố báo cáo tài chính với những kết quả tích cực, cho thấy sự phục hồi và sức bật ấn tượng trong bối cảnh thị trường toàn cầu vẫn còn nhiều biến động. Trong số đó, Tập đoàn Hoa Sen (HOSE: HSG) đã ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan trong quý II niên độ tài chính 2024 – 2025, với doanh thu hợp nhất đạt 8.452 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế ở mức 205 tỉ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu niên độ, HSG thu về 18.674 tỉ đồng doanh thu và 371 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế. Tính trung bình, doanh nghiệp này đang đạt mức lợi nhuận hơn 2 tỉ đồng mỗi ngày – một con số cho thấy hiệu quả vận hành và sức bền tài chính đáng nể giữa bối cảnh nhiều thách thức đối với ngành thép.
Dù đạt được những chỉ số tích cực, HSG cũng không tránh khỏi những áp lực đến từ thị trường xuất khẩu. Trong 6 tháng qua, ngành thép Việt Nam liên tục chịu ảnh hưởng từ các cuộc điều tra phòng vệ thương mại do nhiều quốc gia khởi xướng. Đặc biệt, cuộc điều tra chống bán phá giá do Bộ Thương mại Mỹ (DOC) khởi động từ tháng 9 năm 2024 đã khiến hoạt động xuất khẩu sang thị trường Mỹ của Hoa Sen bị tạm gián đoạn cho đến nay. Đây là một khó khăn lớn, bởi Mỹ vẫn luôn là thị trường tiêu thụ quan trọng của ngành thép Việt Nam nói chung và HSG nói riêng. Tuy vậy, doanh nghiệp cho biết vẫn đang nỗ lực tận dụng các lợi thế cạnh tranh hiện có để tiếp tục mở rộng hệ thống phân phối ra thị trường quốc tế, hiện diện tại hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, với định hướng đa dạng hóa sản phẩm và tăng tính linh hoạt trong chiến lược xuất khẩu.
![]() |
Doanh nghiệp ngành thép đang "ăn nên làm ra"? |
Cùng thời điểm, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) – một trong những tên tuổi lớn nhất trong ngành – cũng cho thấy năng lực dẫn dắt thị trường bằng những con số ấn tượng. Trong quý I, Hòa Phát đạt doanh thu 37.950 tỉ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước, trong khi lợi nhuận sau thuế đạt 3.350 tỉ đồng, tăng 17%. Chủ tịch Hội đồng quản trị Trần Đình Long đánh giá năm 2025 sẽ là một năm đầy thách thức, với nhiều yếu tố địa chính trị phức tạp và xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng trên toàn cầu. Dù vậy, Hòa Phát vẫn duy trì định hướng giữ tỷ trọng xuất khẩu ở mức khoảng 20% tổng sản lượng tiêu thụ, đồng thời đặt ra kế hoạch kinh doanh tham vọng với mục tiêu đạt 170.000 tỉ đồng doanh thu và 15.000 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế trong năm 2025.
Một điểm sáng đáng chú ý trong chiến lược phát triển dài hạn của Hòa Phát là việc đầu tư vào sản xuất thép ray – một phân khúc chiến lược gắn liền với các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia. Tập đoàn dự kiến xây dựng nhà máy sản xuất thép ray tại Dung Quất với tổng vốn đầu tư khoảng 14.000 tỉ đồng. Đây là bước đi nhằm đáp ứng cam kết với Chính phủ trong việc cung cấp các loại thép chất lượng cao phục vụ các dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, hệ thống đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP.HCM và nhiều dự án hạ tầng quy mô lớn khác. Hòa Phát cho biết hiện đã đàm phán xong với đối tác cung cấp dây chuyền đúc phôi bloom – công nghệ then chốt để sản xuất thép ray – và dự kiến sẽ ký hợp đồng dây chuyền cán ray cũng như các loại thép đặc biệt trong tháng 5 tới. Dự kiến, đến năm 2027, những sản phẩm thép ray đầu tiên của Hòa Phát sẽ chính thức có mặt trên thị trường.
Mặc dù phải đối mặt với hàng rào kỹ thuật và xu hướng bảo hộ thương mại ngày càng siết chặt, các doanh nghiệp như Hoa Sen và Hòa Phát vẫn đang từng bước khẳng định vị thế trên trường quốc tế, đồng thời góp phần vào quá trình tự chủ vật liệu và phát triển bền vững ngành công nghiệp nặng của đất nước.