Công ty Cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam (mã chứng khoán: BAF) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên vào sáng 23/4, trong đó thông qua nhiều nội dung chiến lược quan trọng cho năm 2025. Đáng chú ý, doanh nghiệp quyết định dừng hoàn toàn hoạt động kinh doanh nông sản để tập trung toàn lực vào mảng chăn nuôi heo – lĩnh vực được xem là động lực tăng trưởng cốt lõi trong giai đoạn tới.
Theo kế hoạch kinh doanh năm 2025 được thông qua, BAF Việt Nam đặt mục tiêu đạt hơn 5.601 tỷ đồng doanh thu thuần hợp nhất, với lợi nhuận sau thuế 638,6 tỷ đồng. Đóng góp chủ yếu đến từ mảng chăn nuôi, khi công ty dự kiến cung ứng ra thị trường hơn 872.000 con heo, trong đó heo thương phẩm chiếm khoảng 831.000 con, còn lại là heo giống. Doanh thu từ mảng này dự kiến vượt 5.457 tỷ đồng, với lợi nhuận sau thuế đạt 635,7 tỷ đồng – tương đương 99,55% tổng lợi nhuận toàn công ty.
![]() |
Vì sao Nông nghiệp BAF Việt Nam ngừng kinh doanh nông sản? |
Mảng sản xuất thức ăn chăn nuôi, dù quy mô nhỏ hơn, vẫn được BAF duy trì với mục tiêu doanh thu khoảng 144 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 2,88 tỷ đồng. Tuy nhiên, kể từ năm 2025, doanh nghiệp sẽ không còn ghi nhận doanh thu hay lợi nhuận từ mảng nông sản – lĩnh vực từng là nguồn thu chủ lực. Năm 2023, mảng này từng mang về hơn 3.929 tỷ đồng doanh thu và hơn 73 tỷ đồng lợi nhuận gộp. Nhưng đến năm 2024, con số này giảm mạnh lần lượt 41,4% và 37,6%, khiến công ty quyết định rút lui hoàn toàn khỏi lĩnh vực này.
Tổng Giám đốc Bùi Hương Giang lý giải: Việc rút khỏi mảng nông sản nhằm tập trung nguồn lực cho chiến lược dài hạn với ngành chăn nuôi heo, nhằm đón đầu xu thế thị trường và tối ưu hóa lợi nhuận. Đặc biệt, từ ngày 1/1/2025, theo quy định của Luật Chăn nuôi, hoạt động chăn nuôi trong khu dân cư sẽ bị nghiêm cấm, buộc các hộ dân nhỏ lẻ phải ngừng hoặc di dời. Cộng hưởng với tình trạng dịch bệnh phức tạp và giá thức ăn tăng cao, thị phần chăn nuôi hộ gia đình đã giảm từ 70% xuống còn 49%, và dự báo sẽ tiếp tục thu hẹp.
Theo đó, công ty sẽ theo đuổi lộ trình tăng đàn heo bài bản: Từ hơn 872.000 con vào năm 2025 lên 1,8 triệu con năm 2026, khoảng 3,5–4 triệu con năm 2027 và hướng đến 10 triệu con vào năm 2030.
Để hiện thực hóa chiến lược tham vọng này, ông Trương Sỹ Bá – Chủ tịch HĐQT – cho biết BAF sẽ cần tổng vốn đầu tư khoảng 53.000 tỷ đồng, trong đó khoảng 23.000 tỷ đồng là vốn chủ sở hữu, phần còn lại sẽ được huy động từ các nguồn vay. Do đó, công ty quyết định không chia cổ tức năm 2024 mà giữ lại toàn bộ lợi nhuận để tái đầu tư, và dự kiến cũng sẽ không chia cổ tức trong các năm 2025 và 2026.
Chia sẻ về tiềm năng ngành chăn nuôi heo, ông Bá cho biết chi phí trung bình để sản xuất 1kg heo hơi vào khoảng 45.000 đồng, trong khi giá bán bình quân năm 2024 đạt khoảng 65.000 đồng/kg. Như vậy, mỗi kg heo hơi mang lại lợi nhuận khoảng 20.000 đồng, tương ứng với khoảng 2 triệu đồng cho mỗi con heo – mức lợi nhuận được ông nhận định là “khủng khiếp”. Ông tin tưởng giá heo sẽ giữ được sự ổn định ở mức cao trong những năm tới, tạo nền tảng cho sự tăng trưởng bền vững của doanh nghiệp.
Liên quan đến các yếu tố quốc tế, ông Bá khẳng định BAF không bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan của Mỹ. Ngược lại, công ty có thể hưởng lợi nếu các nước nhập khẩu lớn như Trung Quốc giảm mua nguyên liệu từ Mỹ, khiến giá ngô, khô đậu tương, và lúa mì – các nguyên liệu đầu vào chủ lực cho thức ăn chăn nuôi – giảm sâu. Hiện tại, chi phí thức ăn chiếm trên 70% giá thành chăn nuôi nên giá nguyên liệu giảm sẽ giúp BAF cải thiện đáng kể biên lợi nhuận.
Về rủi ro từ thịt nhập khẩu, ông Bá cho rằng ảnh hưởng không đáng kể. Mặc dù thuế nhập khẩu thịt có thể được điều chỉnh để cân bằng cán cân thương mại, nhưng phần lớn người tiêu dùng Việt Nam (80–90%) vẫn có thói quen sử dụng thịt tươi sống (thịt nóng), giúp duy trì vị thế cạnh tranh của các doanh nghiệp nội địa như BAF.
Với định hướng tập trung cao độ vào chăn nuôi công nghiệp quy mô lớn, BAF Việt Nam đang định hình lại chiến lược tăng trưởng, đặt cược lớn vào ngành heo hơi – lĩnh vực mà công ty kỳ vọng sẽ trở thành trụ cột phát triển bền vững đến năm 2030 và xa hơn.