27 quốc gia EU ngừng xuất khẩu rác thải nhựa sang các nước nghèo

11:12 19/11/2023

Những biện pháp này đặt ra tiêu chuẩn mới trong việc ngăn chặn vấn đề về sức khỏe và môi trường do quản lý chất thải không bền vững ở các nước đang phát triển.

Để giảm ô nhiễm nhựa và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra quyết định quan trọng về việc ngừng xuất khẩu chất thải nhựa sang các nước nghèo từ giữa năm 2026. Điều này được coi là một bước tiến quan trọng trong chiến lược chống ô nhiễm và xây dựng một nền kinh tế bền vững.

Từ giữa năm 2026, các quốc gia EU sẽ không được phép xuất khẩu rác thải nhựa đến các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Các quy định mới này đặt ra các điều kiện nghiêm ngặt, bao gồm việc thực hiện các thủ tục thông báo và chấp thuận trước đối với việc xuất khẩu chất thải nhựa đến 38 quốc gia OECD. Chỉ những chất thải nhựa có thể tái chế mới được xuất khẩu, và các quốc gia không thuộc OECD phải cam kết quản lý chúng một cách bền vững và thông báo với EC.

27 quốc gia EU ngừng xuất khẩu rác thải nhựa sang các nước nghèo
27 quốc gia EU ngừng xuất khẩu rác thải nhựa sang các nước nghèo.

EC sẽ tiến hành giám sát chặt chẽ các hoạt động xuất khẩu rác thải nhựa, can thiệp nếu cần thiết để đảm bảo sự tuân thủ và bảo vệ môi trường của các quốc gia tiếp nhận. Những biện pháp này đặt ra tiêu chuẩn mới trong việc ngăn chặn vấn đề về sức khỏe và môi trường do quản lý chất thải không bền vững ở các nước đang phát triển.

Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh các cuộc thảo luận tại Nairobi, Kenya, về một hiệp ước toàn cầu về ô nhiễm rác thải nhựa. Tuy nhiên, cần sự chấp thuận chính thức từ Hội đồng và Nghị viện châu Âu để quyết định này trở thành hiệu lực. Nhà lập pháp Pernille Weiss của Đan Mạch nhấn mạnh rằng EU đã chấm dứt hoạt động xuất khẩu chất thải nhựa sang các nước không thuộc OECD, đồng thời cam kết mạnh mẽ với mục tiêu giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa quốc tế.

PV (t/h)