World Cup: Trái bóng tròn và đôla xanh

00:00 12/10/2020

Chỉ vài giờ đồng hồ nữa thôi vũ hội bóng đá thế giới sẽ lại quần tụ tại nước Nga xinh đẹp, nơi có 32 đội tuyển quốc gia tranh tài đại diện cho năm Châu lục.

Bóng đá quan trọng hay không? Thật khó để tìm ra mẫu số chung, có người ghét xem bóng đá đến cay đắng nhưng cũng không ít người bỏ vợ con, thậm chí quên thân vì bóng đá.

Với người Việt Nam, không biết bóng đá xếp vào cung bậc nào, nhưng hàng triệu người như phát điên với hành trì kỳ diệu của U23 hồi đầu năm, mới nhất là chuyện bản quyền phát sóng World Cup làm dậy sóng mạng xã hội.

Trong thời bình, bóng đá là nơi cho thấy tinh thần dân tộc rõ nét nhất, trên mỗi khán đài là tiếng nói, màu cờ sắc áo, quốc ca; là đặc trưng văn hóa. Nụ cười và giọt nước mắt lăn theo sự sung sướng hay nỗi thất vọng quanh trái bóng tròn.

Chỉ vài giờ đồng hồ nữa thôi vũ hội bóng đá thế giới sẽ lại quần tụ tại nước Nga xinh đẹp, nơi có 32 đội tuyển quốc gia tranh tài đại diện cho năm Châu lục. Sự kiện được cả thế giới háo hức chờ đợi.

                                             World là nơi hội tụ đa sắc màu văn hóa

Bóng đá có quan trọng hay không? Giờ thì đương nhiên là có, hãy nhìn vào số tiền mà các nước bỏ ra để được xem World Cup. Thái Lan chi ra 1,4 tỷ baht tương đương 1.000 tỷ VND; Trung Quốc chi 1 tỷ Nhân dân tệ tương đương 115 triệu USD; Việt Nam phải thương thảo đến phút chót và bỏ ra gần 300 tỷ đồng.

Như vậy mỗi trận đấu trong khuôn khổ World Cup ở Việt Nam có giá khoảng 3,5 tỷ đồng, tức là mỗi phút xem các siêu sao bóng đá thi đấu tiêu mất 40 triệu. Nhưng dân chúng không ai cho là lãng phí!

Thế giới hiện có 220 quốc gia và vùng lãnh thổ nhưng không ai đứng ngoài sự kiện khổng lồ này. Để được đăng cai World Cup nước chủ nhà phải đầu tư hàng tỷ đô nhưng vấn đề không phải chỉ là tiền mà đó là đẳng cấp, vị thế của một quốc gia được đánh giá về nhiều mặt.

Tổng cộng 21 kỳ World Cup được tổ chức, 21 nước chủ nhà kể cả Nga năm nay đều là những nền kinh tế lớn như Mỹ, Mexico, Tây Ban Nha, Pháp, Nam Phi, Hàn Quốc - Nhật Bản. Điều đó cho thấy vị thế của sự kiện không những là thể thao này.

                                      Nơi tranh tài của những siêu sao bóng đá hàng đầu thế giới

Trong mối quan hệ phức tạp giữa các quốc gia, khi những cách thức ngoại giao truyền thống bó tay thì không hiếm khi bóng đá là cứu cánh. Năm 1974 hai đội tuyển Đông Đức và Tây Đức gặp nhau tại một kỳ World Cup, trong khi bức tường Berlin còn kiên cố nhưng hai đội tuyển đã thi đấu bằng tinh thần hữu hảo.

Nhưng ở Nam Mỹ có hai kỳ phùng địch thủ trong bóng đá là Brazil và Argentina, cuộc tranh luận giữa hai quái kiệt bóng đá thế giới giữa một bên là Pele (Brazil) và một bên là Maradona (Argentina) ai thực sự là vua bóng đá?

Cuộc tranh luận này lan sang các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thậm chí những trận đấu giữa hai đội trong khuôn khổ giải Vô địch Nam Mỹ (Coppa America) luôn căng thẳng về an ninh. Với những người Nam Mỹ bóng đá là danh dự.

Nhưng World Cup thì khác các đội bóng không chỉ mang đến đây ban huấn luyện và 23 cầu thủ mà còn là sắc màu văn hóa từ khắp nơi trên thế giới tụ hội tại nước Nga.

Với những tín đồ túc cầu, World Cup không thể bỏ lỡ, bởi ở đó sẽ phô diễn đặc trưng của từng nền bóng đá, các triết lý, trường phái bóng đá, tư duy chiến thuật. Nơi chất nghệ sỹ của các đội bóng Nam Mỹ, lối chơi bóng phóng khoáng của bóng đá Châu Phi và cả sự toan tính tỉ mỉ khoa học của Châu Âu cùng hòa trộn.

Nhưng trên hết là nguồn lợi khủng khiếp mang lại từ Giải vô địch bóng đá thế giới. Kể từ France 1998, kỳ Word Cup diễn ra tại Pháp, nguồn thu của FIFA (Liên đoàn bóng đá thế giới) đã tăng 11 lần, tầm 5 tỷ USD! Không thua gì một tập đoàn kinh tế hàng đầu.

Các nước giàu đua nhau giành đăng cai World Cup mang về cho FIFA cả núi tiền từ bản quyền truyền hình, quyền tiếp thị cũng như quyền cấp phép và doanh số bán vé.

Đó là chưa kể mấy trăm quốc gia còn kinh doanh dựa trên bản quyền đã sở hữu. Ví dụ VTV mỗi phút giây quảng cáo trước, giữa và sau mỗi trận đấu World Cup có giá trị cực lớn.

Nhà đài ITV của nước Anh chào quảng cáo 30s trị giá 500.000 USD, ở Ấn Độ 10s quảng cáo có giá 60.000 USD trong thời gian diễn ra World Cup, ở Brazil kênh Globo thu về hơn nửa tỷ đô tiền quảng cáo…

Ăn theo World Cup còn một ngành công nghiệp cờ bạc chưa ai thống kê xem thử trị giá bao nhiêu, nhưng chắc chắn không hề nhỏ. Một vài đường dây cá độ bóng đá được bóc gỡ làm phát lộ số tiền lên đến hàng trăm triệu đô.

Xung quanh trái bóng trên đấu trường World Cup là đôla rải thảm, từ sự hoành tráng trong các sân vận động, sự chuyên nghiệp đến từng chi tiết trong tổ chức, cả đẳng cấp và chất lượng của những siêu sao biến bóng đá trở thành cỗ máy in tiền.

Trương Khắc Trà