Vì sao lại là Huawei?

00:00 12/10/2020

Vì sao không phải là những cái tên lớn khác, mà Huawei lại đang là "quân bài" trên bàn đàm phán Mỹ - Trung?

Huawei đã trở thành cái tên "nóng" nhất tuần qua khi bị chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa vào danh sách hạn chế và hàng loạt những đối tác lớn ngưng hợp tác. Giới quan sát đã đặt câu hỏi, vì sao công ty này lại phải hứng chịu hậu quả?

Nhiều chuyên gia cho rằng, sự phát triển phi thường của Huawei chính là một trong những nguyên do chủ yếu dẫn đến sự khó chịu của Mỹ. Thành lập năm 1987, công ty ban đầu chỉ sản xuất thiết bị chuyển mạch điện thoại, nhưng sau đó, tập đoàn này đã liên tục mở rộng quy mô, xâm nhập các lĩnh vực khác như xây dựng mạng viễn thông, sản xuất thiết bị di động... hay gần đây là dịch vụ điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ 5G.

Năm ngoái, Huawei đã trở thành nhà bán điện thoại thông minh lớn thứ hai toàn cầu, lần đầu tiên vượt qua Apple của Mỹ và đứng sau vị trí số một Samsung Electronics. Sự phát triển quá nhanh và thu hút quá nhiều sự chú ý đó đã làm Huawei từ lâu đã lọt vào tầm ngắm.

Trung Quốc từ lâu không phải là một cái tên nổi bật trong danh sách các cường quốc công nghệ. Những sáng kiến và những sản phẩm công nghệ có giá trị đột phá từ trước tới nay luôn nằm trong tay các quốc gia phương Tây, cụ thể là Thung lũng Silicon của Mỹ.

Sự vươn lên dẫn đầu của Mỹ trong suốt hành trình các cuộc cách mạng công nghệ đã khiến việc một tập đoàn đến từ "công xưởng thế giới" - nơi chuyên gia công các thiết bị cho các quốc gia lớn, trở nên đáng ngạc nhiên, và đáng ngờ. 

Trong khi Apple, một trong những tập đoàn công nghệ lớn nhất nước Mỹ, được như ngày hôm nay là một quãng đường dài, trải qua rất nhiều thăng trầm và biến cố, thì Huawei lại nhanh chóng len lỏi vào nhiều quốc gia, bùng nổ và trở thành công ty sản xuất điện thoại lớn thứ hai toàn cầu, trong khi không có quá nhiều thiết kế được giới công nghệ thế giới biết đến.

Điều đó dẫn đến sự nghi ngờ về việc Huawei ăn cắp các bí mật công nghệ. Ngay lập tức, Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ đã tiến hành nhiều cuộc điều tra âm thầm về Huawei. Sau một năm, báo cáo cho biết Huawei và ZTE hoạt động theo chỉ thị của chính phủ Trung Quốc.

Trong nhiều năm, Mỹ cho biết Huawei lập mưu ăn cắp công nghệ kiểm tra điện thoại độc quyền của T-Mobile có biệt danh là "Tappy". Huawei cung cấp điện thoại cho T-Mobile và có khả năng tiếp cận một số thông tin về "Tappy". 

Đáng chú ý, cả Huawei và ZTE đều gặp phải những rào cản và những cáo buộc của Mỹ, nhưng vì sao Huawei lại đứng trong thế nước sôi lửa bỏng? Nhiều chuyên gia cho rằng, nhiều khả năng, điều này xuất phát từ những lo ngại và nghi ngờ về mối quan hệ giữa Huawei và chính quyền Trung Quốc.

Từ lâu, Washington cũng đã nghi ngờ Huawei làm gián điệp trên các mạng viễn thông đang sử dụng công nghệ của hãng. Đây là một nỗi sợ đầy ám ảnh của Mỹ với Trung Quốc. Thông qua các sản phẩm công nghệ, Mỹ cho rằng Trung Quốc cũng có thể chèn các phần mềm, phần cứng gián điệp, giúp họ dễ dàng nắm trong tay và kiểm soát các thông tin quan trọng của Mỹ. Và không phải ZTE, Huawei mới có khả năng làm được điều này.

Vì sao? Vì ông Nhậm Chính Phi, CEO của Huawei được cho là có mối quan hệ khá thân thiết với chính phủ Trung Quốc do trước đây ông từng đứng trong hàng ngũ của lực lượng Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc (PLA).

Bên cạnh đó, mối quan hệ mật thiết chưa được lý giải rõ ràng giữa các doanh nghiệp lớn và chính phủ Trung Quốc cũng buộc Mỹ đặt dấu chấm hỏi. Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu (EU) Andrus Ansip đã chỉ ra, Bắc Kinh đã từng đặt ra quy định rằng các tập đoàn công nghệ và nhà sản xuất phải hợp tác với cơ quan tình báo nước này.

"Vì sao phải làm như vậy? Việc các công ty phải để cơ quan tình báo tiếp cận hệ thống của mình không phải là dấu hiệu tốt. Thế giới có quyền nghi ngờ", ông cho biết.

Không dừng lại ở đó, sự chia sẻ thông tin từ nhóm tình báo Five Eyes cũng tăng thêm sự nghi ngờ cho Mỹ khi các quốc gia đồng minh chia sẻ thông tin những cáo buộc về việc phát hiện nhiều thiết bị Huawei có cửa sau cho phép dễ dàng đánh cắp thông tin của người dùng.

Có thể thấy quyết tâm của chính quyền Trump trong việc tấn công Trung Quốc cũng như kìm hãm sự phát triển công nghệ của đất nước này, đồng thời giữ vững quan điểm của họ về các lĩnh vực công nghệ quan trọng. 

Việc ngăn chặn Huawei và Trung Quốc là việc làm được chính quyền Tổng thống Trump đánh giá là có lợi cho Mỹ. Họ không muốn mất ngôi vương vào tay một quốc gia từng "dưới cơ" mình rất nhiều năm. Sự trỗi dậy của Trung Quốc luôn gây ra nhiễu loạn. Nếu Trung Quốc sở hữu công nghệ 5G, điều này sẽ tác động đến tiềm lực quân sự của Mỹ và cán cân quyền lực của Mỹ trên thế giới.

Sẽ ra sao nếu thiết bị quân sự điều khiển từ xa hoặc không người lái trong tương lai của Mỹ sử dụng toàn linh kiện của Trung Quốc? Lúc đó Mỹ có còn dễ dàng thực hiện những mục tiêu của mình? Không chắc chắn Mỹ sẽ không muốn sống trong một tương lai như vậy. Họ cần hành động và họ đã hành động.

ZTE có tham vọng, nhưng họ không tham vọng như Huawei. Randall Schriver, chuyên gia về Trung Quốc nhận định, sự vươn lên và nỗ lực thống trị của Huawei chính là đại diện cho tham vọng vươn lên và thống trị của Trung Quốc.

"Huawei là một tâp đoàn do người Trung Quốc sáng lập, đại diện cho niềm tự hào của Trung Quốc, là sự khẳng định của Trung Quốc với các cường quốc phương Tây. Do đó, Mỹ nhằm vào Huawei chính là nhằm vào việc đẩy lùi lại cái tôi tham vọng của Trung Quốc. Và Huawei kiên trì đối chọi lại với Mỹ, cũng là để thể hiện cái tôi tham vọng ấy", ông cho biết.

Giới quan sát nhận định, Washington ngày nay đã khá ôn hòa với Trung Quốc khi vừa hạn chế một phần lệnh cấm. Nhưng nếu Trung Quốc không nhún nhường, không có gì đảm bảo cho việc Mỹ sẽ không gia tăng những sức mạnh cần thiết.

 
Tags: