Thực thi EVFTA: Doanh nghiệp châu Âu kỳ vọng gì về thị trường Việt Nam?

00:00 12/10/2020

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ có hiệu lực từ 1/8/2020, để thu hút doanh nghiệp châu Âu đầu tư, Việt Nam cần cải thiện cơ sở hạ tầng, giảm chi phí logistics, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

EVFTA

Doanh nghiệp dệt may khó đáp ứng quy tắc nguồn gốc xuất xứ trong EVFTA. Ảnh: Nguyệt Anh

Nên quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu vải

Ông Nguyễn Hải Minh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết, khi thực thi Hiệp định EVFTA, doanh nghiệp (DN) của cả châu Âu và Việt Nam cùng được hưởng lợi. Liên minh châu Âu (EU) đang có ý tưởng sẽ thiết lập mậu dịch tự do châu Âu - ASEAN, trong đó, Việt Nam sẽ trở thành kiểu mẫu quan sát để áp dụng cho các nước khác. Hiện nay, EU đã bắt đầu đàm phán với Malaysia, Thái Lan. Trong thời gian này, DN Việt Nam có thể hưởng lợi trước.

Ở chiều ngược lại, thực hiện EVFTA, DN Việt sẽ có nhiều ưu đãi, nhưng đi kèm cũng có rất nhiều thách thức. Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tỷ lệ DN Việt Nam biết về hiệp định còn thấp, tương tự, tỷ lệ DN hiểu rõ nội dung, hiểu về ngành nghề đang hoạt động có được ưu đãi hay không cũng không nhiều. Do đó, trong thời gian tới, cần có nhiều nền tảng để DN tiếp cận với hiệp định.

Ông Minh cho rằng, trong Hiệp định EVFTA, có hai vấn đề cần quan tâm, một là vấn đề thương mại, hai là vấn đề đầu tư. Về vấn đề thương mại, câu hỏi đặt ra là các DN Việt sẽ tận dụng được gì với thị trường rộng lớn, sức tiêu thụ cao như thị trường châu Âu? Có những ngành Việt Nam xác định có lợi thế nhưng cũng có những thách thức khó vượt qua, như ngành Nông nghiệp, khó khăn lớn nhất là làm sao để quy hoạch được vùng nguyên liệu.

Liên quan về quy trình, thủ tục giấy phép, đầu mối làm thủ tục xuất khẩu sang châu Âu, ông Minh cho rằng, không cần quá chi tiết nhưng phải có khung lộ trình để DN Việt Nam đáp ứng. Vừa qua, nhiều DN xuất khẩu khẩu trang muốn xuất hàng đi châu Âu, nhưng khi tìm hiểu quy trình xin cấp phép thì mất khá nhiều thời gian.

Về nguồn gốc xuất xứ, ông Minh cho rằng, đây là vấn đề lớn, vì công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam yếu. Ví dụ như dệt may được xác định là ngành hàng hội nhập đi đầu, nhưng  EVFTA lấy yêu cầu xuất xứ từ vải, DN Việt Nam nhiều khả năng không đạt yêu cầu này.

“Khi đi khảo sát tại các địa phương, tất cả lãnh đạo các địa phương đều cho biết tỉnh không khuyến khích dự án đầu tư sản xuất vải do lo ngại về ô nhiễm môi trường. Do đó, Chính phủ và Bộ Công thương nên có quy hoạch vùng nguyên liệu vải, thu hút các công ty sản xuất vải nhuộm công nghệ cao, không nước thải. Đây là thời điểm sản xuất công nghiệp hỗ trợ, cần có cơ chế thu hút, để có nguồn nguyên liệu đầu vào đảm bảo nguồn gốc xuất xứ” - ông Minh cho hay.

Nên có ưu đãi cho doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề

Về vấn đề đầu tư, ông Minh cho rằng, trong khi chưa thể thu hút được các DN châu Âu đầu tư trực tiếp, Việt Nam có thể chuyển hướng sang thu hút các DN ở các nước thứ ba như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. “Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, mỗi nhóm nước có khẩu vị đầu tư, yêu cầu về địa điểm đầu tư khác nhau, cần tìm hiểu được mong muốn của họ là gì” - ông Minh cho biết.

Ông Minh chia sẻ, các nhà đầu tư châu Âu có ý tưởng sẽ mở rộng tại thị trường Việt Nam, nhưng thời gian để thực hiện đầu tư cũng không thể nhanh giống như các nhà đầu tư ở các nước khác. Trong số các quốc gia mà nhà đầu tư châu Âu đang tìm hiểu như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Campuchia,…thì Việt Nam vẫn đang là chậm trong thu hút đầu tư. 

Theo ông Minh, có một số khó khăn của thị trường Việt Nam cần khắc phục để thu hút nhà đầu tư nước ngoài như cơ sở hạ tầng chất lượng chưa cao, chi phí logistics quá lớn. Các nhà đầu tư đang hướng đến quy hoạch hệ thống kho bãi, vận tải hàng hóa thân thiện môi trường, hướng đến vận tải đường sông thay đường bộ. Theo ông Minh, Việt Nam cần thu hút nhà đầu tư nước ngoài nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng và chất lượng nhân lực.

“Chất lượng nhân lực là nhân tố hàng đầu liên quan đến chuyển giao công nghệ, nhu cầu về lao động giá rẻ, số lượng lớn không nhiều nữa. Hiện nay, các nhà đầu tư quan tâm đến nguồn nhân lực chất lượng cao, nhà đầu tư châu Âu rất muốn hợp tác công tư trong đào tạo nghề, nên có ưu đãi dành cho DN tham gia đào tạo nghề" - ông Minh cho hay.

Còn về thủ tục hành chính, ông Minh cho rằng, trong thời gian qua, Việt Nam đã có cải cách rất tốt, nên giữ vững cải tổ như thế này trong thời gian tới./.

Bùi Tư