Thủ tướng đề nghị APEC thành lập Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa lần thứ 24

00:00 12/10/2020

Ngày 15/9, tại TPHCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự Hội nghị Bộ trưởng Doanh nghiệp nhỏ và vừa APEC lần thứ 24 với chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị Tại đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: APEC có 21 nền kinh tế thành viên, chiếm khoảng 39% dân số thế giới, 57% GDP và gần 50% thương mại toàn cầu. Sức mạnh của mỗi nền kinh tế APEC có sự đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm khoảng 97% số doanh nghiệp và tạo ra 60% việc làm và quan trọng hơn là nguồn động lực cho tăng trưởng, đổi mới và sáng tạo tại các nền kinh tế APEC. Thủ tướng cũng đánh giá cao chủ đề của Hội nghị Bộ trưởng DNNVV APEC 2017 “Nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số”, đây là một trong 4 lĩnh vực ưu tiên của chủ đề Năm quốc gia APEC 2017 và thể hiện mong muốn của Việt Nam được hợp tác cùng các đối tác thành viên nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp của khu vực có cơ hội sáng tạo, tiếp cận mạng thông tin và thị trường toàn cầu để vươn lên trong kỷ nguyên số.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Khát vọng vươn lên hùng cường của mỗi quốc gia, ý chí vươn lên làm giàu của mỗi người dân chính là khởi nguồn cho sự sáng tạo không giới hạn, sức mạnh phát triển to lớn của nhân loại trong kỷ nguyên số. Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự ra đời của các công nghệ mới như: internet kết nối vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), rô bốt cao cấp, công nghệ nano, công nghệ in 3D… đang làm thay đổi cách nghĩ, cách làm ra của cải vật chất và thay đổi cuộc sống của người dân trên thế giới. Ở đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa với trình độ công nghệ, năng lực tài chính, quản trị còn hạn chế sẽ là đối tượng dễ bị tổn thương nhất nhưng chính họ cũng là nhóm đối tượng năng động và dễ thích nghi nhất. Vì vậy, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của khối DN này mở rộng quy mô, đẩy mạnh đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất và đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội.

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, tác động của công nghệ số đang lan tỏa đến từng DN, người dân, Quốc hội Việt Nam đã ban hành Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chính phủ Việt Nam trên tinh thần kiến tạo phát triển và hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân đã có nhiều quyết sách quan trọng nhằm xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh và bao trùm: thuận lợi, bình đẳng, tin cậy; thân thiện với với các DN, nhất là DNNVV; không chỉ khuyến khích tự do kinh doanh, tự do sáng tạo mà còn an toàn với người đầu tư; không chỉ làm cho chi phí giao dịch thấp mà còn có rủi ro thấp; các nhà đầu tư, DN không chỉ được tôn trọng mà còn được vinh danh khi sáng tạo, thành công và đóng góp nhiều cho xã hội - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết. Thủ tướng cho rằng con đường phát triển của Việt Nam là một minh chứng sống động cho vai trò và tầm quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa, như một động lực chủ yếu để tạo ra nhiều việc làm cho người dân, vừa góp phần duy trì tăng trưởng, ổn định kinh tế, xã hội vừa tạo điều kiện cho người dân vươn lên thoát nghèo, sáng tạo và làm giàu.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, để thực hiện mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chúng ta cần hợp tác thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong đó 4 giải pháp quan trọng là: Tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận thị trường, tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Thứ 2 là thuận lợi hóa môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ thông qua tiếp cận thuận lợi công nghệ, trình độ quản lý tiên tiến và hỗ trợ nâng cao năng lực thông qua đào tạo, tư vấn và kết nối kinh doanh. Thứ 3 là đẩy mạnh tinh thần kinh doanh APEC trong kỷ nguyên số, thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp và tăng cường đạo đức kinh doanh. Cuối cùng là phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững và thân thiện để thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong khu vực, đề cao vai trò lãnh đạo của phụ nữ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Mọi kế hoạch hợp tác với những mục tiêu tốt đẹp trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ chỉ trở thành hiện thực nếu chúng ta có lòng tin, sự quyết tâm hợp tác cùng nhau để gìn giữ môi trường hòa bình, bảo đảm an ninh, an toàn cho sự tự do lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ, dòng vốn đầu tư. Thủ tướng tin rằng hội nghị sẽ đạt kết quả tốt đẹp để báo cáo lên Hội nghị các nhà lãnh đạo cấp cao APEC 2017 nhằm đưa “con tàu APEC” tới tương lai tươi sáng, thịnh vượng cho mọi người dân. Ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: Mô hình phát triển cũ dựa trên khai thác nguồn tài nguyên sẵn có đã trở nên không ổn định, kém hiệu quả và không bền vững. Chúng ta cần chuyển sang mô hình mới, động lực mới dựa trên đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm. “Quá trình phát triển mạnh mẽ của công nghệ kỹ thuật số cũng đặt ra yêu cầu đối với các cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đòi hỏi các cơ quan này phải theo kịp xu thế của thời đại kỹ thuật số, tạo ra môi trường thuận lợi và áp dụng các phương pháp hỗ trợ hợp lý để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và phát triển các doanh nghiệp” – ông Dũng nhấn mạnh.

Theo UYÊN PHƯƠNG