Thêm nhiều yếu tố tác động làm tăng quy mô GDP

00:00 12/10/2020

Tổng cục Thống kê thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đang hoàn thiện báo cáo đánh giá lại quy mô tổng sản phẩm trong nước (GDP) giai đoạn 2010 - 2017 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi công bố chính thức.

Trong lần thu thập thông tin thống kê này, cơ quan thống kê “quét” hết tất cả các ngành, lĩnh vực, trong đó bổ sung thêm thông tin của hơn 70.000 doanh nghiệp.

5 nguyên nhân làm thay đổi quy mô GDP

Hiện cơ quan thống kê của Việt Nam đang sử dụng 3 phương pháp (phương pháp sản xuất, phương pháp sử dụng và phương pháp thu nhập) trong biên soạn chỉ tiêu thống kê GDP. Mặc dù nguồn thông tin đầu vào ngày càng được cải thiện, nhưng theo Tổng cục Thống kê thì vẫn chưa đầy đủ để phục vụ biên soạn chỉ tiêu GDP hàng năm. Việc đánh giá lại quy mô GDP sẽ phản ánh xác thực quy mô, năng lực của nền kinh tế, góp phần nâng cao vị thế kinh tế của đất nước.

Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, có 4 nhóm nguyên nhân làm tăng quy mô GDP (bổ sung thông tin từ tổng điều tra; bổ sung thông tin từ hồ sơ hành chính; cập nhật lý luận mới hệ thống tài khoản quốc gia 2008; rà soát, cập nhật lại phân ngành kinh tế) và 1 nhóm nguyên nhân làm giảm quy mô GDP (cập nhật cơ cấu kinh tế làm thay đổi hệ số chi phí trung gian và chỉ số giá của cả nước).

Trong quá trình thực hiện, Tổng cục Thống kê cũng chỉ rõ những tác động đến các chỉ tiêu vĩ mô của nền kinh tế khi đánh giá lại quy mô GDP. Đó là tạo ra mức tăng đáng kể trong tổng giá trị GDP và GDP bình quân đầu người, từ đó tác động đến định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong các giai đoạn tiếp theo. Sự gia tăng GDP bình quân đầu người có thể dẫn đến sự thay đổi trong mô hình tiêu dùng hộ gia đình do ước tính mức sống cao hơn hoặc đạt nhanh hơn đến mức quốc gia có thu nhập trung bình cao. Đánh giá lại quy mô GDP làm thay đổi cơ cấu GDP: tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ; giảm tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Đánh giá lại quy mô GDP làm thay đổi cơ cấu GDP, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Ảnh: Lê Tiên

Việc đánh giá lại quy mô GDP sẽ phản ánh số liệu thấp hơn đối với nhiều chỉ tiêu tài chính/tài khóa như: tỷ lệ thu ngân sách nhà nước so với GDP; tỷ lệ thuế so với GDP; tỷ lệ chi ngân sách nhà nước so với GDP; tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP; tỷ lệ nợ công, nợ chính phủ và nợ nước ngoài so với GDP.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê khẳng định, việc đánh giá lại quy mô GDP sẽ không tác động đến mục tiêu tăng trưởng GDP trong kế hoạch và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội do tốc độ tăng trưởng kinh tế qua các năm có sự thay đổi rất nhỏ. Ngoài ra, khả năng tác động đến các chỉ tiêu tài chính/tài khóa là thấp vì trong thực tế, thu ngân sách và thuế dựa trên thu thuế/phí, các tỷ lệ thu liên quan và được quy định bởi các văn bản pháp luật. 

“Quét” thông tin thống kê trên diện rộng

Ông Nguyễn Bích Lâm cho biết, lần thu thập thông tin để thống kê, đánh giá lại quy mô GDP lần này “quét” hết ở tất cả các ngành, các lĩnh vực, chỉ trừ kinh tế ngầm và kinh tế bất hợp pháp vì chưa có khả năng thu thập thông tin.

Đáng chú ý, trong những lần thực hiện thống kê lại GDP giai đoạn trước có hai ngành và lĩnh vực không được thực hiện là khối kinh tế thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an vì không có thông tin. “Song lần này, cuộc tổng điều tra thực hiện một cách khá toàn diện và do Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định nên Bộ Quốc phòng và Bộ Công an đều phải báo cáo, thực hiện hoạt động điều tra và gửi kết quả điều tra tổng hợp cho nền kinh tế nên chúng tôi bổ sung thêm được thông tin này”, ông Lâm nói và nhấn mạnh, Tổng cục Thống kê cũng lấy dữ liệu từ Tổng cục Thuế nên thông tin thống kê rất đầy đủ.

Người đứng đầu cơ quan thống kê thông tin thêm, đợt thống kê đánh giá lại quy mô GDP lần này cũng bổ sung thêm được thông tin của hơn 70.000 doanh nghiệp. Nguồn thông tin sử dụng đánh giá lại quy mô GDP chủ yếu dựa vào tổng điều tra và hồ sơ hành chính của các bộ, ngành, địa phương. Trong giai đoạn 2010 - 2017, Tổng cục Thống kê thực hiện Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2011 và năm 2016, Tổng điều tra kinh tế năm 2012 và năm 2017. Đồng thời, công tác chia sẻ thông tin giữa Bộ KH&ĐT với các bộ, ngành ngày càng tốt hơn đã giúp thu thập được thông tin từ nguồn dữ liệu hành chính của các bộ, ngành. 

Hải Bình