Theo một số công ty chứng khoán, trừ doanh nghiệp khai thác khu công nghiệp, tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiêp niêm yết nhìn tổng thể có thể thấp hơn cùng kỳ. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Chưa bao giờ hoạt động của doanh nghiệp trong nước bị tác động mạnh của chiến tranh thương mại như sáu tháng qua. Ngay cả những doanh nghiệp lạc quan nhất cũng tỏ ra e dè.
Khi được hỏi về doanh thu, lợi nhuận, đa phần doanh nghiệp và ngân hàng đáp chung chung là đạt kế hoạch đề ra. Một số công ty cho biết tốt nhất nên đợi kiểm toán soát xét xong rồi mới công bố cho chắc ăn.
Có doanh nghiệp nói: “Kết quả nửa đầu năm vượt tương đối so với cùng kỳ, tuy nhiên cả năm chưa biết thế nào”. Chỉ cần một biến động từ bên ngoài như giá nguyên liệu nhập khẩu tăng/giảm hoặc cơ quan quản lý thắt chặt/nới lỏng chính sách tiền tệ hoặc thuế suất thay đổi... là kết quả kinh doanh bị ảnh hưởng ngay.
Hàng hóa nào sản xuất ra cũng cần nhìn vào sức tiêu thụ mà mặt bằng thu nhập bình quân của người tiêu dùng chưa được cải thiện nhiều. Riêng với các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu, tăng trưởng sức mua của khu vực đô thị bắt đầu chựng lại, trong khi nâng sức mua của khu vực nông thôn còn không ít việc phải giải quyết.
Lác đác đã có những doanh nghiệp công bố kết quả ước tính. Trong khối ngân hàng mới có TienPhongBank cho biết lợi nhuận trước thuế tăng gần 60% so với cùng kỳ, đạt hơn 1.600 tỉ đồng. Đây là năm thứ ba liên tiếp lợi nhuận của ngân hàng này vượt trội.
Các ngân hàng được chờ đợi có lợi nhuận tăng trưởng trên 30% là VIB, ACB, VCB, VPB, TCB... Giới đầu tư sẽ phải xem xét thận trọng cơ cấu lợi nhuận từng tổ chức tín dụng cùng với mức trích lập dự phòng rủi ro và liệu có còn trái phiếu đặc biệt của VAMC.
Các doanh nghiệp khác có CNG Việt Nam đã công bố lợi nhuận với quí 2 cao hơn 10% cùng kỳ nhưng sáu tháng lại thấp hơn cùng kỳ 5%. Lợi nhuận công ty mẹ của Cao su Phước Hòa (PHR) giảm 33% so với nửa đầu năm ngoái. Nếu không tính các yếu tố đột biến như thanh lý vườn cây hoặc lợi nhuận ngoài mảng kinh doanh cốt lõi, các doanh nghiệp trồng, khai thác cao su tự nhiên như PHR không thể thỏa mãn kỳ vọng của cổ đông do giá cao su quốc tế vẫn chưa ra khỏi cơn bĩ cực. Cao su tiểu điền đã được chuyển đổi mạnh những quí gần đây để lấy đất trồng các loại cây công nghiệp khác.
Trong nhóm dầu khí, PVS đã sớm ước tính lợi nhuận khoảng 520 tỉ đồng, tăng 38%. Cùng với GAS, PVS là công ty tận dụng được các yếu tố khách quan và nỗ lực tăng trưởng. Những công ty dầu khí còn lại lợi nhuận không mấy khả quan. PVD vẫn lỗ, dẫu mức lỗ thấp hơn cùng kỳ. Dạng doanh nghiệp có lỗ cải thiện xuất hiện cả trong ngành thép như Thép Nam Kim, lĩnh vực vận tải biển và nhất là khai khoáng ( không bao gồm dầu khí).
Một số doanh nghiệp có lợi nhuận khả quan như Vicostone (VCS) với lợi nhuận trước thuế 1.564 tỉ đồng, tăng 18%; Công ty Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FRT) ước lãi trước thuế cao hơn cùng kỳ 10%. Ngành bán lẻ dự kiến lợi nhuận tiếp tục cải thiện với Digiworld, PNJ và Thế giới Di động. Các công ty chứng khoán ngược lại, rất dè sẻn và kiệm lời về kết quả kinh doanh khi thanh khoản giao dịch cả ba sàn đã đi xuống so với năm ngoái.
Hoạt động tự doanh của công ty chứng khoán hầu hết kém sôi động. Những cái mới như chứng quyền và kể cả hợp đồng tương lai chỉ mang tính “tô điểm” cho doanh thu chứng khoán. Cổ phiếu chứng khoán đã không mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư, một số cổ phiếu thị giá còn giảm so với đầu năm.
Các doanh nghiệp trụ cột của Hose chưa động tĩnh gì với kết quả kinh doanh. Cổ đông của Vinamilk, Sabeco, Hòa Phát, Masan, Vingroup, Vietnam Airlines, VietJetAir cần chờ thêm 1-2 tuần nữa trước khi có bất cứ sự “rò rỉ” thông tin lợi nhuận nào. Trên sàn UpCom lợi nhuận của một số “ông lớn” như ACV, BSR, OIL, VEA, VGI, SDI, MPC, QNS được săn đón tấp nập và giá cổ phiếu của chúng biến động dữ dội với biên độ tới 15%/ngày.
Theo một số công ty chứng khoán, trừ doanh nghiệp khai thác khu công nghiệp, tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiêp niêm yết nhìn tổng thể có thể thấp hơn cùng kỳ. Một phần do doanh nghiệp đặt chỉ tiêu lợi nhuận sát với thực tế nên sự vượt kế hoạch khó xảy ra.
Mặt khác doanh nghiệp có thiên hướng tính đường dài, tăng cường trích lập dự phòng, xử lý hết các khoản chi phí (có khi chi phí phân bổ cho cả năm nhưng lại tính luôn trong quí 1, quí 2), trích khấu hao cao hơn và nhanh hơn... Thành ra có một bộ phận doanh nghiệp ghi nhận doanh thu đẹp nhưng lợi nhuận chỉ vừa phải.
Thành Nam