Tham vấn chính sách đầu tư nước ngoài

00:00 12/10/2020

Hội nghị Tham vấn định hướng hoàn thiện thể chế chính sách về đầu tư nước ngoài trong bối cảnh mới được tổ chức vào ngày 14/2 tại Bình Dương dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhằm rút ra kinh nghiệm thực tiễn và định hướng chính sách FDI trong giai đoạn mới.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị tham vấn định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách về đầu tư nước ngoài tại Bình Dương

Sau 30 hơn năm đổi mới (từ năm 1986), chính sách thu hút đầu tư nước ngoài đã tạo cú hích thu hút ngoại lực kết hợp với nội lực trong nước để phát triển kinh tế - xã hội, đưa Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế. Từ đây, Việt Nam từng bước tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, được quốc tế công nhận là quốc gia có trách nhiệm, có uy tín, tăng trưởng ổn định và bảo đảm an ninh trong cộng đồng.

Hết năm 2018, Việt Nam thu hút  27.353 dự án đầu tư nước ngoài từ 130 quốc gia và cùng lãnh thổ với tổng vốn cam kết đạt 340,1 tỷ USD. Trong đó đầu tư công nghiệp chiếm  69,4%, tiếp đến là dịch vụ 29,6% và nông lâm ngư nghiệp 1%. Các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) đã có mặt ở tất cả các địa phương cả nước, chủ yếu tập trung ở Đông Nam bộ chiếm 43,6% tổng vốn đăng ký; Đồng bằng sông Hồng 27,2%; Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung 15,1%; Đồng bằng sông Cửu Long 6,3%; Trung du miền núi phía Bắc 7,5% và Tây Nguyên 0,26%.

Đầu tư nước ngoài đóng góp cho tăng trưởng lên đến 27,7% trong mức tăng trưởng bình quân 6%/năm của nền kinh tế, góp phần quan trong trong chiến lược chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao hiệu quả hoạt động và chuyển giao công nghệ, dịch vụ tiên tiến, phương thức quản lý khoa học và nguổn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy khu vực kinh tế trong nước cải thiện năng suất, đổi mới công nghệ tạo ra sản phẩm trong gian và trở thành nhà cung cấp dịch vụ trong chuỗi sản xuất...

Toàn cảnh hội nghị

Chia sẻ kinh nghiệm về quá trình thực hiện chính sách đầu tư nước ngoài cũng như thành quả đầu tư nước ngoài mà Bình Dương đạt được, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm cho biết: “Bình Dương đã vận dụng sáng tạo cơ chế, chính sách của Nhà nước vào tình hình thực tế của địa phương cùng với học tập kinh nghiệm từ các nhà đầu tư, đối tác để đổi mới phương thức quản lý, sử dụng và phát huy có hiệu quả nguồn tài nguyên, con người trong phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư... Những kinh nghiệm đó đã làm nền tảng thành công của Bình Dương cho ngày hôm nay là xây dựng, kiến tạo hạ tầng đồng bộ, hiện đại cùng với phát triển các dịch vụ tiện ích như viễn thông, giao thông vận tải, nhà ở xã hội, đô thị, trường học, dịch vụ y tế, ngân hàng... Tất cả nền tảng này đã giúp Bình Dương không ngừng xây dựng và phát triển đô thị thông minh chuẩn bị cho giai đoạn hội nhập kinh tế sâu rộng, thu hút đầu tư chất lượng mới”.

Phó Chủ tịch thường trực UBND Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm thì khẳng định: “Chính sách thu hút đầu tư vừa thu hút nguồn ngoại lực quan trọng để phát triển đất nước, vừa thúc đẩy nội lực phát triển. Hiện đã có nhiều doanh nghiệp trong nước vươn lên cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp nước ngoài. Vì thế,  trong định hướng khuyến khích đầu tư sắp tới, Việt Nam cần tiếp tục cải cách, tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp, nhà đầu tư theo hướng minh bạch, ưu đãi đặc biệt cho các ngành về hạ tầng, giáo dục, y tế, nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng... Nhà đầu tư được hưởng ưu đãi sau khi khi đã hoàn thành đúng, đầy đủ các chính sách thay vì chỉ ưu đãi thuế như trước đây”. 

Riêng Phó Chủ tịch UBND Thành phố Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam luôn trăn trở: “Những tỉnh thành ở “mặt tiền” thì dễ thu hút đầu tư hơn nhờ thuận lợi về giao thông, hạ tầng. Còn những tỉnh thành “không có mặt tiền” sẽ khó khăn vì hạ tầng yếu kém, kết nối chậm, chi phí cao”... Hiện tại, 2 trục giao thông đường bộ chính là cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương (tuyến Quốc lộ 1A) cùng tuyến Quốc lộ N2 cũng như hệ thống đường thuỷ vẫn chưa hoàn thành, nên muốn làm sự kiện đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài nhưng rất khó, còn mở hội nghị liên vùng hay hội nghị xúc tiến đầu tư càng khó hơn. “Để phát triển đồng bộ, đều khắp, Nhà nước cần đầu tư, hỗ trợ các tỉnh thành “không có mặt tiền” về hạ tầng lẫn cơ chế, chính sách ưu đãi về đầu tư nước ngoài", ông Nam kiến nghị.

Tham vấn của các tổ chức tín dụng quốc tế, các hiệp hội doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài cũng đồng tình với đánh giá của Chính phủ. Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam hiện đã vượt qua Trung Quốc, Ấn Độ và các nước phát triển trong khu vực. Tuy nhiên, khả năng liên giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước vẫn còn khoảng cách dẫn đến khả năng nội địa hóa còn thấp, giá trị gia tăng tiếp tục có xu hướng giảm, đặc biệt là ở những ngành có mức độ phức tạp cao. Chính sách pháp luật thường xuyên thay đổi, đặc biệt là chính sách “hồi tố” thuế mang lại rủi ro cao cho doanh nghiệp FDI. Chính sách nhập khẩu, chuyển giao công nghệ đã qua sử dụng từ các nước phát triển còn quá khắc khe, khiến hiệu quả chuyển giao công nghệ, hiện đại hóa sản xuất ở Việt Nam còn chậm. Xu hướng toàn cầu hóa sẽ mở ra nhiều cơ hội cùng với thách thức cho nền kinh tế và thu hút đầu tư. Những lĩnh vực cần quan tâm phát triển trong thời gian tới là phát triển song song hai nền kinh tế truyền thống và kinh tế điện tử vừa tiết kiệm vừa góp phần ngăn ngừa phát sinh chi phí “không chính thức”...

Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Ðình Huệ đánh giá cao các tham luận, có giá trị thiết thực đối với Tổ biên tập Ðề án Ðịnh hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng ÐTNN đến năm 2030 của Chính phủ; đồng thời đề nghị Bộ Kế hoạch và Ðầu tư cùng các bộ, ngành và Tổ biên tập tiếp thu các ý kiến và khuyến nghị tại hội nghị để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Ðề án, trình Chính phủ và Bộ Chính trị.

Trước sự chứng kiến của Phó Thủ tướng, tại hội nghị, UBND tỉnh Bình Dương đã trao Giấy chứng nhận đầu tư cho 4 dự án với tổng vốn đăng ký 180 triệu USD trong năm 2019.

Phó Thủ tướng Vương Ðình Huệ cũng đã làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh Bình Dương. Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo tỉnh tiếp tục đóng góp ý kiến cho Ðề án Ðịnh hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài đến năm 2030; đồng thời phát huy kết quả đạt được trong phát triển công nghiệp, gắn với đô thị và dịch vụ, đô thị thông minh; tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài hiệu quả, xứng đáng là một trong những đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam...

P.V