Sầm Sơn (Thanh Hóa): Thực hiện di dời chợ hải sản tự phát tại cảng cá Lạch Hới

00:00 12/10/2020

“Hiện nay, việc bà con họp chợ, buôn bán hải sản tự phát trong khu vực Cảng cá Lạch Hới là trái quy định, bởi cảng cá không có chức năng họp chợ và kinh doanh hải sản. Tuy nhiên thành phố Sầm Sơn sẵn sàng giành thêm thời gian để tuyên truyền, vận động cho bà con tự giác chuyển sang chợ đầu mối hải sản Thanh Bình, chậm nhất là tháng 12/2020. Đồng thời phía doanh nghiệp cũng phải hoàn thiện chợ theo kế hoạch để phục vụ bà con”, ông Nguyễn Ngọc Tiến, Bí thư thành phố Sầm Sơn chia sẻ.

Thời gian gần đây, cùng với cả tỉnh Thanh Hóa thực hiện việc xóa bỏ chợ tạm, chợ cóc thì trên địa bàn Sầm Sơn, TP cùng phường Quảng Tiến đã vận động tiểu thương không họp chợ tại khu vực cảng Lạch Hới mà di chuyển vào khu chợ đầu mối hải sản.

Người dân vẫn kinh doanh buôn bán tại cảng Lạch Hới ngay dưới biển "Cấm họp chợ"

Theo công văn số 5017/UBND-KT, ngày 10-12-2019 của UBND TP Sầm Sơn và công văn số 5041/SNN&PTNT-KTBVNTS, ngày 23/12/2019 của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thanh Hóa về việc chấm dứt tình trạng họp chợ, tụ điểm kinh doanh tự phát tại khu vực cảng cá Lạch Hới, nêu rõ: Căn cứ Điều 81, Luật Thủy sản, không có quy định tổ chức họp chợ, kinh doanh tự phát tại khu vực trong cảng cá. Để tuân thủ đúng quy định của pháp luật về khai thác, sử dụng cảng cá, yêu cầu Ban quản lý cảng cá Lạch Hới chấm dứt tình trạng trên để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường tại cảng cá.

Trong buổi làm việc gần đây nhất giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với các bên liên quan cũng đi đến phương án cuối cùng là kiên quyết thực hiện việc di dời chợ tự phát tại cảng Lạch Hới. TP Sầm Sơn và phường Quảng Tiến có trách nhiệm vận động người dân, tuyên truyền cho các tiểu thương hiểu được ý nghĩa của việc vào buôn bán hải sản ở khu chợ mới. Những ngày tới, địa phương cũng sẽ phối hợp với chủ đầu tư để hoàn thiện hệ thống hạ tầng khu chợ mới, bảo đảm mọi điều kiện kinh doanh hải sản cho tư thương và các chủ tàu thuyền. Đồng thời, trong tháng 3 này, phường Quảng Tiến phải tổ chức cho những hộ kinh doanh trong khu vực cầu cảng ký cam kết di dời khi chính quyền và các ngành liên quan yêu cầu.

Với Ban Quản lý Cảng cá Lạch Hới, phải thực hiện nghiêm các quy định, bảo đảm vệ sinh môi trường, quản lý chất lượng hải sản thông qua cảng. Và bà con cũng phải kí cam kết từ nay đến cuối năm phải chuyển vào chợ hải sản và DN cũng phải cam kết hoàn thiện các thủ tục để bà con đủ điều kiện  kinh doanh.

Một góc của chợ đầu mối hải sản mới của thành phố Sầm Sơn

Trao đổi với PV, ông Lê Đức Giang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thanh Hóa cho biết: “Việc di dời để dẹp bỏ chợ hải sản ngay trong Cảng cá Lạch Hới là hợp lý, tránh ô nhiễm môi trường, đưa hoạt động buôn bán vào quy củ. Thời gian có thể lùi lại, tùy vào tình hình thực tế để các bên tiếp tục hoàn thiện các điều kiện cần thiết, cũng như thực hiện công tác vận động, tuyệt đối không để phức tạp tình hình nhưng muộn nhất ngày 30 – 12 – 2020 phải thực hiện di dời xong”.

Được biết, khu vực Cảng Lạch Hới tấp nập nhất là lúc tàu thuyền ra khơi trở về, từ 3h – 8h và từ 12h – 15h hàng ngày. Nhiều năm nay, Cảng cá Lạch Hới là nơi giao thương của ngư dân và thương lái. Mỗi khi tàu về cảng, bà con vận chuyển hải sản lên cảng rồi bán lại luôn cho thương lái.

Có mặt tại đây, nơi có biển cấm họp chợ nhưng PV vẫn thấy các hoạt đông giao thương diễn ra bình thường dẫn đến nước hải sản chảy và túi ni lông, rác thải sau hoạt động buôn bán được vứt bỏ ngay trên khu vực cầu cảng và toàn bộ sân cảng… Tình trạng ô nhiễm môi trường là không tránh khỏi. Đáng nói, gần đây, nhiều xe ô tô cá không rõ nguồn gốc từ nơi khác cũng được đưa về đây để giao dịch. Trước Tết Nguyên đán 2020, Công an TP Sầm Sơn đã phối hợp với các đơn vị liên quan, bắt giữa và tiêu hủy 2 xe ô tô hải sản có dùng chất cấm nguy hại để bảo quản.

Gặp gỡ PV, những người kinh doanh buôn bán tại Cảng Lạch Hới bày tỏ nguyện vọng: “Mặc dù bước đầu việc di dời từ chợ ở cảng tới chợ đầu mối hải sản sẽ gặp khó khăn bởi việc thay đổi thói quen cũ nhưng chúng tôi sẽ cố gắng. Để đảm bảo công bằng thì tất cả phải di dời và chúng tôi hoàn toàn ủng hộ. Về phía doanh nghiệp kinh doanh chợ cũng phải hoàn thành và đảm bảo an toàn cho chúng tôi khi chuyển đến”.

Minh Hiền – Trung Ngôn