CTCP Vĩnh Hoàn (mã: VHC) vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm với lợi nhuận sau thuế hợp nhất giảm hơn 49% xuống 367 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là do xuất khẩu cá tra giảm mạnh trước tác động của dịch Covid-19, đặc biệt là tại thị trường Mỹ (giảm 64% trong tháng 6) và Trung Quốc (giảm 46%).
Trong khi đó, Báo cáo tài chính của Vĩnh Hoàn ghi nhận đã đầu tư 193,5 tỷ đồng vào chứng khoán bên cạnh khoản tiền gửi hơn 1.530 tỷ đồng. Điều này cho thấy, Vĩnh Hoàn là một trong những doanh nghiệp sở hữu lượng tiền mặt dồi dào, thành quả của những năm tháng kinh doanh tốt, nhưng cũng cho thấy khó khăn của công ty trong hoạt động kinh doanh cốt lõi.
Mong muốn tối ưu hóa đồng vốn
Những cổ phiếu cơ bản tốt mà Vĩnh Hoàn giải ngân bao gồm MWG của Thế giới Di động với số tiền 87,2 tỷ đồng (trích lập dự phòng cho khoản đầu tư này là gần 5 tỷ đồng), FPT của CTCP FPT với 28,55 tỷ đồng, HPG của Tập đoàn Hòa Phát với 23,64 tỷ đồng.
So với tổng tài sản của Vĩnh Hoàn ở mức 6.740 tỷ đồng và xét trên cơ cấu nợ (849 tỷ đồng) và nguồn tiền mặt dồi dào (hơn 1.520 tỷ đồng), khoản đầu tư cổ phiếu của Vĩnh Hoàn không lớn.
Không chỉ Vĩnh Hoàn, nhiều doanh nghiệp khác đang sở hữu lượng tiền mặt dồi dào cũng lựa chọn thị trường chứng khoán là “bến đỗ” cho một lượng tiền nhất định. Có thể kể đến như CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (mã: NTC) đang sở hữu lượng tiền mặt "khủng" lên tới 1.540 tỷ đồng gửi ngân hàng...
Trong quý II, Nam Tân Uyên ghi nhận 44,5 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính, trong đó có 36,6 tỷ đồng lãi tiền gửi, lãi cho vay và gần 8 tỷ đồng cổ tức, lợi nhuận được chia.
Thị trường chứng khoán thường diễn biến khó lường, không thể đảm bảo cổ phiếu sẽ sinh lời mãi mãi (Ảnh: internet)
Mặc dù dịch Covid-19 khiến nguồn thu chính bị ảnh hưởng, nhưng với nguồn tiền tích lũy “khổng lồ” lên tới 31.000 tỷ đồng, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) được ghi nhận là doanh nghiệp có lượng dư tiền và tương đương tiền lớn nhất sàn chứng khoán.
Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (mã: GAS) cũng là một doanh nghiệp có lượng tiền mặt và tương đương tiền lớn, gần 29.400 tỷ đồng. Trong khi đó, "đại gia" máy nông nghiệp VEAM (mã: VEA) có hơn 16.800 tỷ đồng; Sabeco (SAB) có lượng tiền mặt 16.500 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia, khi hoạt động sản xuất kinh doanh cốt lõi gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 khiến chuỗi giá trị toàn cầu đứt gãy, một phần trong số tiền trên được đổ vào các thị trường tài chính là điều dễ hiểu.
Thực tế, đầu tư chứng khoán luôn được đánh giá là một trong những kênh đầu tư tiềm năng và đem lại mức lợi nhuận hấp dẫn. Đặc biệt, so với những kênh đầu tư khác như vàng, bất động sản hay tiền gửi tiết kiệm thì đầu tư chứng khoán có ưu điểm hơn về tính thanh khoản, nguồn vốn và điều kiện gia nhập. Đây có thể là điều khiến không chỉ các nhà đầu tư cá nhân mà doanh nghiệp cũng “say nắng” thị trường này.
Rủi ro rình rập
Trong lịch sử phát triển của thị trường chứng khoán, việc doanh nghiệp mang tiền nhàn rỗi đầu tư cổ phiếu nhằm tối đa hóa hiệu suất của đồng vốn đã không còn là mới mẻ. Trước đây, thậm chí có một "làn sóng" đầu tư trong giai đoạn 2007 - 2008 khiến cơ quan quản lý nhà nước các ngành phải “tuýt còi”. Theo đó, các cơ quan này cho rằng, đây là những khoản đầu tư có tính chất mạo hiểm vì thị trường chứng khoán thường diễn biến khó lường, không thể đảm bảo cổ phiếu sẽ sinh lời mãi mãi.
CTCP Đầu tư Phát triển Nhà Đà Nẵng (mã: NDN) là một trong những điển hình về rủi ro khi đầu tư vào cổ phiếu. Dù đã tham gia vào thị trường chứng khoán nhiều năm, nhưng Nhà Đà Nẵng vẫn phải chịu cảnh thua lỗ liên tiếp. Gần đây nhất, công ty phải bán toàn bộ danh mục đầu tư chứng khoán trong quý II.
Theo đó, Nhà Đà Nẵng đã bán một số cổ phiếu nổi bật như PNJ (giá trị vốn gốc hơn 35,3 tỷ đồng), FPT (gần 34,4 tỷ đồng), PHR (13,5 tỷ đồng) và một số mã khác như VNM, GVR, HUB, MBB. Trong khi đó, hồi đầu năm 2020, giá trị đầu tư chứng khoán của công ty ở mức 107,6 tỷ đồng.
Việc bán cắt lỗ danh mục đầu tư trong quý II khiến Nhà Đà Nẵng hạch toán lỗ đầu tư chứng khoán hơn 24 tỷ đồng. Trên thị trường chứng khoán, Nhà Đà Nẵng được biết đến là nhà đầu tư có kinh nghiệm với giá trị danh mục đầu tư thường xuyên duy trì ở mức hàng trăm tỷ đồng.
Trước đó, năm 2018, Nhà Đà Nẵng đã tất toán toàn bộ danh mục cổ phiếu khi thị trường lao dốc, ghi nhận lỗ 34 tỷ đồng; còn năm 2017 lỗ gần 2 tỷ đồng. Sau khi tất toán danh mục đầu tư, Nhà Đà Nẵng giải ngân trở lại trong năm 2019 nhưng tiếp tục không hiệu quả khiến công ty lỗ tiếp 4 tỷ đồng từ hoạt động đầu tư này.
Sau giai đoạn khó khăn vì Covid-19 trong 3 tháng đầu năm, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự phục hồi mạnh mẽ, nhiều cổ phiếu có sự tăng trưởng ấn tượng từ 30 - 50% so với vùng đáy xác lập hồi tháng 3.
Tuy nhiên, đợt tái nhiễm Covid-19 trong cộng đồng lần thứ 2 vừa qua đã kéo Vn-Index có những đợt giảm mạnh. Dù đã lấy lại “phong độ” nhưng vẫn còn nhiều ý kiến lo ngại bởi các ca nhiễm mới tăng lên hàng ngày, trong đó có cả tử vong có thể ảnh hưởng đến tâm lý các nhà đầu tư.
Ở góc nhìn tích cực, Chứng khoán Mirae Asset kỳ vọng dòng tiền sẽ phân hóa và tập trung vào nhóm cổ phiếu có câu chuyện riêng, vẫn duy trì được tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận khả quan năm 2020 hoặc có nền tảng cơ bản tốt. Đồng thời, khuyến nghị các doanh nghiệp nếu muốn đầu tư cổ phiếu thì nên lựa chọn một quỹ ủy thác thay vì tự mua bán, bởi các doanh nghiệp khó có thể bám sát được các biến động diễn ra trên thị trường chứng khoán.
Linh Đan