“Rào cản” của thị trường BĐS du lịch Việt

00:00 12/10/2020

Theo các chuyên gia, nhằm tạo điều kiện cho một thị trường BĐS du lịch, nghỉ dưỡng thực sự phát triển, nhà đầu tư cần xây dựng nguồn nhân lực vận hành cho các khu du lịch bằng cách liên kết và tự đào tạo. Đồng thời, phát triển các sản phẩm, dịch vụ giải trí mới thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Bàn về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực nhằm gỡ “nút thắt” cho thị trường BĐS du lịch, Hiệp hội BĐS Việt Nam kiến nghị, các công ty BĐS phải chủ động xây dựng lực lượng thông qua hoạt động đào tạo nội bộ. 

Bên cạnh đó, các DN nên kết hợp với các trường, trung tâm đào tạo để xây dựng các chương trình đào tạo sát với nhu cầu thực tế ứng dụng trong các doanh nghiệp. Đối với vận hành khai thác, cần kết hợp với các công ty quản lý có thương hiệu trên thế giới để đào tạo đội ngũ một cách bài bản và có chất lượng cao, hợp tác với DN kinh doanh dịch vụ quản lý, vận hành có thương hiệu trong và ngoài nước một cách chuyên nghiệp và bài bản...

Không chỉ được đào tạo bài bản trong các nhà trường, nhân viên khi ra trường cần được đào tạo lại hoặc tự đào tạo ngay tại các dự án của các chủ đầu tư để có thể nắm bắt tình hình thực tế và tiến hành công việc một cách hiệu quả nhất. Điều này giúp hình thành được đội ngũ kế cận có kiến thức chuyên môn cao, cũng như đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn theo xu thế phát triển. 

Ông Adam Bury, Phó Chủ tịch cấp cao Công ty nghiên cứu BĐS JLL cho biết, để đáp ứng nhu cầu phát triển với xu thế hội nhập thế giới như hiện nay thì việc đưa các chương trình đào tạo quốc tế về quản lý BĐS vào Việt Nam là điều rất nên làm. Thực hiện tốt điều này sẽ đáp ứng được nhu cầu dài hạn cho đội ngũ nhân sự về BĐS có chất lượng cao và bài bản.

Cùng với đó, cần xây dựng các tiêu chuẩn trong lĩnh vực quản lý BĐS theo thị trường Việt Nam dựa trên các tiêu chuẩn quản lý của thế giới, nhất là ứng dụng được công nghệ tiên tiến trong công tác quản lý BĐS, đặc biệt là các ứng dụng CNTT. Quan trọng hơn, điều này có thể ngăn ngừa hoạt động cạnh tranh không lành mạnh giữa các loại hình dịch vụ lưu trú, tác động xấu đến các dự án BĐS du lịch. Bên cạnh đó, tạo sự liên kết giữa các DN làm BĐS du lịch để thống nhất kiểm soát thị trường...

Ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam nhấn mạnh, do du lịch là 1 trong 3 mũi nhọn phát triển của Chính phủ, mang lại giá trị kinh tế lớn cho đất nước nên rất cần có một cơ quan chuyên trách về lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, cần tập trung quảng bá, xúc tiến du lịch tạo thị trường cho các DN phát triển, miễn visa du lịch cho các thị trường khách hàng tiềm năng, tăng các cơ chế ưu đãi cho việc mở hãng hàng không, các nhà đầu tư xây dựng sân bay, bến cảng, đường cao tốc, mở rộng và nâng cao chất lượng đào tạo du lịch để bổ sung nguồn nhân lực cho các khu du lịch... Những giải pháp này rất cần các cơ chế, quyết sách đồng bộ từ các cơ quan hữu trách.

Minh Tuyết