Phái sinh: Thanh khoản cải thiện tích cực

00:00 12/10/2020

Diễn biến chỉ số cơ sở và các hợp đồng tương lai trái chiều trong phiên đầu tuần. VN30-Index tiếp tục có phiên tăng nhẹ, trong khi các hợp đồng tương lai đều giảm. Xu hướng ngắn hạn được chuyển sang xu hướng tăng...

Thị trường chứng khoán Việt Nam tăng điểm phiên đầu tuần giống như các thị trường châu Á, tuy nhiên áp lực bán tăng lên tại vùng giá cao dần về cuối phiên khiến mức tăng điểm bị hạn chế. VN-Index và VN30-Index đóng cửa tăng lần lượt 0,38% và 0,28% lên mức 962,85 điểm và 868,94 điểm.

Sàn Hà Nội ghi nhận thêm một phiên điều chỉnh khi HNX-Index và HNX30-Index giảm 0,07% và 0,31% về còn 104,78 điểm và 189,96 điểm.

Nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn dẫn dắt đà tăng của chỉ số chung sàn HOSE trong khi nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ tác động về phía ngược lại, cụ thể VNMidcap và VNSmallcap-Index điều chỉnh 0,1% và 0,03%. Riêng trong nhóm VN30 vó 17 mã tăng so với 8 mã giảm. Đáng chú ý, VCB (+2,8%), VIC (+1,7%) và VHM (+1,3%) là 3 cổ phiếu hỗ trợ nhiều nhất cho vận động của VN-Index trong phiên.

Ngành điện ghi nhận mức biến động đáng kể của các cổ phiếu thành phần. POW giảm 3,6% sau khi ETF hoàn tất kỳ tái cơ cấu danh mục đồng thời đi ngược xu hướng với các cổ phiếu còn lại trong nhóm nhiệt điện. NT2, PPC, BTP đều tăng trên 2%.

Sắc xanh chiếm ưu thế tại lĩnh vực bảo hiểm trong đó điểm nhấn đến từ BMI. Cổ phiếu tăng trần sau khi SCIC đăng ký mua vào 1 triệu cổ phiếu. Ở các nhóm ngành khác, giằng co và phân hóa là diễn biến chủ đạo trong phiên.

Giá trị giao dịch trên sàn HOSE đạt 3,38 nghìn tỷ đồng, giảm 18,1% so với mức bình quân của tuần giao dịch gần nhất. Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng trên sàn HOSE, với giá trị 92,9 tỷ đồng do ảnh hưởng của giao dịch tại SBT (-111 tỷ đồng). Ở chiều ngược lại, VCB và BVH là hai cổ phiếu dẫn đầu được mua ròng với quy mô tương ứng là 53 tỷ đồng và 26 tỷ đồng.

phái sinh

Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai (HĐTL) chịu áp lực bán khi giao dịch ở mức khá cao so với chỉ số cơ sở. Theo đó kết thúc phiên, toàn bộ các hợp đồng đều đóng cửa ngược với chỉ số cơ sở, trong đó HĐ F1907 điều chỉnh 3,4 điểm, thu hẹp mức chênh lệch dương với VN30 về còn 12,66 điểm. HĐ mới F1908 giảm nhẹ 0,7 điểm; F1909 giảm 5,0 điểm; F1912 giảm 2,3 điểm.

phái sinh

Thanh khoản thị trường phái sinh cải thiện, khi khối lượng giao dịch HĐTL tăng 10,45% lên mức 86.517 HĐ, tương ứng với 7.660 tỷ đồng. Khối lượng mở tiếp tục tăng lên mức 25.886 HĐ.

Chỉ số VN30 tăng khá mạnh trong phiên gần chạm kháng cự ngắn hạn 874 điểm và lùi lại vào cuối phiên với đóng cửa ở 868,94 điểm (+2,41 điểm). Khối lượng giao dịch ở mức hơn 40,7 triệu đơn vị, giảm mạnh 31,6 triệu đơn vị so với phiên ETF tái cơ cấu danh mục trước đó, nhưng vẫn cao so với khối lượng giao dịch bình quân 20 phiên gần 2 triệu đơn vị.

 phái sinh

Ảnh minh họa

Báo cáo phái sinh của SSI Retail Research cho thấy, trong biểu đồ kỹ thuật, nến ngày tiếp tục là một nến nhỏ màu trắng (small white candle) với bóng nến trên bằng khoảng 1,5 lần thân nến cho thấy lượng bán ở vùng giá cao gia tăng trở lại. Các chỉ báo dao động ngẫu nhiên (stochastic), chỉ báo sức mạnh (RSI) và chỉ báo dòng tiền (MFI) đều tiếp tục gia tăng. Bên cạnh đó, đường trung bình động (MACD) mặc dù vẫn vận động dưới đường số 0 (zero line) nhưng tiếp tục cắt lên trên đường  tín hiệu.

SSI Retail Research cho rằng, xu hướng ngắn hạn được chuyển sang xu hướng tăng, tuy vậy đà tăng có dấu hiệu chậm lại do lượng bán gia tăng ở giá cao. Mức đảo chiều trong phiên ngắn hạn cho chỉ số VN30 nâng lên 867 điểm cho phiên giao dịch tiếp theo./.

D.T