Những xu hướng thương mại điện tử có tiềm năng nhất trong năm 2020

00:00 12/10/2020

Thương mại điện tử dần khẳng định vị trí của mình trong những năm gần đây, nó có vai trò vô cùng lớn, tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Hướng tới một trải nghiệm tự động và tập trung vào các thiết bị di động, đây là những xu hướng mới nổi với tiềm năng phát triển hơn nữa trong năm 2020 của sân chơi TMĐT Đông Nam Á.

1/ Mô hình D2C

Trong mô hình bán lẻ truyền thống, có rất nhiều bên tham gia vào quá trình đưa sản phẩm từ nhà sản xuất đến tay khách hàng: nhà bán buôn, nhà phân phối, nhà bán lẻ. Trước khi cuộc cách mạng Internet diễn ra, quyền lực nằm trong tay các nhà phân phối. Tuy nhiên ngày nay, nhà sản xuất đã có thể tự phân phối các sản phẩm của họ. Thông qua nhiều kênh trực tuyến như trang web của cửa hàng, mạng xã hội và các sàn TMĐT, các thương hiệu có thể tự quảng bá và phân phối sản phẩm mà không phải chia sẻ lợi nhuận với người trung gian. Mô hình này được gọi là Trực tiếp đến khách hàng (Direct to Consumers - D2C).

Mô hình D2C cho phép bạn kiểm soát quá trình trải nghiệm sản phẩm của khách hàng và mức giá - nguồn lợi nhuận chính của công ty. Các thương hiệu cũng có thể xây dựng mối quan hệ thân thiết hơn với khách hàng để hiểu thêm về họ hoặc điều chỉnh sản phẩm nhanh chóng theo nhu cầu hiện tại của thị trường. Tuy nhiên, điều đó cũng có nghĩa là nhà sản xuất phải gánh vác nhiều trách nhiệm hơn.

2/ Giới thiệu sản phẩm bằng video

Điều duy nhất mà mua sắm online không thể canh tranh với mua tại cửa hàng là sự trải nghiệm trực tiếp sản phẩm. Khách hàng muốn biết càng nhiều thông tin về sản phẩm càng tốt trước khi đưa ra quyết định. Trong khi những dòng chữ thì nhàm chán còn hình ảnh thì có thể dễ dàng chỉnh sửa, video nổi lên như một công cụ tiếp thị mạnh mẽ.

Một khảo sát của YouGov cho thấy hơn một nửa số khách hàng thích xem video hơn là đọc phần mô tả cho các thiết bị điện tử cá nhân, đồ gia dụng, phần mềm và công cụ. Tỷ lệ này là 35% cho các sản phẩm thời trang và làm đẹp, và 27% cho các sản phẩm chăm sóc cá nhân.

Khi những ứng dụng video ngắn như Tik Tok đang lên ngôi, người bán không tốn quá nhiều công sức để tạo ra một video hấp dẫn để giới thiệu sản phẩm của họ. Vì vậy, các thương hiệu nên bắt đầu theo dòng xu hướng này để giới thiệu sản phẩm của mình một cách trung thực nhất.

3/ Nội dung tạo ra bởi người dùng

Nội dung tạo ra bởi người dùng (User-generated content - UGC), là bất kỳ loại nội dung nào được tạo ra và lan truyền bởi những người dùng của thương hiệu - những người không hề nhận tiền quảng cáo. UGC thể hiện những trải nghiệm thực tế về sản phẩm từ người dùng, đáng tin cậy và thuyết phục hơn nhiều so với những nội dung do thương hiệu sản xuất. Theo một nghiên cứu của Reevoo, ý kiến ​​từ khách hàng rất quan trọng với thương hiệu, vì 70% người mua tin tưởng vào các đánh giá và đề xuất của người mua hơn là thông tin từ thương hiệu.

Một trong những chiến dịch UGC thành công nhất là “Shake a Coke” được phát động bởi Coca Cola. Coca Cola đã thành công trong việc truyền cảm hứng cho người mua chia sẻ về họ một cách tự nguyện chỉ bằng cách đặt những cái tên phổ biến trên chai nước của họ, tạo ra một xu hướng lôi cuốn khách hàng, hướng tới mục tiêu cuối cùng là tăng doanh số. Do đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng của thương hiệu của trong năm 2020 chính là thuyết phục người dùng nhận xét và đề cập đến sản phẩm trên các nền tảng.

4/ Thương hiệu riêng

Thương hiệu riêng phân phối những sản phẩm độc quyền được sản xuất và bán bởi chính họ. Là nguồn cung cấp duy nhất, các nhãn hiệu riêng có thể tạo ra nhu cầu mua lớn thông qua việc tiếp thị và đánh giá cao cho các sản phẩm của họ. Với một thế hệ trẻ coi thói quen mua sắm là một cách để thể hiện bản thân, lĩnh vực kính doanh thương hiệu riêng dự kiến ​​sẽ tăng 25% trong vài năm tới. Theo Tạp chí Frozen & Refrigerated Buyer, một phần ba những sản phẩm trong giỏ hàng của thế hệ trẻ là từ các thương hiệu riêng, cao hơn mức trung bình là 25%.

Chỉ một vài thương hiệu riêng có đủ nguồn lực để tự sản xuất thành phẩm, do đó, rất nhiều thương hiệu đã chọn con đường dễ dàng hơn: đặt hàng từ một nhà sản xuất, sau đó dán nhãn sản phẩm dưới thương hiệu của họ để tiếp thị và bán hàng. Dù bằng cách nào, các thương hiệu riêng cũng phải bỏ ra một khoản vốn trả trước để sản xuất với số lượng lớn.

5/ Nhiều lựa chọn hoàn tất đơn hàng

Giao hàng là chìa khóa dẫn đến sự hài lòng của khách hàng. Một khảo sát của iPrice về mua sắm trong khu vực Đông Nam Á cho thấy mỗi khi nào thời gian giao hàng kéo dài, tỷ lệ khách hàng hài lòng với xếp hạng 4-5 sao sẽ giảm từ 10 - 15%. Rất nhiều khách hàng ưu tiên việc nhận sản phẩm sớm và sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho việc chuyển phát nhanh hoặc trong ngày.

 

Để đáp ứng nhu cầu này từ khách hàng, các công ty nên hợp tác với các đơn vị hậu cần thứ ba để cung cấp nhiều phương thức vận chuyển khác nhau, thay vì xử lý đơn hàng nội bộ với năng lực và khả năng hạn chế. Đối với các thương hiệu có cửa hàng, việc cung cấp lựa chọn lấy hàng tại cửa hàng cũng sẽ thuận tiện hơn cho khách hàng

6/ Dropshipping

Dropshipping là một mô hình hoàn hảo cho người mới bước chân vào ngành TMĐT, đầy tham vọng nhưng có số vốn hạn chế. Những người dropship có thể thiết lập cửa hàng của riêng họ và bắt đầu bán mà không cần lưu kho. Khi một đơn đặt hàng được đặt, nó sẽ được mua và vận chuyển cho khách hàng trực tiếp từ các nhà cung cấp.

Mô hình kinh doanh này giúp giảm nhẹ những gánh nặng về tài chính như quản lý hàng tồn, chi phí lưu kho hay các vấn đề hậu cần. Các dropshippers cũng có thể bắt đầu với quy mô nhỏ để thử nghiệm với nhiều loại sản phẩm, sau đó mở rộng với những sản phẩm hiệu quả đem lại lợi nhuận.

Tuy nhiên, dropshipping cũng đi kèm với sự cạnh tranh khốc liệt và những rủi ro khó tránh. Vì người bán không kiểm soát được sản phẩm hoặc quá trình vận chuyển, bất kỳ vấn đề nào xảy ra đều có thể phá hủy uy tín của người bán. Chi phí cho mỗi đơn lẻ có thể làm mức giá của những mặt hàng dropship khó cạnh tranh với các nhà phân phối khác, chưa kể đến chi phí quảng cáo.

7/ Dịch vụ đăng ký (Subscription)

Một xu hướng TMĐT đang lên khác là mô hình đăng ký trả tiền theo kỳ hạn, từ các giao dịch mua lớn như xe hơi và nhà đất, cho đến các dịch vụ trực tuyến hàng tháng như Spotify và Netflix, các sản phẩm làm đẹp và thậm chí là tạp hóa. Khách hàng luôn quan tâm đến những dịch vụ tiết kiệm chi phí, thời gian và được cá nhân hóa, điều mà mô hình đăng ký có thể cung cấp dưới nhiều hình thức.

Có ba loại mô hình đăng ký chính: bổ sung, tuyển chọn và quyền truy cập. Các mặt hàng gia dụng hàng ngày như giấy lụa và tã giấy có thể được bổ sung định kỳ thông qua dịch vụ đăng ký chỉ với một cái click chuột, trong khi những gói hàng tuyển chọn làm khách hàng ngạc nhiên với những trải nghiệm mới và cá nhân hóa. Cuối cùng, đăng ký quyền truy cập cho phép người mua được hưởng các đặc quyền chỉ dành cho thành viên, ví dụ như các ứng dụng nghe nhạc và xem phim trực tuyến.

Mặt khác, dịch vụ đăng ký cung cấp cho người bán một nguồn doanh thu ổn định và rất nhiều điểm tiếp xúc để tương tác và giữ chân khách hàng.

8/ Thanh toán trực tuyến

Theo báo cáo của Google, thanh toán trực tuyến đã đạt đến điểm chuyển ngoặt với tỷ lệ sử dụng ngày càng tăng trong khu vực. Được định nghĩa là tất cả các giao dịch không dùng tiền mặt bao gồm thẻ, chuyển khoản ngân hàng và ví điện tử, sự tiện lợi của thanh toán trực tuyến góp phần đẩy nhanh quá trình mua hàng, do đó nó được quảng bá mạnh mẽ bởi các cổng TMĐT.

Với tổng giá trị giao dịch (Gross Transaction Value - GTV) 600 tỉ đô la vào năm 2019, mảng thanh toán trực tuyến được dự đoán sẽ vượt mức 1 nghìn tỷ đô la vào năm 2025, chiếm gần một nửa tổng giá trị thanh toán của người tiêu dùng trong khu vực. Mặc dù phương thức thanh toán phổ biến nhất hiện tại là trả tiền mặt khi nhận hàng (Cash on Delivery - CoD), thanh toán trực tuyến đang dần khẳng định vị trí của mình trong thế giới công nghệ hoá. Các doanh nghiệp nên cung cấp nhiều phương thức thanh toán khác nhau, hoặc chạy các chương trình khuyến mãi bán hàng thông qua các nền tảng này.

BT (TH)