Nhộn nhịp phiên chợ ngày ông Công, ông Táo

00:00 12/10/2020

 Dù mới 3- 4h sáng nhưng phiên chợ ngày ông Công, ông Táo đã nhộn nhịp, tấp nập kẻ bán, người mua.

Theo phong tục cổ truyền của người Việt, ngày 23 tháng Chạp, ông Công và ông Táo sẽ cưỡi cá chép về trời để trình báo những chuyện xảy ra trong gia đình người dân với Ngọc Hoàng.

Nhộn nhịp phiên chợ ngày ông Công, ông Táo - 1

Rạng sáng, phiên chợ ngày ông Công, ông Táo tấp nập người bán, người mua.

Đến đêm giao thừa, cả hai vị thần mới trở lại để tiếp tục công việc trông coi bếp lửa của mình. Vì vậy, hàng năm vào ngày này, người dân khắp cả nước đều chuẩn bị lễ với các vật phẩm, gồm cá chép sống, giấy tiền vàng mã, hoa tươi để ông Táo về chầu trời.

Ghi nhận tại một số chợ trên địa bàn TP Thanh Hóa như chợ đầu mối, chợ Tây Thành, chợ Nam Thành... ngay từ 3-4h sáng, đã rất nhiều người dân đi chợ sắm các mặt hàng phục vụ lễ cúng ông Công, ông Táo.

Nhộn nhịp phiên chợ ngày ông Công, ông Táo - 2 Nhộn nhịp phiên chợ ngày ông Công, ông Táo - 3

Người dân hướng đến các mặt hàng như: hoa tươi, trầu cau.

Các mặt hàng được bày bán khá đa dạng, chủ yếu là đồ vàng mã truyền thống quen thuộc như quần áo, nón, nến, cá chép giấy, nhang, tiền vàng… Khách đến mua đồ lễ cũng rất tấp nập.

Chị Nguyễn Phương Nhung, tiểu thương bán hàng tại chợ Nam Thành cho biết: “Năm nay, giá cả các đồ hàng mã không có gì biến động, giá bộ vàng mã cúng ông Công, ông Táo (hài, nón, cá chép) thấp nhất từ 30.000 đồng, loại đẹp có thể lên tới 200.000 đồng tùy chất liệu và kích cỡ. Ngoài ra, một số người cũng mua thêm  ô tô, xe máy, ti vi, tủ lạnh bằng giấy, nhựa để cúng ông Táo. Tuy nhiên, các mặt hàng truyền thống như vàng mã vẫn được bán chạy hơn nhiều”.

Nhộn nhịp phiên chợ ngày ông Công, ông Táo - 4

Và không thể thiếu cá chép để thắp hương ngày ông Công, ông Táo.

Bên cạnh đó, rất nhiều các sạp hàng bày bán cá chép. Đây là thứ không thể thiếu trên mâm cúng ông Công, ông Táo với quan niệm làm phương tiện để ông Công, ông Táo lên chầu trời.

Giá cá chép vàng loại lớn phóng sinh ở mức 40 nghìn đồng/3 con, còn loại nhỏ có giá dao động từ 25-30 nghìn đồng/3 con. Giá mỗi sạp một khác, tùy vào màu sắc và kích thước cá. 

Nhộn nhịp phiên chợ ngày ông Công, ông Táo - 5

Thịt lợn chạm giá "khủng" ngày Tết ông Công, ông Táo.

Đặc biệt, thịt lợn là một trong những thực phẩm thiết yếu đã có sự tăng mạnh về giá, dẫn đến nhiều loại thực phẩm khác như thịt bò, gà, cá, hải sản... cũng tạo đà tăng theo.

Thịt lợn chiếm vị trí đầu bảng với giá dao động các loại từ 180.000 đồng - 200.000 đồng/kg. Trong đó, thịt mông sấn 190.000 đồng/kg; sườn 190.000 đồng/kg; ba chỉ 180.000 đồng/kg; thịt nạc thăn: 200.000 đồng/kg. Đây được xem là thời điểm giá thịt lợn đạt “đỉnh” từ trước tới nay.

Chị Nguyễn Thị Thủy, tiểu thương bán thịt lợn ở Chợ đầu mối Rau – quả - thực phẩm, phường Đông Hương (TP Thanh Hóa) cho biết: “Giá thịt tăng theo ngày, chưa bao giờ thị trường thịt lợn có giá cao như hiện nay. Điều này khiến cho việc bán hàng của chúng tôi cũng khó khăn hơn và giảm lợi nhuận so với trước do đầu vào tăng cao. Trong khi đó, lượng nhu cầu giảm hẳn, một phần người tiêu dùng e ngại với dịch tả lợn châu Phi, một phần do giá lên cao quá”.

Giá các mặt hàng thực phẩm tăng, đặc biệt là thịt lợn đã khiến cho giá một số sản phẩm phục vụ thị trường Tết Nguyên đán như bánh chưng, giò chả, nem cũng liên tục “leo thang”.

Tại thời điểm này, nhiều sạp hàng niêm yết giá bán bánh chưng ở mức 60 – 70.000 đồng/chiếc tùy lượng nguyên liệu làm nhân và loại nếp sử dụng để gói bánh. Nếu so với thời điểm cách đây hơn 1 tháng thì mức giá hiện tại đã chênh lệch ít nhất 10.000 đồng/chiếc

Ngoài bánh chưng, các mặt hàng khác như giò, chả cũng đã chạm mức giá “khủng”, phổ biến từ 180 – 200.000 đồng/kg/giò nạc; 280-300.000 đồng/kg/giò bò.

Chị Trần Thị Huệ - chủ cơ sở làm giò chả ở chợ Phú Thọ, phường Phú Sơn (TP Thanh Hóa) chia sẻ: “Lần đầu tiên trong nhiều năm qua, mới thấy giá một cân thịt lợn nạc – nguyên liệu chính để làm giò lụa “nhảy” lên 200.000 đồng/kg, bất đắc dĩ cơ sở cũng phải tăng giá bán lên. Năm nay, chắc lượng giò bán ra sẽ giảm nhiều vì giá quá cao, người tiêu dùng sẽ cân nhắc, cắt giảm chi tiêu nên chúng tôi không dám “mạnh tay” sản xuất số lượng lớn”.

Anh Nguyễn Thanh Tuấn, TP Thanh Hóa cho biết: “Do phải đi làm nên tôi tranh thủ đi chợ để mua đồ lễ ông Công, ông Táo từ 4h sáng. Dù sớm thế nhưng lúc ra đến đây cũng đã đông người mua, người bán lắm rồi. Thị trường năm nay cái gì cũng tăng giá, chỉ có giá bán vàng mã, nón, ngựa và cá chép là không tăng nhiều. Tuy nhiên, một năm chỉ cúng ông Táo một lần nên có tăng đôi chút cũng không vấn đề gì”.

Bình Minh