Người nước ngoài gom đất Việt Nam: Đừng đùa với chuyện đất đai!

00:00 12/10/2020

Xin hãy dừng lại, xin hãy thương lấy quê hương đất nước mình, thương lấy tương lai con em mình...

Vấn đề không chỉ là Trung Quốc ào ạt “gom” đất ở Việt Nam dưới vỏ bọc người bản xứ mà là bất cứ người ngoại quốc nào có ý định tương tự đều là mối họa không lường trước được.

Đất đai là thứ tài sản đặc biệt của mỗi quốc gia, dựa trên đó mà chủ quyền lãnh thổ được xác định, mất đất đồng nghĩa với mất chủ quyền, mất chủ quyền sẽ mất độc lập, mất độc lập sẽ không có tự do và hạnh phúc.

Và, có lẽ khái niệm mất chủ quyền nên được hiểu lại bằng cách khác, đó không đơn giản là khi đất nước rơi vào tay ngoại bang một cách toàn diện như đã từng xảy ra trong lịch sử.

Có bao nhiêu tấc đất rơi vào tay người nước ngoài tức là có bấy nhiêu phần lãnh thổ bị mất chủ quyền. Chính vì thế mà luật pháp Việt Nam chưa cho phép người nước ngoài mua đất tại trên quê hương mình.

Một bài viết trên tờ South Moring China Post hồi năm ngoái cho rằng: “Giá bất động sản cao cấp ở trung tâm TP. Hồ Chí Minh dao động từ 3.000 USD đến 6.000 USD m2, bằng một nửa so với mức 7.000 USD đến 9.000 USD/m2 của bất động sản cùng phân khúc ở Bangkok (Thái Lan) và chưa đến 10% so với giá nhà ở Hồng Kông”.

Đây có phải là lý do khiến nhu cầu của khách hàng Trung Quốc với bất động sản Việt nam tăng 300% trong quý I/2018 so với cùng kỳ năm 2017?

Không hề đơn giản chỉ là vấn đề giá cả! Một dân tộc nhỏ bé tồn tại bên cạnh một quốc gia giàu tham vọng - như đã từng kinh qua trong lịch sử mấy ngàn năm khiến cho người Việt luôn có cảm giác “ai đó luôn luôn nhòm ngó mình”.

Cảm giác ấy không thể nói là sai, vì đó là kinh nghiệm xương máu như đã được mã hóa thành gen di truyền từ nhiều thế hệ cha ông đến con cháu.

Nhưng, sự thật đáng báo động vẫn xảy ra ở nhiều nơi “nhạy cảm” như Đà Nẵng, Nha Trang…, nhiều người Việt đứng tên mua đất “giúp” cho người Trung Quốc! Đó là vấn đề nan giải, không luật pháp nào ngăn chặn nổi?

Hẳn nhiều người thích đọc lịch sử nhớ sự tích “con ngựa thành Troy” trong cuộc chiến giữa người La Mã và thành Troie, quân La Mã đánh bại địch thủ vì mưu kế “dấu quân trong lãnh địa đối phương”.

Ở phương Tây không có nhiều sự tích tương tự nhưng kho tàng sử sách Trung Hoa có hàng ngàn di cảo và công trình khảo cứu về mưu kế được sử dụng trong chiến tranh, điển hình là “Binh Pháp Tôn Tử”.

Đọc bộ cẩm nang mưu kế này, nếu thấm một phần nhỏ đủ thấy ớn lạnh vì độ thâm và sâu, đối phương không thể chống đỡ nếu người sử dụng phát huy hết công năng.

Và, 36 chước kế quỷ khóc thần sầu ấy không chỉ có tác dụng trong thời binh đao loạn lạc, nó có thể ứng dụng mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh, mọi không gian thời gian.

Trong đó không chỉ có kiếm đao, súng ống, đối đầu mà cả những cái bắt tay tưởng chừng như hữu hảo thắm thiết quỷ kế vẫn phát huy tác dụng nếu người dùng mang ý đồ đen tối.

Sẽ thế nào nếu trên lãnh thổ nước Việt xuất hiện những khu phố, những cộng đồng người nước ngoài, họ sinh con đẻ cháu, dựng vợ gã chồng, họ thay thế tiếng bản địa bằng ngôn ngữ ngoại nhập, họ thay thế tập tục vốn có bằng tập tục khác lạ, họ ngăn cản chúng ta…?

Mất ngôn ngữ, mất văn hóa bản sắc là những thứ dễ làm hòa tan bất cứ dân tộc nào dù hùng mạnh đến mấy, và - đó là những cái “mất” sâu thẳm nhất khó đòi lại hơn cả mất lãnh thổ.

Người Israel từng mất hết đất đai, lãnh thổ, nhưng họ không bị tuyệt chủng bởi vì còn giữ được cốt lõi văn hóa Do thái, nhờ văn hóa đó nên họ - dù sống lưu lạc khắp nơi vẫn không bị trộn lẫn vào số đông còn lại.

Vì vậy, đất đai lọt vào tay người nước ngoài đã nguy hiểm, nguy cơ tiếp theo sau là mất bản sắc văn hóa còn nguy hiểm hơn ngàn lần.

Có những thứ mà luật pháp không bao giờ kham nổi, nếu thiếu sự cảnh tỉnh trong ý thức mỗi người dân. Hết thuốc chữa nếu như một bộ phận người Việt hám lợi trước mắt để đứng tên mua đất cho người Trung Quốc.

Xin hãy dừng lại, xin hãy thương lấy quê hương đất nước mình, thương lấy tương lai con em mình và hãy có trách nhiệm với chính mình ngay khi còn hít thở bầu không khí quý báu trên mảnh đất hình chữ S.