Nền kinh tế sẽ duy trì xuất siêu

00:00 12/10/2020

Trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường xuất khẩu thu hẹp nhưng từ đầu năm đến nay, nền kinh tế vẫn xuất siêu hơn 2,7 tỷ USD. Theo nhận định của ngành Công Thương, nhiều khả năng Việt Nam tiếp tục duy trì xuất siêu trong thời gian tới.

Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là một trong những mặt hàng chủ lực góp phần giúp xuất khẩu Việt Nam tăng trong những tháng đầu năm 2020. Trong ảnh: Sản xuất máy in laser tại Khu công nghiệp Thăng Long. Ảnh: Mạnh Hà

Xuất siêu tăng đều trong khó khăn

Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam từ đầu năm đến hết tháng 2-2020 đạt hơn 39 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2019. Riêng trong nửa sau của tháng 2, cán cân thương mại quốc gia đạt mức thặng dư 2,36 tỷ USD và “chốt” mức xuất siêu của hai tháng đầu năm là 1,82 tỷ USD. Tình hình tiếp tục diễn biến tích cực trong nửa đầu tháng 3 khi kim ngạch xuất khẩu đạt 11,18 tỷ USD và xuất siêu 882 triệu USD. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15-3, Việt Nam đã xuất siêu hơn 2,7 tỷ USD. Đó là kết quả rất đáng ghi nhận, thể hiện sức vươn và sự chủ động hội nhập quốc tế của nền kinh tế.

Phân tích về cơ cấu mặt hàng, ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp (Tổng cục Thống kê) cho biết, nhiều mặt hàng chủ lực đạt kim ngạch xuất khẩu khá. Đặc biệt, điện thoại và linh kiện xuất khẩu đạt 10,2 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2019; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt gần 7 tỷ USD; máy móc, thiết bị và phụ tùng đạt 3,93 tỷ USD. Các số liệu trên cho thấy, nhu cầu của thế giới về điện thoại và hàng điện tử vẫn tăng mạnh, từ đó nhóm hàng này đóng góp rất lớn vào kết quả chung. Về cơ cấu thị trường, Mỹ đứng đầu trong nhập khẩu hàng Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng 19,6%, Trung Quốc tăng 3,7%, Nhật Bản tăng 8,9%… so với cùng kỳ năm 2019.

Lý giải thêm, ông Lê Huy Khôi, chuyên gia kinh tế thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) cho rằng, việc xuất siêu của Việt Nam phụ thuộc diễn biến thị trường quốc tế, với quan hệ cung - cầu là yếu tố quyết định. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu khá cao chủ yếu do các doanh nghiệp đã sớm ký được đơn hàng từ năm 2019; nhất là nhóm các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo vốn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, đến nay, Việt Nam đã đi qua thời kỳ tập trung đầu tư cho nền tảng sản xuất gồm dây chuyền máy móc, công nghệ ban đầu, nên mức độ nhập khẩu không nhiều như trước, chủ yếu chỉ còn nguyên, phụ liệu trong nước chưa tự đáp ứng được. Ngược lại, những khoản đầu tư cho xây dựng hạ tầng, phục vụ sản xuất đang ngày càng phát huy hiệu quả và đóng góp vào giá trị xuất khẩu.

Nhiều giải pháp giữ đà xuất khẩu

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định, dù đạt kết quả tích cực trong xuất khẩu nhưng để giữ đà tăng trưởng cũng không dễ dàng, khi phải ứng phó với những diễn biến bất lợi của dịch Covid-19.

Chia sẻ ý kiến trên, ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) xác nhận, ngay sau thời điểm giữa tháng 3, khi dịch Covid-19 bùng phát ở châu Âu và Mỹ, một số khách hàng nhập khẩu ở khu vực này thông báo giãn, hoãn, lùi thời gian giao hàng, do nhu cầu tiêu dùng một số sản phẩm suy giảm… Hiện, doanh nghiệp dệt may chuyển hướng sang thị trường nội địa hoặc tìm kiếm một số thị trường ngách, nhỏ lẻ để duy trì hoạt động.

Trong bối cảnh bất lợi, Bộ Công Thương đang triển khai một số biện pháp để tăng cường xuất khẩu. Mới nhất, Bộ đã có văn bản đề nghị các doanh nghiệp logistics (doanh nghiệp về lưu trữ hàng hóa, bao bì, đóng gói, kho bãi, luân chuyển hàng hóa…) chủ động liên kết để giảm giá dịch vụ, chi phí kho bãi, cước vận chuyển hàng hóa nhằm hỗ trợ hoạt động phân phối cũng như xuất khẩu. Để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đang tăng trở lại, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng vừa có văn bản đề nghị các tỉnh biên giới phía Bắc, các doanh nghiệp theo dõi tình hình, cải tiến và nâng cao tốc độ công đoạn đóng gói, bốc xếp và giao nhận hàng; tăng cường xuất khẩu chính ngạch; làm tốt công tác khai báo xuất xứ; khuyến khích doanh nghiệp có kho lạnh hỗ trợ bảo quản nông sản...

Theo ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), tuy châu Âu gặp khó khăn do dịch bệnh, song vẫn là thị trường lớn, nhiều tiềm năng. Dự kiến, ngày 1-7-2020, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) sẽ được thực thi nên Bộ Công Thương đang phối hợp với các cơ quan chức năng hỗ trợ doanh nghiệp sẵn sàng đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này.

“Tăng trưởng xuất khẩu có thể hồi phục dần khi dịch Covid-19 lắng xuống kết hợp với cơ hội doanh nghiệp Việt Nam rộng đường xuất khẩu sang thị trường châu Âu trong nửa cuối năm 2020. Tuy nhiên, nếu ví EVFTA như một "cao tốc" cho giao thương thì cũng phải hiểu là không phải "xe nào cũng được chạy trên cao tốc". Vì vậy, các đơn vị phải chuẩn bị tốt, có bài bản, nhất là việc hình thành chuỗi cung ứng trong nước với sự tham gia của doanh nghiệp lớn làm đầu tàu”, ông Lương Hoàng Thái nhấn mạnh.

Chia sẻ về nội dung trên, bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cho rằng, doanh nghiệp có thể tận dụng thời gian này để tìm hiểu về EVFTA, thông tin về thị trường, quy định pháp lý, nhất là về chất lượng và xuất xứ hàng hóa của Liên minh châu Âu..., để sẵn sàng nắm bắt, triển khai ngay xuất khẩu khi có cơ hội.

Hiện, Chính phủ đang thực hiện một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, như khoanh giãn nợ, xem xét cho vay mới… để giảm áp lực trong việc thu xếp nguồn tiền. Điều này rất phù hợp với thực tế một số lô hàng xuất khẩu đang phải giãn, hoãn thời điểm giao hàng 3-4 tháng.

Chuyên gia kinh tế Lê Huy Khôi cho biết, khó khăn vẫn là “mẫu số chung”. Vì vậy, doanh nghiệp nên chủ động phát huy bài học của việc tìm, ký hợp đồng xuất khẩu sớm để "gối đầu", bảo đảm tốc độ xuất khẩu như từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, xét về bản chất thì nhìn chung xuất khẩu của Việt Nam vẫn có xu hướng cao hơn nhập khẩu; từ đó duy trì được vị thế xuất siêu thời gian tới.

Hồng Sơn