Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt mức kỷ lục

00:00 12/10/2020

Theo số liệu thống kê hàng hoá xuất nhập khẩu mới nhất của Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 9/2018 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 352,61 tỷ USD, tăng 13,7% (tương ứng tăng 42,44 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước và vượt mức kim ngạch của cả năm 2016 (351,38 tỷ USD).

Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt mức kỷ lục sau 9 tháng

Cũng theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 9/2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 40,64 tỷ USD, giảm 9,2% so với tháng 8 năm 2018. Trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 21,12 tỷ USD, giảm 10% so với tháng trước (tương ứng giảm 2,36 tỷ USD); nhập khẩu đạt 19,51 tỷ USD, giảm 8,3% (tương ứng giảm 1,77 tỷ USD). Cán cân thương mại hàng hóa trong tháng 9/2018 thặng dư 1,61 tỷ USD. Kết quả thực hiện này đã làm tăng mức xuất siêu của Việt Nam trong 9 tháng/2018 lên con số kỷ lục 6,32 tỷ USD.

Các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta là điện thoại các loại và linh kiện; dệt may; dệt may; máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện; nông sản…

Trước đó, năm 2017, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa lần đầu tiên vượt mức 400 tỷ USD, là con số cao nhất từ trước đến nay, thể hiện bước tiến mạnh mẽ trong công tác xuất nhập khẩu cả nước. Bởi lẽ, vào đầu thập niên của thế kỷ 21 (năm 2001), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam mới chỉ ở con số khiêm tốn hơn 30 tỷ USD. Tháng 12/2007, cả nước đã lập kỷ lục: Lần đầu tiên, sau khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 100 tỷ USD. Hơn 4 năm sau (2011), quy mô xuất nhập khẩu đã tăng gấp đôi, đạt con số 200 tỷ USD. Và 4 năm sau đó (2015) đã lên 300 tỷ USD. Trên đà bứt phá, chỉ cần 2 năm tiếp theo, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã đạt mức 400 tỷ USD. Như vậy, sau 10 năm gia nhập WTO, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã tăng 4 lần.

Các cơ quan, doanh nghiệp đang nỗ lực để kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa có thể cán mốc 500 tỷ USD trong 2 năm tới.

Phương Lan