“Kích cầu” từ chính sách, đổi mới trong thực hiện để phát triển BHXH tự nguyện

00:00 12/10/2020

6 tháng đầu năm 2019, toàn quốc số người tham gia BHXH tự nguyện tăng mới 100.000 người, bằng gần 1/3 số người vận động được trong 10 năm qua. Theo các chuyên gia, điều này cho thấy nhận thức của người dân về chính sách này đã có sự chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, con số đó vẫn còn thấp so với tổng số người thuộc diện tham gia, do đó cần có những “đột phá” hơn nữa trong thiết kế chính sách và tổ chức thực hiện để tăng diện bao phủ BHXH tự nguyện.

Đổi mới tuyên truyền, đẩy mạnh cải cách hành chính

Không chỉ thiết kế lại chính sách, tăng mức hỗ trợ, theo các chuyên gia khâu tổ chức thực hiện chính sách BHXH tự nguyện cũng cần có những đổi mới.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu chia sẻ: Thời gian qua, việc tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện mới thực hiện ở chiều rộng chứ chưa thực sự đi vào chiều sâu. Hình thức tuyên truyền chủ yếu là phổ biến chính sách trên báo chí, hệ thống phát thanh, pano, ap-phich mà ít gặp gỡ trực tiếp người dân, “đi từng ngõ, gõ từng nhà”. Gần đây, ngành BHXH đã đổi mới, tổ chức những hội nghị nhỏ tư vấn, tuyên truyền trực tiếp về BHXH tự nguyện tại các thôn bản để gặp gỡ, trao đổi với người dân đã mang lại kết quả rất tích cực. Có hội nghị mời được 100 người dân thì có đến 60 người đăng ký tham gia.

Đó chỉ là một ví dụ cho thấy lợi ích to lớn của các hình thức tuyên truyền phù hợp. Do đó, ngành BHXH và ngành LĐ-TB&XH đang xây dựng đề án tuyên truyền theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW hướng tới BHXH toàn dân. Trong đó, 2 ngành sẽ nghiên cứu, đưa ra những giải pháp đổi mới công tác tuyên truyền cả về nội dung và hình thức phù hợp, thân thiện hơn với từng người dân, hướng tới truyền thông trên mạng xã hội, nền tảng điện thoại, tin nhắn…

Đồng quan điểm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi nhận định: 6 tháng đầu năm 2019, số người tham gia BHXH tự nguyện tăng nhanh, cho thấy nhận thức của người dân về chính sách này đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, cũng như công tác tuyên truyền đã có sự đổi mới, phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, thực tế công tác này vẫn còn nhiều hạn chế, cần nghiên cứu đổi mới để truyền tải những nội dung của chính sách đơn giản, hấp dẫn, trọng tâm hơn.

Trong tổ chức thực hiện, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng kiến nghị phải cải cách, đơn giản hơn nữa thủ tục hành chính trong lĩnh vực BHXH tự nguyện để việc đóng, hưởng nhanh chóng, thuận lợi cho mọi người dân với nền tảng ứng dụng CNTT, không giới hạn về thời gian, không gian tham gia, giải quyết chế độ chính sách… Bên cạnh đó, việc tổ chức, thực hiện chính sách BHXH tự nguyện cũng cần sự phối hợp, vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, đoàn thể để đạt kết quả tốt nhất./.

Tăng tính hấp dẫn của chính sách

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cho biết, năm 2008, cả nước có 6.000 người tham gia BHXH tự nguyện, đến năm 2018, con số này tăng lên 320.000 người và tính đến tháng 6/2019 là 420.000 người, tăng rất nhanh so với những năm trước đó. Một trong những nguyên nhân là từ năm 2018, Nhà nước có chính sách hỗ trợ số tiền đóng BHXH tự nguyện cho người tham gia gồm: 30% với người nghèo, dân tộc thiểu số; 25% với người cận nghèo và 10% với đối tượng khác.

Tuy nhiên, theo Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu, mức hỗ trợ 10% là chưa đủ hấp dẫn, khuyến khích người dân tham gia. Khác với bảo hiểm thương mại, BHXH tự nguyện là một chính sách an sinh xã hội và để tăng tính hấp dẫn thì rất cần sự hỗ trợ, vai trò “bà đỡ” của Nhà nước. Chúng ta đã có chính sách BHYT toàn dân và theo tinh  thần Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII cũng hướng tới BHXH toàn dân, vì vậy, việc hỗ trợ, tăng tính hấp dẫn của chính sách này là điều rất quan trọng”- Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu chia sẻ.

Về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi nhận định: BHXH tự nguyện là chính sách ưu việt, nhân văn của Đảng và Nhà nước dành cho người lao động khu vực phi chính thức. Nhưng qua hơn 10 năm triển khai, người tham gia vẫn còn hạn chế. Nguyên nhân đầu tiên là chính sách BHXH tự nguyện chưa hấp dẫn đối với người dân. Người dân thường so sánh, BHXH bắt buộc có 5 chế độ nhưng BHXH tự nguyện chỉ có 2 chế độ là hưu trí và tử tuất. Tuy nhiên, hầu hết người dân chưa biết, hưởng 5 chế độ vì người tham gia phải đóng tiền cho 5 chế độ, hưởng 2 chế độ vì người dân chỉ đóng tiền cho 2 chế độ nhưng việc khác biệt này vẫn tạo ra sự khập khễnh, so sánh, làm giảm tính hấp dẫn của BHXH tự nguyện.

Một nguyên nhân nhân nữa là mức hỗ trợ của Nhà nước cho người tham gia chưa cao. Theo ông Bùi Sỹ Lợi, trong giai đoạn đầu thực hiện chính sách BHXH tự nguyện, chúng ta phải nâng mức hỗ trợ lên để “kích cầu” tham gia. Hiện nay, Trung Quốc đang hỗ trợ 50-50, người dân đóng 100 tệ thì Nhà nước đóng thêm cho 100 tệ. Chúng ta cũng cần thực hiện như vậy và có thể hỗ trợ cao hơn với người nghèo, người cận nghèo. Về dài hạn, đây là việc Nhà nước bỏ tiền ra hỗ trợ trước để không phải chi sau khi người dân cao tuổi, bệnh tật. Việc tăng mức hỗ trợ này, nước ta cũng có kinh nghiệm từ thực hiện chính sách BHYT với những thành công lớn, diện bao phủ tăng nhanh.

Bên cạnh việc tăng mức hỗ trợ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng cho rằng, cần thiết kế lại chính sách BHXH tự nguyện như: tích hợp thêm chính sách BHYT để khi người dân tham gia BHXH tự nguyện thì có luôn thẻ BHYT; đồng thời bổ sung thêm chế độ thai sản và ốm đau vào chính sách này để tăng tính hấp dẫn.

Thảo Trang