Khó khăn liên kết doanh nghiệp và người tiêu dùng trong tiêu thụ nông sản

00:00 12/10/2020

Hiện nay các doanh nghiệp, hợp tác xã đều mong muốn hợp tác với nhau để góp phần đẩy mạnh sản phẩm nông sản của thành phố đến người tiêu dùng.

Các doanh nghiệp, hợp tác xã đều mong muốn hợp tác với nhau để góp phần đẩy mạnh sản phẩm nông sản. Ảnh minh họa: TTXVN

Nhằm kết nối cung cầu, tháo gỡ khó khăn cho các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn, ngày 18/10, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tp. Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị Hỗ trợ đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa doanh nghiệp – hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn thành phố.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tp. Hồ Chí Minh, hiện nay các doanh nghiệp, hợp tác xã đều mong muốn hợp tác với nhau để góp phần đẩy mạnh sản phẩm nông sản của thành phố đến người tiêu dùng.

Tuy nhiên, trong quá trình đàm phán hoặc triển khai hợp đồng, các đơn vị vẫn gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc.

Các hợp tác xã sản xuất rau chứng nhận VietGap gặp khó khăn về vấn đề giá cả do một số doanh nghiệp tiêu thụ thường đưa ra mức giá thấp hơn so với thị trường và có nhiều khó khăn trong khâu thu mua, gom hàng trực tiếp tại hợp tác xã. Ngược lại, các sản phẩm của một số hợp tác xã chưa phong phú, đa dạng, số lượng cung cấp lại thiếu ổn định nên chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp tiêu thụ.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh, thị trường thành phố có nhu cầu tiêu thụ thực phẩm rất lớn, sản phẩm nông sản thành phố sản xuất ra chỉ cung cấp khoảng 20 – 30% nhu cầu, còn lại phải mua thêm nông sản nơi khác. Nông dân, hợp tác xã không bán được là có lý do khác chứ không phải thành phố không muốn mua. 

Giữa hợp tác xã nông nghiệp và siêu thị hiện vẫn còn nhiều tiêu chí chưa thống nhất với nhau dẫn đến việc hợp tác chưa được như mong muốn.

Các siêu thị muốn tiếp nhận hàng hóa của đối tác thường dựa trên nhu cầu thị trường và năng lực nhà cung cấp. Trong khi đó, việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm an toàn hay VietGap còn phụ thuộc vào niềm tin của người tiêu dùng có tin đó là sản phẩm an toàn hay không. 

Theo ông Phương, quan trọng nhất là phải minh bạch thông tin về sản phẩm, chứng tỏ sản phẩm là an toàn thì lúc đó người tiêu dùng dù bỏ nhiều tiền hơn vẫn chấp nhận mua hàng.

Thực tế cũng cho thấy, nhu cầu sản phẩm an toàn hiện nay là rất lớn, song nếu không ra chỉ ra sản phẩm nào an toàn thì có khuyến khích, hỗ trợ đủ các kiểu cũng không thể cạnh tranh nổi với hàng chợ. 

Ông Từ Minh Thiện, Phó Trưởng Ban quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, nếu xác định siêu thị là kênh phân phối quan trọng thì nông dân, hợp tác xã phải điều phối sản xuất thật hợp lý, vì họ mua rất nhiều loại, nhưng mỗi loại lại một ít và cần nguồn cung ổn định.

Các hợp tác xã có thể tận dụng kênh siêu thị để làm thương hiệu, quảng bá sản phẩm của đơn vị ra thị trường. 

Theo ông Thiện, thành phố cần xây dựng hệ thống thông tin thị trường, dự báo giá cả, ít nhất là trong ngắn hạn. Nông dân sản xuất nhỏ không quyết định được thị trường, nhưng có thông tin thị trường, nông dân sẽ quyết định được thời điểm sản xuất, bán báo nhiêu và bán ở đâu. 

Ông Trần Ngọc Hổ, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, để làm tốt khâu đầu ra cho nông dân, Hợp tác xã có vai trò rất lớn và cần phát triển trên cơ sở nội lực của mình.

Nhà nước chỉ hỗ trợ chứ không làm được tất cả các khâu, doanh nghiệp cũng không thể tiêu thụ hết mà phải căn cứ vào nhu cầu thị trường và năng lực nhà cung cấp. 

Muốn tiêu thụ ổn định, các hợp tác xã cần xác định hướng sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, có thể truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Đây cũng là điều kiện để các hợp tác xã có thể nhận được hỗ trợ từ cơ quan quản lý Nhà nước. 

Trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố sẽ tiếp tục đồng hành với các bên để tìm hướng tháo gỡ; cũng như kiến nghị, bổ sung hoàn chỉnh các chính sách để hỗ trợ tiêu thụ tốt hơn cho người sản xuất trên địa bàn.

Hứa Chung/TTXVN