Hàng loạt ông lớn thời trang "lờ" nghĩa vụ thuế VAT

00:00 12/10/2020

Không xuất hóa đơn VAT, hàng hóa không rõ nguồn gốc, giảm giá quá 50% quy định, không đăng ký thông báo hoạt động wesite thương mại điên tử... là những vi phạm đang tồn tại ở các ông lớn thời trang như: Nem, Viet Brothers, Genviet, Bò Sữa, Germe...

Mới đây, Cục Thuế thành phố Hà Nội đã công khai danh sách 228 đơn vị nợ thuế, phí và các khoản liên quan đến đất, tính đến giữa năm 2019 với tổng số tiền nợ lên tới gần 260 tỷ đồng.

Đây là các doanh nghiệp lần đầu bị công khai thông tin nợ thuế và số tiền nợ này bao gồm cả tiền phạt và tiền chậm nộp được công khai lần đầu. Trong số này, có 181 doanh nghiệp nợ gần 86 tỷ đồng thuế, phí, tiền phạt, tiền chậm nộp. Yêu cầu các doanh nghiệp khẩn trương nộp thuế cho Nhà nước.

Đồng hành cùng ngành thuế, Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp đã triển khai chuyên đề “Thuế & Cuộc sống” đăng tải hàng loạt thông tin về hoạt động các doanh nghiệp có dấu hiệu trốn thuế, kinh doanh không đúng quy định pháp luật...

Để thực hiện chuyên đề, Tòa soạn tiếp nhận thông tin phản ánh từ bạn đọc, người tiêu dùng trên cả nước về các thông tin xung quanh việc thực hiện nghĩa vụ thuế chưa đúng quy định từ đọc giả cả nước.

Mở đầu chuyên đề, PV Tòa soạn đã dành thời gian nhiều ngày để tiến hành ghi nhận thông tin từ người tiêu dùng về việc kinh doanh có dấu hiệu trốn thuế khi không xuất hóa đơn gia trị gia tăng (VAT) như: Nem, Viet BrothersGenVietBò SữaGerme...

Theo đó, hình thức trốn thuế chủ yếu của các thương hiệu này là không lập hóa đơn giá trị gia tăng cho khách hàng.

Các “ông lớn” chỉ in phiếu thu, không xuất VAT?

Cụ thể, PV Tài chính Doanh nghiệp đã tiến hành khảo sát mua hàng tại hàng loạt các thương hiệu thời trang trên.

Ngày 16/8 tại cửa hàng VietBrothers 76 Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa, đây một trong những thương hiệu hàng đầu về slogan “Made in Viet Nam”, PV đã tiến hành mua sản phẩm của thương hiệu này. Tuy nhiên, sau khi thanh toán PV chỉ nhận được phiếu thu mà không có hóa đơn VAT, trên phiếu thu đơn cửa hàng cũng không hề thể hiện sản phẩm đã bao gồm thuế.

Cùng ngày PV qua cửa hàng thương hiệu Bò Sữa tại Bà Triệu khảo sát, chuỗi thương hiệu này cũng có hình thức kinh doanh giống như VietBrothers khi chỉ in phiếu thu mặc dù PV đề nghị xuất hóa đơn VAT nhưng nhân viên cho biết sản phẩm bên Bò Sữa không xuất được hóa đơn VAT?

Tiếp tục tìm hiểu, ngày 19/8 PV mua loạt sản phẩm thương hiệu Ponykids tại tầng 2, BigC Hồ Gươm, 110 Trần Phú, Hà Đông, nhân viên tại đây cũng chỉ in phiếu thu cho PV và trao đổi không xuất được hóa đơn VAT cho khách hàng. Sau đó, PV ghé thăm thời trang Germe địa chỉ Xã Đàn, thương hiệu được giới trẻ đặc biệt ưa chuộng. Sau khi PV thanh toán, đề nghị nhận hóa đơn VAT nhưng nhân viên tỏ ra khá ngạc nhiên và trao đổi: “Bên em không xuất hóa đơn VAT?”.

Tương tự như các thương hiệu trên, ngày 23/8 tại 25 Bà Triệu, Hoàn Kiếm, PV mua sản phẩm Dodavi thuộc Viên nghiên cứu da giầy (Bộ Công thương); ngày 22/5 mua sản phẩm thương hiệu da cao cấp Elly thuộc Công ty Cổ phần Thời Trang Quốc Tế Glamor, PV cũng ghi nhận việc các cửa hàng này ngang nhiên kinh doanh hàng loạt cửa hàng không xuất hóa đơn VAT theo quy định.

Các hãng thời trang thương hiệu hàng đầu kể cả trong nước hay nhập khẩu cũng có tình trạng không xuất VAT, các đơn vị này sẽ kê khai và đóng thuế như thế nào khi không xuất VAT cho khách hàng

Ngoài ra, PV cũng ghi nhận hàng loạt các đơn vị thời trang khác cũng kinh doanh và có nhiều hoạt động vi phạm pháp luật như: Thời trang Nem – chuỗi cửa hàng thuộc Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại An Thành, Thời trang Ivy moda - Công ty Cổ phần Dự Kim giảm giá sản phẩm trên 50% không đúng quy định của chính phủ.

Bán hàng không xuất hóa đơn VAT là tiếp tay cho doanh nghiệp trốn thuế

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Phụng - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế cho hay:

"Việc mua hàng không lấy hóa đơn, vô tình đã “tiếp tay” cho một số doanh nghiệp làm ăn “thiếu đứng đắn”. Nếu người tiêu dùng mua hàng không lấy hóa đơn, thì hóa đơn đó nhiều khả năng lại được “xuất khống” cho một giao dịch khác để hợp thức hóa chi phí. Trong khi đó, khi người bán không xuất hóa đơn, giao dịch đó không được ghi nhận vào doanh thu bán hàng, nên Nhà nước không thu được thuế. Đó là chưa tính tới nhiều trường hợp, đã có các cá nhân, đơn vị lợi dụng điều này để mua hóa đơn, hợp thức hóa chi tiêu ngân sách nhà nước.

Ở một khía cạnh khác, việc mua hàng không lấy hóa đơn là người tiêu dùng đã vô tình tiếp tay những người trốn thuế, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh với các đơn vị, cá nhân tuân thủ đúng pháp luật về thuế, từ đó ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh nói chung.

Bên cạnh đó, Luật sư Nguyên Anh Tuấn (VPLS Đại Nam). Luật sư Tuân cho biết, Bộ tài chính đã có Thông tư quy định về việc doanh nghiệp phải xuất hóa đơn VAT cho khách khi giá trị hàng hóa, dịch vụ từ 200 nghìn đồng trở lên tại điểm b, khoản 2 Điều 16 Thông tư 39/năm 2014/TT-BTC.

Cụ thể , khoản 2. Cách lập một số tiêu thức cụ thể trên hóa đơn

a) Tiêu thức “Ngày tháng năm” lập hóa đơn

Ngày lập hóa đơn đối với bán hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền…

b) Tiêu thức “Tên, địa chỉ, mã số thuế của người bán”, “tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua”: ghi tên đầy đủ hoặc tên viết tắt theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế.

Trường hợp tổ chức bán hàng có đơn vị trực thuộc có mã số thuế trực tiếp bán hàng thì ghi tên, địa chỉ, mã số thuế của đơn vị trực thuộc. Trường hợp đơn vị trực thuộc không có mã số thuế thì ghi mã số thuế của trụ sở chính.

Trường hợp khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ từ 200.000 đồng trở lên mỗi lần, người mua không lấy hóa đơn hoặc không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế (nếu có) thì vẫn phải lập hóa đơn và ghi rõ “người mua không lấy hóa đơn” hoặc “người mua không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế”.

Bài 2: Loạn thị trường thời trang: Lộ diện số thuế trốn “khủng” từ các thương hiệu hàng đầu

PV Tài chính Doanh nghiệp sẽ tiếp tục cập nhật thông tin trong bài tiếp theo...

Nhóm PV