Trên thực tế, sau những thành công ban đầu trong công tác kiểm soát dịch bệnh, các DN Việt đã bắt đầu trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh trong trạng thái “bình thường mới” và đã có những tín hiệu khởi sắc. Các DN trên địa bàn Hà Nội cũng từng bước khôi phục sản xuất.
Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, những giải pháp mà thành phố thực hiện sau dịch Covid-19 như tập trung đánh giá, phân tích tình hình, làm rõ ưu điểm, khuyết điểm của từng ngành, lĩnh vực và nguyên nhân để triển khai kịp thời, hiệu quả các giải pháp phục hồi kinh tế Thủ đô phát triển bền vững sau đại dịch, quyết tâm hoàn thành cao nhất các mục tiêu trong kế hoạch, đặc biệt là những chỉ tiêu đạt thấp và còn khó khăn. Cùng với đó là đẩy mạnh giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, các công trình trọng điểm trên địa bàn thành phố, thực hiện các giải pháp hỗ trợ DN…
Các DN đối diện với nhiều khó khăn phía trước |
Theo thống kê, trong 7 tháng đầu năm, có 14.798 DN mới thành lập, vốn đăng ký 203 nghìn tỷ đồng, giảm 5% về số lượng DN nhưng tăng 6% vốn đăng ký so với cùng kỳ; có 1.333 DN giải thể, tăng 18% cùng kỳ; 6.921 DN tạm ngừng hoạt động, tăng 34% cùng kỳ; 3.713 DN hoạt động trở lại. Tổng số DN trên địa bàn đến nay đạt 293.121 DN. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký DN qua mạng được duy trì 100%, đảm bảo chất lượng và đúng hạn.
Trong tháng 7, các cơ sở sản xuất công nghiệp đã cơ bản trở lại hoạt động bình thường. Tình hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nhiều DN đã khởi sắc hơn những tháng trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7 ước tính tăng 4,9% so với tháng trước và tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,3% và tăng 8%; sản xuất và phân phối điện tăng 11% và tăng 7,7%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 6,9% và tăng 6,5%; ngành khai khoáng tăng 2,2% và tăng 14,5%. Tính chung 7 tháng năm 2020, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4% so với cùng kỳ năm trước.
Mới đây, để khuyến khích các DN nâng cao chất lượng sản phẩm trong sản xuất kinh doanh, Sở Công thương Hà Nội tổ chức Chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” năm 2020. Theo Ban Tổ chức, chương trình là hoạt động tiêu biểu nằm trong chuỗi hoạt động hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động. Qua 9 năm triển khai, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động của thành phố đã liên tục mở rộng đối tượng tham gia, cải tiến và cập nhật các hình thức bình chọn, tiếp cận với người tiêu dùng và DN với tinh thần tạo dựng kênh thông tin khách quan, truyền tải thông điệp trực tiếp và cụ thể đến người tiêu dùng và DN.
Theo bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, điểm mới của chương trình năm nay là sẽ triển khai bình chọn trên 12 nhóm sản phẩm, dịch vụ (tăng một nhóm so với năm trước) và mở rộng phạm vi của một số nhóm sản phẩm/dịch vụ của năm 2019. Chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” năm 2020 được điều chỉnh về quy chế bình chọn nhằm bảo đảm tính khách quan và phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội với 2 yếu tố chính gồm: Số lượng tham gia sản phẩm bình chọn (vẫn là tối đa 3 sản phẩm, dịch vụ). Tuy nhiên, năm 2020, các sản phẩm dịch vụ tham gia chương trình phải là sản phẩm dịch vụ mới và không bao gồm các sản phẩm đã được bình chọn qua các năm.
Bà Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh, việc tiếp tục lựa chọn các sản phẩm tiêu biểu của DN Việt để người tiêu dùng bình chọn, tôn vinh không chỉ giúp người tiêu dùng nhận biết các sản phẩm uy tín, mà còn khuyến khích các DN Việt đẩy mạnh nâng cao chất lượng sản xuất kinh doanh của mình.
Mặc dù các DN trên địa bàn Hà Nội đã bước đầu đi vào ổn định sản xuất kinh doanh nhưng khó khăn phía trước còn rất lớn. Theo UBND thành phố Hà Nội, tháng 8 và các tháng cuối năm 2020, trong bối cảnh dịch Covid-19 xuất hiện những diễn biến phức tạp, thành phố tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ theo chương trình công tác, đồng thời, triển khai thực hiện đồng bộ, mạnh mẽ các nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch bệnh gắn với đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế.
Trong đó tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN. Thực hiện tốt Chương trình kết nối ngân hàng - DN. Tạo thuận lợi tối đa cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất, nhập khẩu. Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI. Đồng thời đẩy mạnh cải cách TTHC trong công tác thu ngân sách; đôn đốc thu nợ thuế, tiền thuê đất; khai thác các khoản thu, nhất là từ đất và đấu giá đất, tiền thuê đất nộp một lần. Chỉ đạo chi ngân sách đúng luật, hiệu quả, kịp thời…
Nguyễn Minh