Giáo sư Mary Lee Rhodes: Mô hình doanh nghiệp xã hội sẽ thúc đẩy tinh thần kinh doanh

00:00 12/10/2020

Vào trung tuần tháng 12/2018, Giáo sư Mary Lee Rhodes - Giám đốc Trung tâm Ươm tạo về Sáng tạo và Khởi nghiệp, thuộc Trường Đại học Trinity Dublin - Ireland đã đến Việt Nam và có những buổi nói chuyện với sinh viên về tư duy độc lập, giao tiếp hiệu quả, phát triển liên tục và hành động có trách nhiệm, cũng như các môn học về đạo đức, trách nhiệm xã hội, sáng tạo xã hội, khởi nghiệp xã hội, đồng thời tham gia khảo sát một số doanh nghiệp xã hội.

Đây là những hoạt động nằm trong khuôn khổ tài trợ của Dự án Thúc đẩy sáng tạo xã hội, doanh nghiệp xã hội thuộc Chương trình Trao đổi giáo dục song phương Việt Nam - Ireland. Nhân dịp này, Giáo sư Mary Lee Rhodes đã có cuộc trao đổi thú vị với phóng viên Doanh nghiệp & Hội nhập.

Xin chào Giáo sư Mary Lee Rhodes! Xin bà chia sẻ vài nét về các doanh nghiệp xã hội của Ireland?

Giáo sư Mary Lee Rhodes: Ireland là đất nước thu hút mạnh đối với đầu tư nước ngoài, những công ty công nghệ lớn như Facebook, Google, LinkedIn... hay các tập đoàn dược phẩm, các ngân hàng có quy mô thế giới đều đặt trụ sở tại đất nước chúng tôi. Đó đều là những công ty đa quốc gia có trách nhiệm xã hội lớn, tạo ra nhiều việc làm. Tuy nhiên, họ chỉ phải đóng thuế rất ít, và đó là lý do đất nước chúng tôi thu hút đầu tư nước ngoài hiệu quả. Ireland sở hữu một nền kinh tế tri thức trẻ với giá trị cốt lõi là phát triển cộng đồng, và hầu như không có các vấn đề nổi cộm trong kinh doanh.

Tại Ireland, sinh viên được trang bị kiến thức khởi nghiệp để trở thành doanh nhân như thế nào, thưa bà?

Giáo sư Mary Lee Rhodes: Tại Ireland, khởi nghiệp trở thành một môn học được giảng dạy trong trường đại học và cũng là môn học trong chương trình đào tạo thạc sĩ quản trị kinh doanh - IBM. Trung tâm Ươm tạo về Sáng tạo và Khởi nghiệp, thuộc Đại học Triniry Dublin đào tạo và tổ chức cho sinh viên các cuộc thi về ý tưởng sáng tạo, đặc biệt là hỗ trợ cho sinh viên về công nghệ. Trinity Dublin có cách tiếp cận vấn đề cho các sinh viên vừa học vừa trải nghiệm, áp dụng vào thực tế, vì vậy khi mỗi sinh viên, học viên ra trường làm việc cho các doanh nghiệp xã hội, khi có các ý tưởng, phát hiện vấn đề, thì với mỗi ý tưởng, sáng kiến... đều có thể chuyển đổi thành doanh nghiệp xã hội, có sự hỗ trợ của chương trình ươm tạo doanh nghiệp xã hội của nhà trường. Một số các ý tưởng, dự án sáng tạo doanh nghiệp xã hội mà  Trung tâm đã đồng hành như: Dự án triển khai ứng dụng kết nối giữa các cửa hàng, siêu thị tạp hóa có hoa quả cận date, với các nhóm hoạt động hỗ trợ những người vô gia cư. Chương trình đảm bảo cho những người vô gia cư được cung cấp thực phẩm một cách thường xuyên thông qua app kết nối. Hiện chương trình đã lan ra châu Âu. Qua gần 4 năm hoạt động, chương trình đã kết nối và chuyển thành công gần 20.000 tấn thức ăn đến địa chỉ sử dụng thông qua ứng dụng Food loader. Một chương trình khác là Quỹ từ thiện xã hội điện tử - tương tự như các hòm từ thiện tại các cửa hàng, siêu thị truyền thống. Phương thức quyên góp 4.0 này kết nối với các Quỹ trực tuyến từ các siêu thị, cửa hàng, những khoản tiền lẻ trong thanh toán sẽ được chuyển trực tiếp thông qua thanh toán điện tử vào Quỹ xã hội...

Toàn cảnh ngôi trường Trinity Dublin 

Thưa bà, các hiệp hội ngành nghề ở Ireland đã hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp như thế nào?

Giáo sư Mary Lee Rhodes: Chính phủ Ireland rất ủng hộ các hoạt động sáng tạo cũng như hỗ trợ khởi nghiệp. Là một quốc gia khởi nghiệp sáng tạo và thu hút đầu tư nước ngoài với các công ty lớn, Ireland có rất nhiều các hội, hiệp hội ngành nghề. Chính phủ Ireland rất quan tâm hỗ trợ nhiều mặt cho các mô hình khởi nghiệp từ không gian, tài chính cũng như điều kiện làm việc... Ireland ngày càng có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp thành công dựa vào công nghệ. Đó cũng là một tất yếu. Tuy nhiên, ở góc độ người làm công tác nghiên cứu chuyên sâu, tôi thấy việc chú trọng hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo lại đưa đến cả những mặt không tốt. Đó cũng chính là vấn đề của các doanh nhân khởi nghiệp, các ý tưởng sáng tạo khi được đưa vào kiểm nghiệm thực tế và khi trở thành một sản phẩm thành công họ sẽ chuyển giao ngay, ý tưởng sẽ được bán lại cho các doanh nghiệp tiếp quản, việc gây dựng kinh doanh với ý tưởng của chính mình hầu như không được chú trọng. Ireland luôn có chính sách hỗ trợ kinh doanh cũng như sáng tạo khởi nghiệp, tuy nhiên, có một chút vấn đề dường như lại nằm ở tâm lý. Với tổng số 5 triệu dân và tâm lý luôn muốn đổi mới, các ý tưởng kinh doanh ở đây luôn dồi dào, nhưng một thực tế có thể nhìn thấy là chỉ tập trung kinh doanh ý tưởng. Điều này cản trở sự phát triển của các doanh nghiệp tự thân, khiến cho kinh tế doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào các tập đoàn xuyên quốc gia, chỉ tập trung làm giàu cho các công ty xuyên quốc gia...

Trung tâm của chúng tôi đã hoạt động 10 năm nay, tuy số lượng sáng kiến nhiều, nhưng do các sinh viên của Trinity đã được các công ty lớn, tập đoàn mời gọi và chiêu mộ về làm việc với mức lương hấp dẫn, hấp dẫn hơn cả việc gây dựng một doanh nghiệp riêng nên chỉ có khoảng 10 doanh nghiệp khởi nghiệp và phát triển kinh doanh thành công. Đó cũng là tồn tại và bất cập trong hoạt động khởi nghiệp tại Ireland.

Xin bà cho biết về mục tiêu của mối quan hệ hợp tác giữa Trung tâm Ươm tạo về Sáng tạo và Khởi nghiệp, Trường Đại học Trinity Dublin với Trung tâm Sáng tạo và Khởi nghiệp xã hội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân?

Giáo sư Mary Lee RhodesVới mong muốn thiết lập mối quan hệ, trao đổi học thuật giữa Ireland và Việt Nam, Trung tâm Ươm tạo về Sáng tạo và Khởi nghiệp, Trường Đại học Trinity Dublin phối hợp thực hiện dự án với Trung tâm Sáng tạo và Khởi nghiệp xã hội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thông qua Chính phủ Ireland, tài trợ cho chương trình hoạt động tại Việt Nam trong 2 năm 2018-2019 với 3 mảng chính gồm: trao đổi về học thuật, nghiên cứu, giảng dạy; định vị và xây dựng bản đồ số về doanh nghiệp xã hội Việt Nam; xây dựng các môn học về doanh nghiệp xã hội, sáng tạo xã hội và triển khai đưa vào giảng dạy tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Chúng tôi rất hào hứng với mối quan hệ hợp tác này và hi vọng được học hỏi, chia sẻ cũng như góp phần tăng thêm cơ hội phát triển các doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam.

Trinity Dublin là trường đại học đầu tiên và cổ nhất Ireland và là 1 trong 20 trường đại học cổ nhất thế giới

Qua khảo sát thực tế, đánh giá của bà về các doanh nghiệp xã hội của Việt Nam như thế nào?

Giáo sư Mary Lee Rhodes: Có thể hơi phiến diện nếu tôi đánh giá về tất cả các doanh nghiệp xã hội Việt Nam, nhưng qua tìm hiểu ở một doanh nghiệp với đối tượng lao động là người mù, chuyên cung cấp dịch vụ masage, một cửa hàng bánh với lao động là những đối tượng tự kỷ, hay một nông trại chuyên trồng cam sinh thái ở Nghệ An, hoặc là doanh nghiệp sản xuất dầu tràm... thì điểm nổi bật của các doanh nghiệp này đều có xu hướng kinh doanh rất rõ ràng. Và điều đặc biệt là 4 người đứng đầu các doanh nghiệp xã hội đó đều là nữ. Với mục tiêu xã hội rõ ràng, các vị ấy tìm mọi cách và quyết tâm để đạt mục tiêu xã hội cũng như mục đích kinh doanh mà mình đã đặt ra. Cách thực hiện của các doanh nghiệp mang đặc điểm kinh doanh rất rõ nét, khác với các nước khác là chỉ đợi tiền tài trợ. Điều đó làm tôi rất ấn tượng.Việt Nam bắt đầu tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, trong đó, nổi bật là lĩnh vực nông nghiệp, dệt may, da giầy, với những lao động từ khu vực nông thôn, do đó có thể áp dụng mô hình doanh nghiệp xã hội nhằm thúc đẩy tinh thần kinh doanh và tạo ra những tác động tích cực trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, tạo được tác động tích cực với xã hội. Tôi cũng đặc biệt quan tâm đến sự cam kết của các doanh nghiệp xã hội của Việt Nam.

Kinh tế Việt Nam đang phát triển và hội nhập sâu rộng với thế giới, theo bà, trong xu thế đó, yếu tố nào quyết định thành công của các doanh nghiệp?

Giáo sư Mary Lee RhodesCông nghệ hiện nay đã như một điều kiện tất yếu, đặc biệt là các doanh nghiệp thành công. Để thành công, doanh nghiệp phải luôn giữ được chữ tín và niềm tin, và yếu tố quyết định nhất vẫn là con người. Ireland có được những thành công ngày hôm nay có lẽ cũng bởi đã gây dựng được mối quan hệ và niềm tin với các công ty đa quốc gia và cả các nước trong khu vực EU. Ví dụ như nước Anh ra khỏi Liên minh châu Âu, nhưng Ireland dù có vị trí ngay cạnh vẫn nhận được nhiều sự hỗ trợ và tin tưởng về kinh tế ở châu lục. Đó cũng là nhờ sự tương tác và niềm tin giữa con người với con người trong kinh doanh... 

Trước khi tới Việt Nam, bà đã biết gì về đất nước chúng tôi?

Giáo sư Mary Lee Rhodes: Dù đã đã sống ở Ireland 21 năm, nhưng tôi là người Mỹ nên từng biết về một Việt Nam đổi mới và mới chỉ thực sự cộng tác trong công việc với các bạn Việt Nam khoảng 2 năm nay. Trước đó, trong ký ức của tôi, 2 tiếng Việt Nam gắn với cuộc chiến tranh “American war” - đó là một câu chuyện buồn... Tuy nhiên, Việt Nam mở cửa và phát triển như hôm nay là một điều đáng mừng.Tôi may mắn gặp được những người Việt Nam rất thân thiện, tôi thấy các bạn Việt Nam không giữ lòng hận thù. Điều này đã gây bất ngờ lớn và thực sự xúc động đối với tôi!

Philip Colour là cha đẻ của marketing, khi nói về Việt Nam ông nói rằng ẩm thực Việt Nam là một trong những điểm mạnh. Bà nghĩ sao về điều này?

Giáo sư Mary Lee Rhodes: Việt Nam có điểm mạnh về nông nghiệp, nhiều người rất thích ẩm thực Việt Nam, trong đó có tôi. Việc kết hợp ẩm thực với du lịch là điều không mới, tuy nhiên các bạn nên nhấn đến trải nghiệm của khách hàng hơn nữa. Ở Ireland có một tổ chức của chính phủ với tên gọi có nghĩa tương tự như Welcom, họ đảm bảo cho các dịch vụ liên quan đến du lịch, nhà ở phải đạt tiêu chuẩn. Họ tập trung đến từng giao dịch và đảm bảo chất lượng cho từng dịch vụ đó. Và chất lượng du lịch, sự hài lòng của khách hàng cũng chính là hình ảnh quốc gia của họ. Chú trọng đến chất lượng dịch vụ để tạo dựng niềm tin.

Là người giảng dạy tại một trường đại học lớn, tiếp cận với nhiều ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp của sinh viên, theo bà những người trẻ, người mới khởi nghiệp tại Việt Nam cần hội tụ những phẩm chất gì trên con đường đến thành công?

Giáo sư Mary Lee Rhodes: Điều quan trọng trước nhất là phải tin vào bản thân mình. Bởi vì khi khởi nghiệp có thể gặp phải nhiều thất bại. Nhưng những người thành công là người có niềm tin vào bản thân, sự thành công của bản thân và tương lai. Điều đó có ý nghĩa rất lớn. Thứ hai, chúng ta phải học bất kỳ lúc nào, học hỏi ở bất kỳ ai. Đừng vì quá tự tin mà mất đi ý thức học tập ở những người xung quanh, bởi ta không thể nào biết tất cả mọi thứ. Hai điều này dường như mâu thuẫn nhưng lại rất cần thiết để cùng làm nên thành công.

Người Ireland được biết đến với đặc tính dễ gần, thân thiện và sáng tạo. Người Đông Nam Á từ lâu đã được biết đến với đặc tính nổi trội là năng động. Vậy, những người trẻ tuổi, những ạn trẻ Việt Nam có ý định khởi nghiệp nên tận dụng và khai thác tốt nhất những đặc tính ưu việt đó.

Xin hỏi bà, ở Việt Nam Tết cổ truyền là dịp lễ lớn nhất trong năm, người dân Ireland đón mừng năm mới có những hoạt động gì đặc sắc, thưa bà?

Giáo sư Mary Lee Rhodes: Lễ đón mừng năm mới ở Ireland không lớn bằng ngày lễ thánh Parchick. Ireland là một quốc gia Cơ đốc giáo. Ngày lễ thánh Parchick là ngày lễ lớn nhất trong năm của người Ireland. Mọi người cùng tham gia một lễ cầu nguyện và ra ngoài cùng nhau đi chơi, uống mừng cùng nhau. Trong những bữa tiệc của người Ireland, ai tham gia cũng phải đóng góp cho buổi vui đó. Và sau khi uống thì mỗi người phải có đóng góp văn nghệ, về âm nhạc hoặc văn học nghệ thuật... làm cho không khí dịp lễ được vui vẻ, ấm áp hơn.

Cảm ơn Giáo sư về cuộc trao đổi thú vị!

Trí Kiên - Anh Thư thực hiện