Gian nan trong quá trình giải cứu lô hồ tiêu trị giá hơn 3 triệu USD

17:17 10/11/2020

62 container hồ tiêu trị giá hơn 3 triệu USD của 15 doanh nghiệp bị mắc kẹt hơn 7 tháng tại tại Nepal, Ấn Độ cơ bản đã được giải cứu và đưa về Việt Nam

Hồ tiêu Việt Nam vẫn là 'cơn ác mộng' của Ấn Độ

Hồ tiêu Việt Nam. Ảnh minh họa

Vào ngày 10/11, trao đổi với PV, đại diện Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết công tác "giải cứu" lô hồ tiêu hơn 3 triệu USD gồm 62 container của 15 doanh nghiệp (DN) cơ bản đã hoàn tất. Trong đó, 50 container đã về đến Việt Nam, 10 container đang trên tàu vận chuyển về Việt Nam và 2 container tại Ấn Độ đang tiếp tục hoàn thành các thủ tục để xuống tàu.

Bà Trần Phước Hậu, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Trân Châu (Pearl Corporation - TP HCM), DN có số lượng hàng bị mắc kẹt nhiều nhất – 22 container, xác nhận toàn bộ hàng đã cập cảng Cát Lái thành công và đang vận chuyển về nhà máy.

Trước đó vào cuối tháng 8, bà Hậu cho hay DN có 22 container bị mắc kẹt với mức phí lưu kho bãi mỗi ngày 170 USD/container. Mỗi ngày mở mắt ra coi như DN bị mất khoảng 90 triệu đồng. "Hãng tàu đã đồng ý giảm giá 50% phí này nhưng thời gian bị kẹt chưa biết đến khi nào nên thiệt hại chưa thể tính hết. Trường hợp tốt nhất là hàng được đưa về Việt Nam sớm thì DN cũng bị mất 50% giá trị lô hàng nhưng dù sao cũng còn hơn là mất trắng",- bà Hậu chia sẻ

Cho đến nay, bà Hậu nhìn nhận rằng: "Chúng tối đã tiến hành bốc dỡ được 15/22 container và ghi nhận hầu hết các bao tiêu chất phía ngoài tiếp xúc với thành container đều bị ướt và mốc, tỉ lệ mốc lên đến 50%. Điều này, DN đã dự đoán trước vì thời gian container lưu bãi tại Nepal quá lâu và trải qua nhiều đợt thay đổi thời tiết tại Nepal. Tổng mức thiệt hại sơ bộ cho mỗi lô hàng từ lúc bắt đầu công cuộc kéo hàng về bao gồm phí hải quan/thủ tục hành chính tại Nepal/Ấn Độ và các phí lưu container/phụ phí của hãng tàu cho tới khi Công ty Trân Châu xử lý xong, hàng hóa hư hỏng ước tính 40% giá trị lô hàng." 

"Nhìn lại chặng đường đã trải qua từ những ngày đầu tiên, chúng tôi vô cùng cảm kích trước những giúp đỡ vô điều kiện của các cơ quan hữu quan, của hiệp hội ngành hàng cũng như của các anh chị báo chi đã giúp cho sự liên kết – sức mạnh được phát huy hơn bao giờ hết. Chặng đường chưa từng có tiền lệ là đưa các container hàng vướng ở Nepal quay ngược trở lại cảng Ấn Độ và lên đường về Việt Nam trong suốt một quá trình hơn 7 tháng là một chặng đường vô cùng dài và gian nan.", bà Hậu bày tỏ.

Trước đó, theo Báo Người Lao Động đã đưa tin, ngày 25-3, Nepal ban hành văn bản cấm nhập khẩu hồ tiêu, có hiệu lực từ ngày 6-4 mà không miễn trừ cho các lô hàng đã xuống tàu trước thời gian trên. Do đó, các DN Việt Nam cùng với các cơ quan chức năng đã tìm mọi cách đưa lô hàng trên "hồi hương" về Việt Nam để hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Xuất khẩu hồ tiêu giảm 20%

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), 7 tháng đầu năm 2020, Việt Nam xuất khẩu được 187.000 tấn hồ tiêu, đạt giá trị 405 triệu USD, giảm 6,5% về khối lượng và giảm 20,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.

Giá hồ tiêu xuất khẩu bình quân 6 tháng năm 2020 đạt 2.134 USD/tấn, giảm 16,4% so với cùng kỳ năm 2019. Trong nửa đầu năm 2020, xuất khẩu hồ tiêu sang hầu hết các thị trường lớn đều giảm cả về khối lượng và giá trị do chịu tác động kép từ đại dịch Covid-19 và dư cung. Các chuyên gia về thị trường nông sản dự báo: giá hồ tiêu sẽ giảm trong ngắn hạn do thương mại hồ tiêu toàn cầu đang bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Trong các tháng tới, sức mua được dự báo sẽ giảm từ thị trường châu Âu và Mỹ trước làn sóng Covid-19 thứ 2.

Thêm vào đó, thảm họa thiên tai tại Trung Quốc, một trong các thị trường nhập khẩu hồ tiêu lớn của Việt Nam, sẽ tác động đến nhu cầu nhập khẩu hồ tiêu của quốc gia này trong giai đoạn ngắn hạn. Trước tình hình trên, các chuyên gia khuyến nghị các DN xuất khẩu cần lựa chọn các biện pháp thực thi và thanh toán hợp đồng nhằm giảm thiểu rủi ro, hạn chế các phát sinh thương mại quốc tế.

TH