Cải cách môi trường kinh doanh đang chững lại

00:00 12/10/2020

Trong 4 năm qua (2016 - 2019), điểm số môi trường kinh doanh của Việt Nam liên tục tăng. Trong đó, các cải cách được ghi nhận tích cực nhất vào năm 2017 với điểm số tăng rất mạnh, nhưng từ năm 2018 và 2019, điểm số này tăng chậm lại và thứ hạng giảm mỗi năm 1 bậc.

Điểm số tăng chậm lại

Mặc dù 4 năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất nỗ lực cải cách và quyết liệt thúc đẩy cải cách, điểm số môi trường kinh doanh liên tục tăng, đặc biệt là các cải cách được ghi nhận tích cực nhất vào năm 2017 (từ tháng 6/2016 - 5/2017), tuy nhiên từ năm 2018 -2019, điểm số tăng chậm lại và thứ hạng giảm mỗi năm 1 bậc. Thực tế này được phản ánh trong bảng xếp hạng Doing Business 2020 vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố. Cụ thể, Việt Nam đạt 69,8 điểm trên 100, cao hơn năm ngoái (68,6), nhưng lại tụt một bậc, xuống thứ 70 trên 190 nền kinh tế được khảo sát.

cai cach moi truong kinh doanh dang chung lai
Môi trường kinh doanh của Việt Nam đứng thứ 5 trong khu vực ASEAN

Phân tích kỹ hơn về các chỉ số, bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (CIEM) tại Hội thảo “Môi trường kinh doanh 2016 - 2019 qua xếp hạng Doing Business: Kết quả và một số gợi ý cải cách” - cho biết, 4 năm qua, hai lĩnh vực cải thiện vượt trội là tiếp cận điện tăng 69 bậc (từ 96 lên 27), nộp thuế và bảo hiểm xã hội tăng 58 bậc (từ 167 lên 109).

Ba chỉ số tăng hạng nhờ cải cách gồm tiếp cận tín dụng tăng 7 bậc, khởi sự kinh doanh tăng 6 bậc, giải quyết tranh chấp hợp đồng tăng 1 bậc. Trong đó, khởi sự kinh doanh và giải quyết tranh chấp hợp đồng còn nhiều dư địa cải cách. Còn 1 chỉ số tăng hạng bởi các nước khác giảm bậc, đó là chỉ số giải quyết phá sản doanh nghiệp. “Tuy nhiên, giải quyết phá sản doanh nghiệp trong nhiều năm không có cải cách, thời gian kéo dài; tỷ lệ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh thấp. Trong ASEAN, xếp hạng chỉ số này của Việt Nam chỉ đứng trên Lào” - bà Nguyễn Minh Thảo chỉ rõ.

Ngoài ra, Việt Nam vẫn còn 4 chỉ số giảm bậc gồm: Giao dịch thương mại qua biên giới (giảm 11 bậc); bảo vệ cổ đông thiểu số (giảm 10 bậc); đăng ký tài sản (giảm 5 bậc) và cấp phép xây dựng (giảm 1 bậc).

Trước đó, theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới, năng lực cạnh tranh của Việt Nam lại có bước tăng trưởng ấn tượng với 10 bậc và 3,5 điểm trong năm nay, từ thứ hạng 77 lên 67. Trong đó có 8/12 chỉ số tăng điểm và tăng hạng, gồm thể chế, ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ năng, thị trường sản phẩm, thị trường lao động, quy mô thị trường, mức độ năng động trong kinh doanh, năng lực đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, theo TS. Lê Đăng Doanh, vị trí 67 chưa phải là ghê gớm. Chúng ta vẫn thấp hơn 5 nước ASEAN, chỉ cao hơn Lào, Campuchia, Myanmar và vị thế của chúng ta vẫn chưa thay đổi. “Phải làm sao để cạnh tranh với Philippines, rồi tiếp cận được với các nước khác, ví dụ như Thái Lan và ngay cả Trung Quốc cũng đang bỏ xa Việt Nam khá nhiều” - TS. Lê Đang Doanh đánh giá.

Nguy cơ bị tụt hạng nếu không có cải cách đột phá

Theo nghiên cứu của CIEM, sở dĩ cải cách môi trường kinh doanh chưa cải thiện nhiều, do điều kiện kinh doanh vẫn là trở ngại. Quản lý, kiểm tra chuyên ngành chậm cải cách, thậm chí có những văn bản mới được ban hành đi ngược với chỉ đạo của Chính phủ. Đặc biệt, có xu hướng các văn bản pháp luật thể hiện sự chia phần quản lý giữa các cơ quan quản lý nhà nước gây khó khăn cho doanh nghiệp…

Lấy dẫn chứng cụ thể, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho biết, theo đánh giá chung của doanh nghiệp, những lĩnh vực thủ tục hành chính phiền hà nhất là đất đai, thuế và bảo hiểm xã hội. Doanh nghiệp vẫn quan ngại về thủ tục “hậu đăng ký doanh nghiệp". Có 31% doanh nghiệp trả chi phí không chính thức khi làm các thủ tục thành lập doanh nghiệp, 29% gặp khó khăn khi xin giấy chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật, 16% phải chờ hơn 1 tháng mới có đủ giấy tờ cần thiết để chính thức hoạt động.

Có thể nói, cải cách môi trường kinh doanh hiện nay đang chững lại. Đây là một chỉ dấu cảnh báo đối với Việt Nam. Bởi, hiện các quốc gia trong khu vực đang có những cải cách rất mạnh mẽ để cải thiện môi trường kinh doanh của quốc gia. Vì vậy nếu Việt Nam không tạo được những cải cách nhanh, đột phá hơn nữa trong thời gian tới nguy cơ tiếp tục bị tụt hạng sẽ hiện hữu rất rõ” – bà Nguyễn Minh Thảo cảnh báo.

Để cải thiện thứ hạng về môi trường kinh doanh của Việt Nam trong thời gian tới, theo bà Nguyễn Minh Thảo, cải cách trước hết phải từ tư duy quản lý của các bộ, ngành, địa phương. Do đó, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, mạnh mẽ và thực chất của các bộ, ngành, địa phương. Song song với đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần rút ngắn thời gian, giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính cho doanh nghiệp thông qua thực thi dịch vụ công trực tuyến một cách thực chất, tránh hô hào, hình thức.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành cần nghiêm túc thực hiện các giải pháp đã được Chính phủ xác định về cải cách điều kiện kinh doanh, quản lý, kiểm tra chuyên ngành. Đồng thời, các bộ, ngành cần nhân rộng các sáng kiến cải cách và phương thức quản lý hiện đại theo thông lệ quốc tế tốt….

Thu Phương