Cá nhân, doanh nghiệp xử lý thế nào khi bị vu khống trên mạng xã hội?

00:00 12/10/2020

Bản chất của thị trường có 2 mặt, cạnh tranh với nhau, trong đó có cả “cạnh tranh bẩn” nên các doanh nghiệp cũng buộc phải sống chung với nó.

Đây là ý kiến được TS Lê Thẩm Dương, chuyên gia tài chính ngân hàng, đưa ra tại tọa đàm "Nói không với vu khống trục lợi trên mạng xã hội" do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 22-10.

Trả lời câu hỏi "doanh nghiệp sẽ ứng xử như thế nào nếu họ bị vu khống trên mạng xã hội?", TS Lê Thẩm Dương nhìn nhận một câu nói có thể giết chết một con người, một doanh nghiệp - theo đúng nghĩa đen - và mạng xã hội có thể "giết người" không cần dao, rất nguy hiểm.

Mạng xã hội liên quan đến 3 chủ thể: Kẻ nói, sức "chịu đòn" của người bị nói và cuối cùng là yếu tố xã hội, chế tài dư luận xã hội và quản lý nhà nước về chuyện này. Nếu doanh nghiệp gặp khủng hoảng, thực chất là quản trị khủng hoảng, khi xảy ra sự cố có thể thực hiện 3 bước: không được hoảng loạn; tốc độ phải nhanh; sai là sửa ngay.

"Đối với con người, cá nhân bị vu khống, xúc phạm, đầu tiên phải nhận thức vấn đề đó có nghiêm trọng không, nghiêm trọng đến mức nào? Nếu nghiêm trọng, chúng ta phải tin tưởng chính quyền địa phương là cánh cửa mở để giải quyết vấn đề" - TS Lê Thẩm Dương nhấn mạnh.

Thông tin trên mạng xã hội cũng được xem là chứng cứ pháp luật. Ảnh: Linh Anh

Ông Vũ Phi Long, nguyên Phó chánh Tòa Hình sự - TAND TP HCM, nêu quan điểm: Đứng về mặt pháp luật, mạng xã hội như Facebook là đời thật. Hiện nay, pháp luật đã xác định các thông tin trên Facebook, mạng xã hội gọi là dữ liệu điện tử. Đây được coi là một chứng cứ pháp luật để xử lý những người có hành vi xâm hại tự do, nhân phẩm con người, làm nhục người khác, được quy định trong Bộ Luật Hình sự.

Hành vi xâm hại, vu khống còn được xác định thông qua tin nhắn; không phải là chủ nhân của Facebook mới là xâm hại, mà cả những comment (bình luận) cũng được xác định hành vi. Kể từ 2018, các dữ liệu đó là dữ liệu điện tử dùng để chứng minh và có thể là bằng chứng xử lý hình sự.

"Những thông tin trên mạng có phải chứng cứ để xử lý về mặt pháp luật. Ngay trong điều luật đã có quy định đây là chứng cứ pháp luật và những thông tin đưa lên mạng là tình tiết tăng nặng khi tòa xử lý vụ việc" - ông Vũ Phi Long giải thích.

Theo các chuyên gia, các cơ quan chức năng cần có biện pháp kiên quyết định danh đầy đủ người dùng mạng xã hội để chủ thể đó có trách nhiệm với xã hội về thông tin mình đưa ra. Mỗi người phải có trách nhiệm với trang mạng xã hội của mình, với phát biểu, thông tin trên mạng.

Ông Lê Mạnh Hùng, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại quận Bình Thạnh (TP HCM), cho hay các văn phòng thừa phát lại có chức năng thu thập chứng cứ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức nếu có nhu cầu.

"Cá nhân, doanh nghiệp có thể đến các văn phòng thừa phát lại để lập vi bằng nếu cho rằng mình bị vu khống trên mạng xã hội. Gần đây nhất, một bệnh viện ở TP tố cáo bệnh nhân vu khống trên mạng xã hội. Bệnh viện này cũng thông qua thừa phát lại để thu thập chứng cứ trên Facebook để làm căn cứ cho tòa án xem xét giải quyết vụ án" - ông Lê Mạnh Hùng dẫn chứng.

T.Phương