Báo chí và doanh nghiệp: Chung sức, hợp lực cùng phát triển

00:00 12/10/2020

Gần đây, phát biểu trên một số diễn đàn, một thành viên của Chính phủ nhận định: Chính phủ đánh giá cao vai trò phát hiện, đồng hành của báo chí. Đánh giá như trên là hoàn toàn chính xác và thực tế, bởi lẽ lực lượng hùng mạnh của báo chí đã luôn đồng hành cùng Nhà nước, người dân và doanh nghiệp trong việc thông tin, phát hiện những tín hiệu tích cực, những cơ hội và thách thức trong môi trường kinh tế - xã hội đầy biến động hiện nay, cũng như những mặt yếu hay sai sót, vi phạm để cảnh báo và đề xuất phương án xử lý.

Nhiều năm qua, hoạt động báo chí trên cả nước phát hiện rất nhiều “điểm nóng” trên các lĩnh vực quản lý nhà nước, phản ánh kịp thời để các cơ quan có thẩm quyết xử lý, giải quyết, góp phần thúc đẩy công cuộc cải cách hành chính, tư pháp, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp. Nổi cộm là vụ Formosa xả thải gây “sự cố môi trường biển miền Trung” do báo chí phát hiện, phản ánh kịp thời- kể cả về trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường, đã thúc đẩy các cơ quan, tổ chức hữu quan phải vào cuộc, xử lý kịp thời, kể cả việc đền bù thiệt hại và bảo đảm công ăn việc làm, cuộc sống của ngư dân các tỉnh miền Trung. Hơn thế nữa, cùng với các cơ quan, tổ chức hữu quan, báo chí là một kênh rất quan trọng và hữu hiệu trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giám sát xã hội, phản biện xã hội theo tinh thần Nghị quyết liên tịch số 43/2017/UBTVQH14-CP- ĐCTUBTWMTTQVN ngày 15/06/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Chính phủ - Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về nhiệm vụ này.

Trong lĩnh vực kinh tế, báo chí luôn đi sâu, bám sát cả phạm vi vĩ mô lẫn vi mô, kịp thời thông tin, phản ánh, phân tích để thúc đẩy các cơ quan, tổ chức hữu quan xử lý, giải quyết nhằm khắc phục và tăng cường phát triển. Đặc biệt là, báo chí luôn bám sát, chia sẻ, đồng hành cùng doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực, từ kinh doanh đến quảng bá thương hiệu.

Trong bối cảnh rất nhiều mối quan hệ xã hội đa dạng và phúc tạp, nhất là khi phát hiện vụ tiêu cực ở một địa bàn nào đó hoặc một gương tốt trong thị trường đầy “giông gió” hiện nay với nhiều sự kiện nóng bỏng liên tục xẩy ra, chỗ thì thực phẩm bẩn tràn ngập thị trường, chỗ thì công nhân đình công, chỗ thì doanh nghiệp bị o ép, vòi vĩnh, nên các nhà báo phải luôn duy trì quan hệ với nhiều cơ quan hữu quan, kể các các trường học khi có vụ việc liên quan đến giáo dục, để kịp thời có bài nóng, phản ánh kịp thời cả mặt tích cực lẫn tiêu cực. Khó khăn rất lớn là khi đó nhà báo phải đủ bản lĩnh, trình độ để thực sự là những cây bút có trách nhiệm, bảo đảm cả năm tố chất cho mỗi bài viết: gọn, rõ, đủ, chính xác và dễ, bao gồm dễ đọc, dễ hiểu, dễ thấy điểm cốt lõi của sự kiện nữa. Khó nhất là bài báo đã đăng lên phải chính xác, bởi vụ việc nào cũng ẩn khuất trong cả mớ tài liệu, dầy đặc, hỗn độn, dễ bị người cung cấp thông tin gài bấy, cho nhà báo “ăn thông tin giả”.

Với số lượng gần 200 tờ báo in, gần 700 tờ tạp chí, trên 100 cơ quan báo điện tử và gần 17 ngàn nhà báo tác nghiệp, báo chí đã phát hiện và thông tin kịp thời về mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, đời sống dân cư, góp phần đáng kể vào việc biểu dương các thành tựu về kinh tế - xã hội và đẩy lùi các vi phạm, tiêu cực.

Hoạt động đầu tư, kinh doanh trong kinh tế thị trường luôn gắn với chuyện vay vốn. Chuyện chậm thanh toán, chậm trả nợ theo hợp đồng có thể là “chuyện cơm bữa” trên thương trường. Chuyện này rất dễ bị “nhà chức trách” gắn cho tội chiếm đoạt, nên ngày ngày các doanh nhân, các nhà quản trị doanh nghiệp bị rơi vào trạng thái “mất ăn, mất ngủ”, còn đâu tâm trí lo việc kinh doanh có hiệu quả và trả nợ. Đáng buồn là, hiện tại có nhiều vụ gán ghép như vậy, hay đúng hơn đó là việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự, khiến không ít doanh nhân, nhà quản trị doanh nghiệp rơi vào vòng lao lý. Ngược lại, có một số trường hợp tài sản của doanh nghiệp bị chiếm đoạt, bị hủy hoại, đã có đơn tố cáo, nhưng lại bị “lờ đi”. Đó là tình trạng dân sự hóa các vụ án hình sự. Và điều đó trở thành lực cản việc thực hiện đường lối phát triển kinh tế hàng hóa của Đảng và Nhà nước. Nhiều năm qua, nhiều nhà báo, nhiều cơ quan báo chí đã dũng cảm, kiên định trong cuộc đấu tranh chống hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự, đem lại sự “bình yên” cho không ít doanh nhân, doanh nghiệp.

Những năm tháng gần đây và nhiều năm tiếp theo nữa, công cuộc toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế đang hiện hữu với một sức ép lớn lên toàn bộ hoạt động kinh tế - văn hóa - xã hội của đất nước ta. Cho nên, bất kỳ hoạt động đầu tư - kinh doanh nào cũng đứng trước hai đòi hỏi sống còn, nhưng có tính mâu thuẫn nhau, là vừa đạt hiệu quả cao lại vừa giữ được an toàn. Các nhà đầu tư hay nhà quản lý  doanh nghiệp gặp không ít khó khăn khi phải bảo đảm đồng thời cả hai yêu cầu này, nhất là trong bối cảnh nhiều biến động về kinh tế - xã hội như hiện nay. Báo chí nói chung và những nhà báo chuyên về kinh tế nói riêng đã luôn là người đồng hành cùng các doanh nghiệp, doanh nhân trên mỗi chặng đường, nhằm trợ giúp các doannh nhân, doanh nghiệp trong công cuộc hội nhập và phát triển. Rất nhiều bài báo, trang báo đã góp sức lan truyền thông tin, kiến thức khoa học - kinh tế - pháp luật phục vụ sản xuất, kinh doanh; chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp để quảng bá và bảo vệ an toàn thương hiệu, sản phẩm của doanh nghiệp; góp phần tháo gỡ vướng mắc, trao đổi liên kết - hợp tác trong hoạt động đầu tư, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Mặt khác, chính các trang báo hiện nay cũng là diễn  đàn để các doanh nhân, các nhà quản trị doanh nghiệp có tiếng nói của mình nhằm trao đổi, giới thiệu về hoạt động của bản thân, của doanh nghiệp mình, với những khó khăn, kinh nghiệm thành công hay thất bại, những bài học rút ra từ thực tiễn, những đề xuất về chính sách, pháp luật phù hợp hay kiến nghị về hợp tác, liên kết trong cùng ngành hay khu vực.

Các phóng viên tác nghiệp tại buổi họp báo Giải golf tranh Cup Doanh nghiệp & hội nhập

Rõ ràng là, trong suốt chặng đường đã qua và cả chẳng đường sắp tới đây, báo chí đã luôn đồng hành cùng doanh nghiệp và các doanh nhân, đồng thời các doanh nghiệp cũng luôn gần gũi, chia sẻ với báo chí trong các hoạt đông kinh doanh hay các hoạt động cộng đồng. Điều đó đã tạo ra hợp lực cho sự tăng trưởng và phát triển của mỗi bên.

Trong bối cảnh hiện nay, khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được 11 nước thành viên, trong đó có Việt Nam, ký kết vào ngày 8/3 tại Santiago - Chile. Hiệp định CPTPP được coi là một hiệp định thương mại tự do (FTA) tiêu chuẩn cao, không chỉ đề cập tới các lĩnh vực truyền thống, như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại… mà còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống, như lao động, môi trường, mua sắm của Chính phủ, doanh nghiệp Nhà nước… Ngoài ra, Hiệp định CCPTPP đặt ra các yêu cầu và tiêu chuẩn cao về minh bạch hóa cũng như đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc và chặt chẽ. Đó có thể xem như một động lực cải cách thể chế kinh tế Việt Nam thì càng cần sự đồng hành nhiều hơn giữa doanh nghiệp và báo chí để tạo hợp lực mới cho sự phát triển trong bối cảnh mới.

Rõ ràng là, trong suốt chặng đường đã qua và cả chặng đường sắp tới đây, báo chí đã luôn đồng hành cùng doanh nghiệp và các doanh nhân, đồng thời các doanh nghiệp cũng luôn gần gũi, chia sẻ với báo chí trong các hoạt động kinh doanh hay các hoạt động cộng đồng, điều đó đã tạo ra hợp lực cho sự tăng trưởng và phát triển của mỗi bên.

Thành công hay thất bại của các doanh nhân, doanh nghiệp trong chặng đường mới đầy biến động hiện nay luôn có sự phản ánh, tiếp sức của báo chí và ngược lại, mỗi thành công báo chí luôn gắn với các thành tựu và hiệu quả về kinh tế - xã hội của đất nước. 

 Luật gia Phan Văn Tân