Tuyến đường xóm Khe Chum, thôn Đèo Thao, xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình có chiều dài 700 mét trước kia chỉ là con đường mòn nhỏ, đi lại khó khăn thì nay đã được bê tông hóa khang trang, sạch đẹp. Được biết, đây là tuyến đường nhỏ của 5 hộ gia đình và 20 hộ thường xuyên đi lại lao động sản xuất nông nghiệp trồng lúa, làm nương. Trước kia, vào những hôm trời mưa bà con nhân dân đi lại rất vất vả, đã có nhiều người chở lúa, chở khoai bị ngã; trẻ con đi học rất khó khăn, vất vả, mong muốn có một tuyến đường bê tông sạch đẹp là mơ ước của những người dân nơi đây.
Nắm bắt được nhu cầu thực tế của người dân, huyện Yên Bình đã hỗ trợ xi măng, cát, sỏi để làm tuyến đường này. Cùng với đó, chính quyền xã, thôn đã tích cực tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của tỉnh, của huyện trong làm đường giao thông nông thôn để người dân hiểu rõ và nắm bắt được các chính sách đầu tư của nhà nước, từ đó vận động nhân dân cùng chung tay, góp sức tổ chức triển khai thực hiện. Cuối tháng 3/2023, tuyến đường đã được bê tông hóa, đáp ứng niềm mong mỏi của người dân nơi đây. Bà Hà Thị Tú Anh, dân tộc Dao, thôn Đèo Thao, xã Tân Nguyên phấn khởi cho biết: “Từ trước đến nay, chúng tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ làm được đường bê tông to đẹp như thế này để đi, nhờ có lãnh đạo huyện, lãnh đạo xã hỗ trợ mà ước mơ của cả thôn đã trở thành hiện thực. Giờ có đường bê tông việc đi lại thuận lợi hơn rất nhiều, giúp tạo điều kiện cho việc giao thương phát triển kinh tế, các cháu nhỏ đi học cũng đỡ vất vả hơn nhiều”.
Cùng với tuyến đường xóm Khe Chum, thôn Đèo Thao, xã Tân Nguyên, tuyến đường trung tâm của thôn Hương Lý, xã Đại Đồng dài hơn 250m đã được hoàn thành từ nguồn xã hội hóa với tổng kinh phí 50 triệu đồng, nhà nước hỗ trợ xi măng và san gạt mặt bằng, còn lại nhân dân đóng góp kinh phí và ngày công lao động. Với việc mở rộng tuyến đường từ 3,5m lên 5m và được bê tông hóa đã giúp người dân đi lại thuận tiện, giao thương dễ dàng. Chị Nguyễn Thị Hải, thôn Hương Lý, xã Đại Đồng, huyện Yên Bình phấn khởi cho biết: “Khi chưa được mở rộng, tuyến đường này rất nhỏ, đi lại khó khăn. Bây giờ, tuyến đường đã được mở rộng nên việc đi lại thuận tiện hơn nhiều. Người dân chúng tôi phấn khởi lắm!”.
Xác định phát triển giao thông nông thôn chính là yếu tố quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, hàng năm huyện Yên Bình đều xây dựng kế hoạch rất cụ thể, chi tiết để vận động nhân dân ủng hộ, cùng với sự hỗ trợ của nhà nước tập trung phát triển hệ thống đường giao thông nông thôn. Đặc biệt, huyện đã tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động dưới nhiều hình thức để khơi lên nguồn lực trong dân. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, bằng nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng phong phú với phương châm mưa dầm thấm lâu, trong đó lấy tinh thần của cán bộ đảng viên đi trước, mặc dù sự hỗ trợ của nhà nước rất ít nhưng với sự đồng thuận của người dân từ vùng thấp đến vùng cao mọi người đều thi đua sôi nổi làm đường giao thông. Người có nhiều góp nhiều, người có ít góp ít. Bà con sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân, không tiếc công, tiếc của đóng góp làm đường. Chính những tấm lòng rộng mở ấy đã truyền cảm hứng lan tỏa phong trào làm đường giao thông nông thôn phát triển rộng khắp các làng quê của huyện.
Thực hiện Đề án kiên cố hóa giao thông nông thôn, với sự đồng thuận, ủng hộ, vào cuộc hiệu quả của nhân dân, từ năm 2011 đến nay, huyện Yên Bình đã bê tông hóa trên 630 km đường giao thông nông thôn (trong đó có 50km được mở rộng lên 5,0m); mở mới được 32,5km đường đất, góp phần kiên cố hóa gần 90% hệ thống giao thông nông thôn, với tổng nguồn lực đầu tư gần 900 tỷ đồng. Để xây dựng nông thôn mới, trong 3 năm gần đây, mỗi năm huyện Yên Bình đã huy động đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào phát triển giao thông nông thôn. Chỉ tính riêng năm 2023, toàn huyện đã có trên 2.000 hộ gia đình, cá nhân tham gia hiến gần 72.000m2 đất, hoa màu và nhiều công trình kiến trúc trên đất để thực hiện 22 dự án về làm đường giao thông, xây dựng các công trình công cộng, phục vụ xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; đóng góp hàng chục tỷ đồng và hàng nghìn công lao động để mở rộng, bê tông hóa trên 150 km đường giao thông. Ông Vi Minh Thư, thôn Trại Máng, xã Vũ Linh cho biết: “Khi nhà nước có chủ trương làm tuyến đường liên xã Vũ Linh - Bạch Hà, gia đình tôi đã được cán bộ xã, thôn tuyên truyền, vận động. Nhận thấy việc mở rộng, nâng cấp giao thông là chủ trương đúng đắn, là việc làm cần thiết nên gia đình tôi đã tự nguyện hiến đất để làm đường; không những thuận lợi cho gia đình chúng tôi mà còn cả cho đời con cháu nữa”.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung sức đồng thuận của nhân dân các dân tộc trong huyện, đến nay Yên Bình đã cơ bản hoàn thiện hệ thống đường giao thông. Trong giai đoạn 2020 - 2023, toàn huyện đã thực hiện được tổng số gần 500km đường giao thông nông thôn với tổng mức đầu tư gần 450 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước trên 270 tỷ đồng; số tiền huy động hợp pháp và nhân dân đóng góp đạt gần 180 tỷ đồng. Riêng 5 tháng đầu năm 2024, phong trào làm đường giao thông nông thôn tiếp tục được lan toả mạnh mẽ ở huyện Yên Bình với gần 41km đường giao thông nông thôn được bê tông hoá, đã góp phần làm thay đổi diện mạo, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội ở các xã trên địa bàn huyện. Không những được mở rộng theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, những tuyến đường giao thông nông thôn ở khắp các xã trên địa bàn huyện Yên Bình ngày càng đẹp hơn, rực rỡ hơn bởi sắc màu của những loại hoa, cây xanh; trên các tuyến đường còn được lắp đặt hệ thống biển báo giao thông, điện thắp sáng… Các xã, thị trấn trên địa bàn huyện cũng tích cực triển khai thực hiện “Ngày cuối tuần cùng dân”; xây dựng các tuyến đường tự quản, nhà sạch, đường đẹp… Nhờ đó mà diện mạo nông thôn trên khắp các miền quê của huyện Yên Bình đã đổi thay rõ nét. Người dân thực sự hài lòng, hạnh phúc với những thành quả đã đạt được từ chương trình mang lại và đang cùng nhau tô điểm cho những con đường ngày càng đẹp hơn, sạch hơn góp phần đưa huyện Yên Bình về đích huyện nông thôn mới trong năm 2023, sớm hơn 2 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đã đề ra.
Phát huy những kết quả đã đạt được, để tiếp tục phát triển hệ thống giao thông trên địa bàn, thời gian tới huyện Yên Bình sẽ tiếp tục huy động tối đa các nguồn lực đầu tư, xây dựng và hoàn thiện hệ thống giao thông, các tuyến đường nội thị và kết nối với hồ Thác Bà. Đầu tư nâng cấp một số tuyến đường cấp huyện theo quy hoạch. Phấn đấu mỗi năm kiên cố hóa được trên 50 km đường giao thông nông thôn và mở rộng các tuyến đường sẵn có để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Hạnh Nguyên