Tính đến hết tháng 6/2024, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn đạt 5.284 tỷ đồng, tăng 416,8 tỷ đồng (+8,6%) so với cuối năm 2023 với 87.083 hộ nghèo và đối tượng chính sách còn dư nợ. Đến nay, các tổ chức chính trị - xã hội làm ủy thác đang quản lý 2.328 tổ tiết kiệm và vay vốn.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh đã phối hợp tốt với các tổ chức chính trị xã hội làm ủy thác thực hiện cho vay 977 tỷ đồng, cao hơn so với cùng kỳ năm 2023 là 209 tỷ đồng, với 17.279 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn. Doanh số cho vay chủ yếu tập trung vào một số chương trình: hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo 200 tỷ đồng; tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm 155 tỷ đồng; nước sạch vệ sinh môi trường 39 tỷ đồng, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn 30 tỷ đồng; người chấp hành xong án phạt tù 4,8 tỷ đồng; nhà ở xã hội 8,7 tỷ đồng.
Để công tác ủy thác cho vay đạt hiệu quả cao, Ngân hàng CSXH tỉnh tập huấn cho cán bộ hội phụ trách hoạt động ủy thác và các tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn về kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý tín dụng, kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện và phòng ngừa rủi ro; hướng dẫn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả. Đồng thời để nâng cao trình độ quản lý vốn vay của cán bộ Hội cấp cơ sở và Ban quản lý tổ Tiết kiệm và vay vốn, hàng năm các cấp Hội đã phối hợp với Ngân hàng CSXH tập huấn cho 100% cán bộ Hội cơ sở, Ban quản lý tổ Tiết kiệm và vay vốn về kỹ năng lập hồ sơ, sổ sách, kỹ năng quản lý nguồn vốn nhận ủy thác, công tác kiểm tra giám sát, trao đổi về những khó khăn, vướng mắc thường gặp phải trong quản lý nguồn vốn. Nhờ đó, các tổ chức này đã sử dụng nguồn vốn ủy thác một cách hiệu quả, góp phần cải thiện đời sống của hộ gia đình, đặc biệt là những hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách.
Đơn cử như Hội Phụ nữ tỉnh, tính hết tháng 6/2024, dư nợ cho vay của Hội phụ nữ tỉnh đạt 1.647 tỷ đồng, chiếm 31,2% tổng dự nợ. Thông qua nguồn vốn ủy thác từ Ngân hàng CSXH, hội viên, phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã tiếp cận để đầu tư, mở rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh.
Gia đình chị Phạm Thị Toan, Chi hội thôn Hơn, xã Thịnh Hưng là một trong những hội viên phụ nữ đã vươn lên thoát nghèo nhờ vốn vay tín dụng chính sách. Năm 2016, chị Toan được vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện để mua cây giống về trồng rừng và mua gia cầm về nuôi. Nhờ chăm chỉ làm ăn và biết quay vòng đồng vốn, nên sau 5 năm, gia đình chị đã trả hết nợ và vay thêm 50 triệu đồng để tiếp tục mở rộng quy mô phát triển kinh tế gia đình. Đến nay, gia đình chị Toan đã có 2 ha đồi rừng, 7 con bò và hàng trăm con gia cầm, thu nhập mỗi năm đạt gần 200 triệu đồng.
Cũng như gia đình chị Toan, chị Phạm Thị Dịu ở thôn Hương Lý, xã Đại Đồng làm nghề ươm cây giống lâm nghiệp. Trước đây do còn khó khăn về vốn, gia đình chị chỉ sản xuất quy mô nhỏ, manh mún, thu nhập không đáng kể. Song từ khi được tiếp cận nhiều nguồn vốn, trong đó có nguồn vốn chính sách của Ngân hàng CSXH huyện, chị Dịu đã mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất và đến nay, gia đình chị cùng với một số hộ gia đình khác đã thành lập được Tổ hợp tác ươm cây giống, quy mô sản xuất 3 triệu cây giống/năm, góp phần giúp kinh tế gia đình chị khấm khá nhiều hơn trước.
Theo bà Phan Thanh Yên - Chủ tịch Hội LHPN huyện Yên Bình, bên cạnh công tác phối hợp giải ngân nguồn vốn đến các hội viên phụ nữ thì việc kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác được thực hiện chặt chẽ, đảm bảo nguồn vốn được đến đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích và hiệu quả.
Trong thời gian qua, cùng với thực hiện tốt vai trò ủy thác cho vay tín dụng chính sách, Hội LHPN huyện Yên Bình còn tuyên truyền, vận động được 6.787 hội viên phụ nữ gửi tiết kiệm thông qua Tổ tiết kiệm vay vốn với tổng số tiền trên 11 tỷ đồng để có nguồn dự phòng khi cần thiết và đầu tư phát triển kinh tế.
Được biết, toàn Hội hiện có 45 mô hình điển hình phụ nữ làm kinh tế có thu nhập 100 triệu đồng trở lên/năm và 15 mô hình phụ nữ điển hình mới có thu nhập từ 300 triệu đồng trở lên/năm.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động ủy thác, thời gian tới Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh Yên Bái và các phòng giao dịch cấp huyện tiếp tục thực hiện tốt công tác tham mưu, triển khai thực hiện kế hoạch tín dụng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao năng lực quản lý và sử dụng vốn vay; đồng thời thực hiện tốt công tác trao đổi thông tin giúp các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác chấn chỉnh, xử lý kịp thời những khó khăn vướng mắc tại cơ sở để nguồn vốn ủy thác được sử dụng một cách hiệu quả hơn; thực hiện tốt công tác giảm nghèo, ổn định sản xuất và phát triển sinh kế cho người dân trên địa bàn tỉnh.
P.V (T/h)