Ý kiến trao đổi về thuật ngữ “thanh lý hợp đồng”

15:46 08/03/2021

Trong thực tiễn giao dịch kinh doanh thương mại thuật ngữ pháp lý “thanh lý hợp đồng” vẫn được các doanh nghiệp sử dụng thường xuyên, và vẫn xuất hiện rải rác trong các luật chuyên ngành sau khi Pháp lệnh hợp đồng kinh tế hết hiệu lực.

(Ảnh: Internet)

Mặc dù Pháp lệnh hợp đồng kinh tế ngày 29 tháng 9 năm 1989 hết hiệu lực kể từ ngày Bộ Luật dân sự 2005 có hiệu lực vào ngày 01/01/2006, nhưng hiện nay trong thực tiễn giao dịch kinh doanh thương mại thuật ngữ pháp lý “thanh lý hợp đồng” vẫn được các doanh nghiệp sử dụng thường xuyên, và vẫn xuất hiện rải rác trong các luật chuyên ngành sau khi Pháp lệnh hợp đồng kinh tế hết hiệu lực.

Nhìn lại các văn bản pháp quy về hợp đồng kinh tế đã hiệu lực từ ngày 31/12/2005 trở về trước, thuật ngữ “thanh lý hợp đồng” được đề cập thường xuyên và là nội dung quan trọng trong việc giao kết, thực hiện và giải quyết hợp đồng kinh tế. Pháp lệnh hợp đồng kinh tế 1989 có chương 3 quy định về việc “thực hiện, thay đổi, đình chỉ thanh lý hợp đồng kinh tế”. Điều 28 của pháp lệnh quy định các bên giao kết hợp đồng kinh tế phải cùng nhau thanh lý hợp đồng kinh tế trong trường hợp: (1) Hợp đồng kinh tế được thực hiện xong; (2) Thời hạn có hiệu lực của hợp đồng kinh tế đã hết và không có sự thoả thuận kéo dài thời hạn đó; (3) Hợp đồng kinh tế bị đình chỉ thực hiện hoặc huỷ bỏ; (4) Khi hợp đồng kinh tế không được tiếp tục thực hiện do người nhận chuyển giao không đủ điều kiện thực hiện hợp đồng kinh tế được chuyển giao thì yêu cầu bên chuyển giao phải thanh lý hợp đồng kinh tế trước khi nhận chuyển giao. Trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, bên có quan hệ hợp đồng kinh tế với bên chuyển giao có quyền yêu cầu thanh lý hợp đồng kinh tế bằng văn bản. Trong thời hạn đó, nếu không có yêu cầu thanh lý hợp đồng kinh tế thì việc chuyển giao hợp đồng kinh tế coi như đã được chấp nhận. Nghị định 17-HĐBT hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh hợp đồng kinh tế còn quy định về trách nhiệm, thời hạn thanh lý hợp đồng kinh tế; Việc thanh lý hợp đồng kinh tế phải được làm bằng văn bản riêng, trong đó cần có những nội dung chính sau đây: a) Xác nhận mức độ thực hiện nội dung công việc đã thoả thuận trong hợp đồng của các bên, từ đó xác định nghĩa vụ của các bên sau khi thanh lý hợp đồng; Từ thời gian các bên đã ký vào biên bản thanh lý, quan hệ hợp đồng kinh tế đó coi như đã được chấm dứt. Riêng quyền và nghĩa vụ của mỗi bên được xác nhận trong biên bản thanh lý vẫn có hiệu lực pháp luật cho đến khi các bên hoàn thành nghĩa vụ của mình. Cơ quan giải quyết về yêu cầu thanh lý hợp đồng kinh tế là trọng tài kinh tế nhà nước.

Thuật ngữ hợp đồng kinh tế và thanh lý hợp đồng không còn xuất hiện trong phần thứ 3 “Nghĩa vụ dân sự và hợp đồng dân sự” của Bộ Luật dân sự 2005 (hết hiệu lực từ ngày 01/01/2017), và cũng không xuất hiện trong phần thứ 3 “Nghĩa vụ và hợp đồng” của Bộ luật dân sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2017). Theo Bộ luật dân sự 2015, nội dung thanh lý hợp đồng được thay thế bởi các chế định chấm dứt hợp đồng, hủy bỏ hợp đồng, hủy bỏ hợp đồng do chậm thực hiện nghĩa vụ, hoặc do không có khả năng thực hiện, hoặc trong trường hợp tài sản bị mất, bị hư hỏng, và đơn phương chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên thuật ngữ thanh lý hợp đồng vẫn xuất hiện rải rác trong các luật chuyên ngành được dẫn chiếu dưới đây:

Luật thương mại 2005, khoản 2 Điều 181 về Quyền và nghĩa vụ của bên đặt gia công quy định bên giao gia công phải “nhận lại toàn bộ sản phẩm gia công, máy móc, thiết bị cho thuê hoặc cho mượn, nguyên liệu, phụ liệu, vật tư, phế liệu sau khi thanh lý hợp đồng gia công, trừ trường hợp có thoả thuận khác.”; Tại khoản 3 điều 231 về Bảo đảm thực hiện hợp đồng quy định: “3. Trừ trường hợp có thoả thuận khác, bên trúng thầu được nhận lại tiền đặt cọc, ký quỹ bảo đảm thực hiện hợp đồng khi thanh lý hợp đồng. Bên trúng thầu không được nhận lại tiền đặt cọc, ký quỹ bảo đảm thực hiện hợp đồng nếu từ chối thực hiện hợp đồng sau khi hợp đồng được giao kết”.

Luật xây dựng 2014, điểm o khoản 1 điều 141 quy định nội dung hợp đồng xây dựng bao gồm: …“o) Quyết toán và thanh lý hợp đồng xây dựng”. Tại điều 147. Quyết toán, thanh lý hợp đồng xây dựng quy định:

“3. Hợp đồng xây dựng được thanh lý trong trường hợp sau: a) Các bên đã hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng; b) Hợp đồng xây dựng bị chấm dứt hoặc hủy bỏ theo quy định của pháp luật.

4. Thời hạn thanh lý hợp đồng xây dựng do các bên hợp đồng thỏa thuận. Đối với hợp đồng xây dựng sử dụng vốn nhà nước, thời hạn thanh lý hợp đồng là 45 ngày kể từ ngày các bên hợp đồng hoàn thành các nghĩa vụ theo hợp đồng hoặc hợp đồng bị chấm dứt theo quy định tại khoản 2 Điều 145 của Luật này. Đối với hợp đồng xây dựng có quy mô lớn, việc thanh lý hợp đồng có thể được kéo dài nhưng không quá 90 ngày”.

Luật doanh nghiệp 2020, điều 208 quy định nghị quyết, quyết định giải thể của doanh nghiệp phải bao gồm thủ tục thanh lý hợp đồng.

Luật đầu tư 2020 tại khoản 5 điều 77 về quy định chuyển tiếp quy định: “5. Hợp đồng cung cấp dịch vụ đòi nợ ký kết trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành chấm dứt hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành; các bên tham gia hợp đồng được thực hiện các hoạt động để thanh lý hợp đồng cung cấp dịch vụ đòi nợ theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan”.

Luật đầu tư theo hình thức đối tác công tư 2020, điều 52 Chấm dứt hợp đồng dự án PPP: “1. Việc chấm dứt hợp đồng dự án PPP thực hiện theo quy định tại hợp đồng, làm cơ sở cho việc thanh lý hợp đồng”.

Luật người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006 (hết hiệu lực ngày 1/1/2022). Khoản 7 Điều 4 về nội dung hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài bao gồm: “Thanh lý hợp đồng giữa doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp và người lao động đi làm việc ở nước ngoài;”. Ngoài ra Luật này cũng quy định về tiền ký quỹ của người lao động tại Điều 23 như sau: “3.Tiền ký quỹ của người lao động được hoàn trả cả gốc và lãi cho người lao động khi thanh lý Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài”.

Với chế định sửa đổi, chấm dứt hợp đồng tại Bộ Luật dân sự 2015 và quy định liên quan “thanh lý hợp đồng” tại các luật chuyên ngành nêu trên, người viết mong muốn doanh nghiệp nhận diện được rủi ro trong việc xây dựng các điều khoản về sửa đổi, chấm dứt hợp đồng, có được “cái kết” với lợi ích tốt nhất khi thực hiện hoàn thành quyền và nghĩa vụ của mình trong hợp đồng, phù hợp với quy định pháp luật đang có hiệu lực.

Luật sư Bùi Văn Thành – Trưởng Văn phòng Luật sư Mặt Trời Mới