Xuất khẩu sầu riêng "chạy nước rút": Đẩy mạnh sản xuất sạch để giữ vững thị trường |
Gần 1.000 mã số mới được thông qua
Theo thông tin từ Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), ngày 21/5, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã chính thức cập nhật danh sách mã số mới cho sầu riêng Việt Nam, gồm 829 mã số vùng trồng và 131 mã số cơ sở đóng gói. Như vậy, tính đến thời điểm này, Việt Nam có tổng cộng 1.396 mã số vùng trồng và 188 cơ sở đóng gói được Trung Quốc chấp thuận cho phép xuất khẩu chính ngạch.
Động thái tích cực từ phía GACC diễn ra ngay trước thềm chính vụ thu hoạch sầu riêng vào tháng 7 tới. Đây được xem là "cú hích" kịp thời, mở ra dư địa lớn hơn cho việc gia tăng sản lượng và giá trị xuất khẩu sang thị trường trọng điểm, nơi vốn chiếm đến 90% sản lượng sầu riêng xuất khẩu của Việt Nam
Dù được mở rộng cơ hội nhưng việc giữ được quyền xuất khẩu không dễ dàng, bởi thực tế cho thấy vẫn còn những vùng trồng và cơ sở đóng gói từng bị đình chỉ do vi phạm quy trình kỹ thuật, không cập nhật nhật ký canh tác hoặc kê khai sản lượng sai lệch. Cụ thể, tính đến trước ngày 21/5, có 141 vùng trồng và 111 cơ sở đóng gói bị tạm dừng hoạt động do phát hiện sai phạm trong quá trình xuất khẩu.
Đây là lời cảnh tỉnh cho các địa phương và doanh nghiệp, những hành vi gian dối như mượn mã số, ghi sai nhật ký hay sử dụng hóa chất không đúng quy định có thể khiến cả vùng sản xuất bị trả hàng, thậm chí bị loại khỏi hệ thống xuất khẩu.
![]() |
Xuất khẩu sầu riêng Việt “tăng tốc” nhờ gần 1.000 mã số cấp mới |
Về vấn đề này, đại diện Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật nhấn mạnh, giữ vững từng mã số vùng trồng không còn là lựa chọn mà là điều kiện sống còn của doanh nghiệp. Chỉ cần một sai sót nhỏ về dư lượng hóa chất hay truy xuất nguồn gốc, cả vùng trồng có thể bị đình chỉ.
Tính đến cuối năm 2024, tổng diện tích sầu riêng cả nước đã đạt gần 180.000 ha, sản lượng ước khoảng 1,5 triệu tấn, tăng mạnh so với giai đoạn trước. Tuy nhiên, theo định hướng từ nay đến năm 2030, ngành nông nghiệp sẽ không tiếp tục chạy theo diện tích mà tập trung nâng cao chất lượng, tính minh bạch và độ tin cậy của chuỗi sản xuất.
Ngoài Trung Quốc, sầu riêng Việt hiện đã có mặt tại hơn 20 thị trường khác như Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc), Đài Loan, Hàn Quốc, EU, Thụy Sỹ… Dù vậy, phần lớn các thị trường này đều áp dụng hàng rào kỹ thuật rất nghiêm ngặt từ quy trình canh tác, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đến khả năng truy xuất nguồn gốc đầy đủ và minh bạch.
Mã số - từ công cụ quản lý đến tài sản thương hiệu
Nghị định thư về kiểm dịch thực vật cho sầu riêng tươi giữa Việt Nam và Trung Quốc ký ngày 11/7/2022 quy định rõ: Chỉ sầu riêng từ các vùng trồng và cơ sở đóng gói được đăng ký và phê duyệt mới đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc. Vì vậy, mã số vùng trồng giờ đây không đơn thuần là giấy thông hành mà còn là tài sản và thương hiệu gắn liền với từng doanh nghiệp từng địa phương.
Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, đã xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về mã số vùng trồng và xuất khẩu nông sản giúp theo dõi và cập nhật toàn bộ chuỗi sản xuất từ diện tích, sản lượng, thời vụ đến liên kết sản xuất – đóng gói – xuất khẩu. Khi lô hàng đến cửa khẩu, cơ quan kiểm dịch có thể đối chiếu trực tiếp với hệ thống, đảm bảo kiểm soát chặt chẽ và minh bạch. Chỉ những lô hàng khai báo đầy đủ, đúng thực tế và đúng mã số phê duyệt mới được phép xuất khẩu theo đúng quy định.
Việc được GACC phê duyệt thêm gần 1.000 mã số mới là một tín hiệu tích cực cho ngành sầu riêng Việt Nam. Song song với niềm vui ấy là những trách nhiệm ngày càng nặng nề từ việc tuân thủ quy trình sản xuất đến xây dựng vùng trồng có liên kết, minh bạch và truy xuất được nguồn gốc rõ ràng.
Theo giới chuyên gia, nếu muốn phát triển bền vững, không thể chỉ dựa vào số lượng mã số hay diện tích trồng, mà phải bằng chất lượng thực tế trên từng quả sầu riêng, thứ mà thị trường đang ngày càng soi xét kỹ lưỡng hơn bao giờ hết. |