Ảnh minh họa
Thị trường xuất khẩu phân hóa rõ nét
Theo thống kê sơ bộ vừa được Tổng cục Hải quan công bố, trong tháng 6/2020, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt trên 22,56 tỷ USD, tăng tới 17,6% so với tháng trước. Con số này vượt xa dự báo đạt 21 tỷ USD do Tổng cục Thống kê đưa ra cuối tháng trước. Với tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đang tăng đều lên qua từng tháng (tháng 6 tăng 17,6%; tháng 5 tăng 9,1%), nếu giữ được nhịp độ phục hồi kinh tế thì xuất khẩu đang có dư địa phát triển tốt hơn trong những tháng cuối năm.
Theo Bộ Công thương, thị trường xuất khẩu của Việt Nam đang có xu hướng phân hoá khá rõ nét. Cụ thể, các thị trường lớn và truyền thống như Trung Quốc và Mỹ tăng trưởng tương đối tốt, tương ứng mức 17,4% và 10,3% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường CPTPP và một số nước khác cũng tăng trưởng dương. Còn tăng trưởng âm đang tập trung vào ASEAN, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU). Đây cũng là những điểm cần lưu ý trong định hướng lớn về xuất khẩu và hội nhập thời gian tới.
Tuy nhiên, như Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đánh giá, 6 tháng cuối năm vẫn những thách thức lớn khi đại dịch Covid-19 chưa có hồi kết và rất phức tạp, do đó tới đây vấn đề thị trường xuất khẩu sẽ rất khó khăn. Cùng với đó là câu chuyện của bảo hộ mậu dịch gây khó khăn cho DN Việt Nam tiếp cận thị trường.
Để khơi thông dòng chảy xuất khẩu, theo ông Trần Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ Công thương, cơ quan này sẽ bảo đảm xử lý tập trung các vấn đề tồn đọng với các thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam. Với thị trường Hoa Kỳ, tập trung xử lý các tồn tại về thương mại, dịch vụ, thương mại hàng hóa. Với thị trường Trung Quốc, đẩy nhanh việc mở cửa thị trường này với một số sản phẩm, nhất là nông nghiệp.
Đồng thời, Bộ Công thương sẽ cùng Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng các địa phương Trung Quốc tạo điều kiện cho thông quan hàng hóa đặc biệt là nông sản, trái cây. Tiếp nữa là xử lý tốt câu chuyện đấu tranh chống gian lận xuất xứ. Đây là nội dung trọng tâm trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn thời gian tới, nhất là liên quan đến Hiệp định EVFTA sẽ có hiệu lực từ 1/8/2020.
Bảo đảm xử lý tập trung các vấn đề tồn đọng
Đối với thị trường Hoa Kỳ, quan trọng nhất là bám sát diễn biến tình hình bầu cử, tình hình dịch bệnh và tình hình Hoa Kỳ tiếp nhận yêu cầu điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với lốp xe ô tô và khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế đối với gỗ dán và thép tấm của Việt Nam để có phương án xử lý phù hợp. Đặc biệt là cần tập trung quan tâm giải quyết dứt điểm một số vấn đề về thương mại dịch vụ hiện đang còn vướng mắc theo đề nghị của phía Hoa Kỳ. Cụ thể đó là các vấn đề tồn tại trong việc sửa đổi quy định pháp luật về an ninh mạng, kinh tế số, thông tin, truyền thông, quảng cáo…
Đối với thị trường châu Âu, Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và Dịch vụ, Tổng cục Thống kê Nguyễn Việt Phong cho hay, trong 6 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu hàng hoá từ Việt Nam sang EU đã giảm 8,8%. Đặt con số này trong bối cảnh EVFTA sắp được thông qua cho thấy đây là điều rất đáng tiếc. Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này trong năm 2019 chỉ chiếm 17,5% tổng kim ngạch của Việt Nam, cho thấy dư địa để hàng Việt Nam sang EU còn rất nhiều và có thể đẩy mạnh ngay trong 6 tháng cuối năm khi EVFTA có hiệu lực.
Song thách thức trước mắt cũng không nhỏ khi EU là thị trường khó tính, nên các yêu cầu về rào cản kỹ thuật, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc với nông sản hay những quy tắc xuất xứ với các sản phẩm dệt may, da giày… phải được tuân thủ nghiêm ngặt. Cùng với đó là sức ép cạnh tranh với hàng hoá của EU, thách thức trước các biện pháp phòng vệ thương mại.
Do đó, Bộ Công thương và các bộ, ngành cần tập trung cao vào công tác triển khai thực thi EVFTA để khai thác có hiệu quả lợi ích từ hiệp định này đem lại. Trước mắt cần hoàn thiện và trình Chính phủ xem xét thông qua Kế hoạch hành động của Chính phủ về thực thi EVFTA để kịp thời ban hành ngay tại thời điểm hiệp định này có hiệu lực; chuẩn bị các điều kiện cần thiết, chủ động triển khai các kế hoạch, giải pháp xuất khẩu hàng hoá sang thị trường EU sau khi EVFTA có hiệu lực. Cùng với đó là tăng cường công tác phổ biến, hướng dẫn cho các địa phương và cộng đồng DN về EVFTA.
Lan Hương