Là xã tái định cư của khu vực lòng hồ Thuỷ điện Bản Vẽ, sau gần 20 năm về vùng đất mới, được sự quan tâm kịp thời của Đảng, Nhà nước và hơn hết là nỗ lực của chính bản thân mình, đời sống của nhân dân tại xã Ngọc Lâm và Thanh Sơn ở huyện miền núi Thanh Chương (Nghệ An) đã thực sự khởi sắc...
Đổi thay trên vùng đất tái định cư…
Trong thời khắc chuẩn bị bước sang năm mới Giáp Thìn, chúng tôi đã có mặt tại xã Ngọc Lâm. Từ đường Hồ Chí Minh rẽ vào, cách chưa đầy 10km, những đồi keo, đồi chè xanh mướt đã hiện ra trước mặt, hút hết vào tầm mắt. Ít ai biết rằng, cách đây gần 20 năm, khu vực này được xem là vùng núi hoang vu thuộc các xã Thanh Hương và Thanh Thịnh, nằm phía Tây Nam của huyện Thanh Chương.
Thực hiện chiến lược phát triển Điện lực Quốc gia giai đoạn 2005 -2015, Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ đã được khởi công xây dựng trên dòng sông Nậm Nơn thuộc địa phận huyện Tương Dương (Nghệ An). Để hoàn thành và bàn giao mặt bằng lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ đúng tiến độ, bắt đầu từ năm 2006, lần lượt người dân các xã Kim Tiến, Luân Mai, Hữu Dương, Hữu Khuông của huyện Tương Dương đã di dời đến vùng đất thuộc các xã Thanh Hương, Thanh Thịnh để lập nên xã mới Ngọc Lâm và bắt đầu cho việc xây dựng cuộc sống mới.
Sau những bỡ ngỡ, khó khăn, chật vật ban đầu khi phải thay đổi môi trường sống vốn đã gắn bó từ nhiều đời, bằng sự quan tâm kịp thời của Đảng, Nhà nước, các chính sách an sinh xã hội, sự quan tâm của Ban quản lý dự án Thủy điện 2 (nay là Công ty Thủy điện Bản Vẽ) và sự nỗ lực của người dân, cuộc sống nơi vùng đất tái định cư này đã có những bước phát triển không ngừng.
Chúng tôi ghé vào nhà vợ chồng anh Lương Văn Hoài và chị Lô Thị Đa tại bản Tân Lâm, xã Ngọc Lâm. Sau gần 20 năm di dời đến nơi ở mới, gia đình anh chị đã nhạy bén tiếp cận với cuộc sống trên vùng đất tái định cư một cách hiệu quả, trở thành hình mẫu cho nhiều người dân trong bản noi theo. Chị Đa cho biết, ban đầu khi phải xa quê thì ai cũng buồn, nhưng xuống đây gần với trung tâm, đường sá đi lại thuận tiện, con cái học hành thuận lợi nên ai cũng mừng. Còn cơ sở vật chất như điện, đường, trường, trạm đều sát bên nhà, muốn ra thị trấn hay xuống Vinh cũng chỉ mất hơn 1 tiếng đồng hồ, không phải lặn lội xa xôi như trước nên nhân dân được tiếp cận với nhiều cái mới hơn.
Gia đình chị Đa có 3 người con, người con gái lớn sau khi học xong cấp 3 đã đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan, hiện đã lập gia đình và đang tiếp tục làm việc ở nước ngoài. Người con trai lớn thứ 2 thì lấy vợ tại xã Thanh Sơn, hiện đang vào trồng hoa tại Đà Lạt. Còn người con trai út thì đang học năm thứ nhất tại Học viện Cảnh sát nhân dân. Dịp tết này, người con trai út cũng về ăn Tết với bố mẹ, nên gia đình anh Hoài, chị Đa càng vui hơn.
Chị Đa bảo, ngày mới xuống, đứa con út mới chỉ 4 tháng tuổi, cả gia đình 5 miệng ăn, tay xách nách mang, di chuyển cả nếp nhà sàn đưa xuống vùng đất mới, ai cũng lo lắng. Nhưng được sự quan tâm của Nhà nước, chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ cây, con giống, hỗ trợ tập huấn các mô hình sản xuất mới nên nhiều gia đình đã làm theo và đem lại hiệu quả kinh tế cao. “Ai cũng nhớ quê, nhưng theo tôi ở đây thuận lợi hơn. Hồi mới xuống ai cũng lo lắng, không biết tương lai sẽ như thế nào, giờ thì mọi thứ đã thực sự đổi khác. Con em học xong đều toả đi khắp nơi làm ăn, Tết về lại quây quần bên gia đình. Vui lắm” – chị Đa chia sẻ.
Vào năm 2019, gia đình anh Hoài, chị Đa cũng đã được hỗ trợ xây dựng vườn mẫu với nhiều loại cây ăn quả và chăn nuôi gà thả đồi, nuôi lợn đen đem lại thu nhập cao. Mỗi năm gia đình anh chị nuôi được nhiều lứa gà và 2-3 lứa lợn. Cứ vào dịp Tết là thương lái lại đến bao tiêu thu mua mà không phải mất công mang đi bán.
Tín hiệu vui…
Ông Lương Văn Hải – Chủ tịch Hội nông dân xã Ngọc Lâm cho biết, ngoài gia đình anh Hoài chị Đa, toàn xã Ngọc Lâm hiện nay đã xây dựng được 6 mô hình vườn mẫu. Ngoài ra còn có nhiều hộ dân đã đầu tư xây dựng mô hình vườn - ao - chuồng kết hợp trồng rừng, trồng chè cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm. Nổi bật như gia đình ông Lô Văn Sâm ở bản Tân Sáng, ngoài trồng keo còn làm chuồng trại nuôi nhốt trâu, bò với hơn 10 con, nuôi nhiều lợn, gà, vịt và ao thả cá, cho thu nhập khoảng 120 triệu đồng/năm. Hay như hộ gia đình ông Lương Văn Phượng, Lương Thanh Hoài, Lương Thanh Hải (bản Tân Hợp), ông Lô Văn Bình (bản Tân Tiến), Lô Văn Cả, Vi Văn Thanh (bản Tân Học)… đều đã xây dựng được vườn chè cho thu nhập cao, ổn định nhiều năm.
Ông Lữ Văn Đương – Chủ tịch UBND xã Ngọc Lâm thì báo tin vui, năm 2023 vừa qua tổng giá trị sản xuất toàn xã đã đạt 192 tỷ đồng/180 tỷ kế hoạch giao, đạt 106,6%, tăng 12 tỷ đồng so với kế hoạch, tăng 11,36 % so với cùng kỳ. Điều này đồng nghĩa với việc xã Ngọc Lâm đã hoàn thành và vượt chỉ tiêu được giao. Đây là điều rất đáng mừng đối với một địa phương mới được thành lập chưa lâu. Đặc biệt, thu nhập bình quân đầu người toàn xã đã đạt 31 triệu đồng/người/năm.
Ông Đương còn cho biết, dưới sự chỉ đạo của huyện, xã đã thực hiện nghiêm túc các Đề án sản xuất nông nghiệp; chú trọng cơ cấu giống lúa, biện pháp gieo cấy, bảo đảm khung thời vụ, áp dụng các tiến bộ mới vào sản xuất do vậy toàn bộ diện tích lúa và các loại cây trồng phát triển tốt đều. Toàn xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi 3 ha đất trồng cây nguyên liệu giấy kém hiệu quả sang trồng cây chè, bước đầu khẳng định cây chè là cây chiếm tỷ trọng khá lớn trong nghành trồng trọt của xã. Phát triển ổn định đàn gia súc, gia cầm, xây dựng thành đặc sản của địa phương.
Đặc biệt, xã Ngọc Lâm cũng đã duy trì tốt phiên chợ hàng tuần vào thư 3 và thứ 7 hàng tuần tạo điều kiện cho nhân dân giao thương, trao đổi hàng hóa; duy trì và phát triển được một số ngành nghề tiểu thủ công nghiệp như nghề mộc, hàn, nề, máy xay xát, vận tải, kinh doanh dịch vụ các loại vật liệu xây dựng, nhà hàng ăn uống, phục vụ sản xuất nông nghiệp và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, tạo điều kiện phát triển kinh tế trong nhân dân.
Đáng ghi nhận hơn, trong những năm qua, cùng với các cấp chính quyền và cộng đồng xã hội, Công ty Thủy điện Bản Vẽ đã cùng chung tay chăm lo, động viên và có những việc làm thiết thực để giúp đỡ nhân dân ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng trên vùng đất mới. Nhất là vào dịp Tết nguyên đán, Tết trung thu, ngày khai giảng… Công ty Thuỷ điện Bản Vẽ đều tổ chức hỗ trợ sinh kế, hỗ trợ giáo dục, tặng quà cho các hộ gia đình chính sách, các hộ gia đình khó khăn trên địa bàn các xã tái định cư.
Ông Lê Đình Thanh – Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết: Để người dân khu vực tái định cư ngày càng thêm gắn bó, yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, góp phần xây dựng quê hương mới, từ ngày bà con xuống khu tái định cư, các cấp, ngành từ tỉnh đến huyện đã tập trung vào cuộc chỉ đạo, hỗ trợ, giúp đỡ người dân từng bước ổn định cuộc sống. Sau những bỡ ngỡ ban đầu, đến nay đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình trong sản xuất kinh tế, trở thành hình mẫu cho nhiều người noi theo.
“Trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục hỗ trợ các xã tái định cư Ngọc Lâm, Thanh Sơn trong việc đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật, các loại giống cây, con mới vào sản xuấ; hỗ trợ con em người dân tại các xã này xuất khẩu lao động, giải quyết việc làm… Đặc biệt, khi cái Tết Giáp Thìn đã gần kề, huyện xác định sẽ chăm lo cho bà con nhân dân một cái Tết đủ đầy, không để hộ dân nào phải thiếu ăn, thiếu mặc trong dịp năm mới” - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương Lê Đình Thanh cho biết thêm.
Trước thềm Xuân, bên những ngôi nhà sàn truyền thống được người dân cất công đưa từ quê cũ xuống, hay bên những ngôi nhà xây từ dự án tái định cư, con em xa quê cũng đã quay về quây quần bên gia đình sắm sửa đón Tết. Tiếng cười nói, tiếng nhạc rộn ràng càng làm cho thanh âm mùa Xuân thêm tươi vui, ấm cúng.
Hoàng Lan – Linh Chi