Sau khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực từ ngày 1-1-2020, tại nhiều địa phương, việc chấp hành luật được người dân thực hiện khá nghiêm túc. Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, tình trạng sử dụng rượu, bia đang có những dấu hiệu gia tăng trở lại. Tại nhiều tuyến đường lớn của thành phố các quán "nhậu" hoạt động rôm rả trở lại, thu hút đông đảo khách hàng sử dụng rượu, bia; trong đó, một bộ phận khách sử dụng đến tối khuya, không chỉ gây mất an ninh trật tự tại một số khu vực mà còn tiềm ẩn nguy cơ về tai nạn giao thông đối với chính người sử dụng rượu, bia.
Thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho thấy, tỷ lệ công dân tự điều khiển phương tiện sau khi uống rượu, bia chiếm 68%, trong đó khoảng 40% người say rượu, bia vẫn tiếp tục lái xe.
Theo quy định của luật pháp, các cá nhân lái xe gây tai nạn khi đã uống rượu, bia, tùy mức độ có thể bị phạt tù đến 15 năm, phạt hành chính ở mức cao và bị tước giấy phép lái xe. Sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông cũng là tình tiết tăng nặng đối với lái xe gây tai nạn. Chế tài rõ ràng rất nghiêm khắc. Thế nhưng, trước những cuộc vui, sự kiện hằng ngày, nhiều người vẫn bất chấp. Nhiều người sử dụng rượu, bia gây ra tai nạn dẫn đến chết người đã phải nhận những bản án nghiêm khắc, có tính răn đe. Tai nạn giao thông do sử dụng quá mức về rượu, bia cũng để lại nhiều hậu quả rất lớn về mặt xã hội, kinh tế.
Theo thông tin Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông cho biết, số liệu cập nhật trong 11 tháng năm 2020 cho thấy, lực lượng Cảnh sát giao thông đã xử lý hơn 156.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, trong đó có 1.057 lái xe khách, 7.736 lái xe tải, 12.071 lái xe con, 313 vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia. So với cùng kỳ năm 2019, số trường hợp vi phạm nồng độ bị xử lý tăng hơn 5.000 trường hợp, tăng 3,2%.
Theo Đại tá, chỉ đạo xuyên suốt của lãnh đạo Bộ Công an, Cục Cảnh sát giao thông đến các địa phương là triển khai kiểm tra, xử lý mạnh mẽ, có trọng tâm, trọng điểm, thời gian cụ thể như tăng cường tuần tra kiểm soát vào buổi tối - thời gian sử dụng rượu, bia nhiều nhất; ưu tiên các tuyến quốc lộ xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia... Tuy nhiên, khó khăn là do văn hóa sử dụng rượu, bia có từ rất lâu đời.
Lực lượng Cảnh sát giao thông gặp rất nhiều khó khăn khi xử lý lái xe đã sử dụng rượu, bia. Trung bình để xử lý nồng độ cồn đối với một trường hợp phải mất 2 tiếng. Với số lượng người vi phạm nêu trên, tính ra hơn mất 300.000 giờ/năm. Bên cạnh đó, một trường hợp vi phạm về nồng độ cồn phải có 5 cán bộ để thực hiện, trung bình mất gần 1,6 triệu lượt cán bộ xử lý vấn đề này trong một năm.
Đặc biệt vào dịp cuối năm, lễ, Tết mỗi người đều có rất nhiều lý do để sử dụng rượu, bia. Vì thế, để giảm bớt tình trạng này, nhất là kịp thời ngăn chặn, phòng ngừa các nguy cơ về tai nạn giao thông, các cơ quan chức năng cần quyết liệt triển khai các biện pháp về kiểm tra, xử lý và xử phạt thật nặng để bảo đảm tính răn đe.
Bắc Nam (T/H)