Cây vải U trứng tại Hải Dương được trồng trên đất xã Nguyễn Ủy, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam |
Từ khoảng năm 2001, những cây vải lai U trứng đầu tiên được lấy giống từ cây vải U trứng tại Hải Dương được trồng trên đất xã Nguyễn Ủy, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Ngoài những đặc tính khí hậu đặc trưng của vùng Đồng bằng sông Hồng, nơi đây còn mang tính chất khí hậu của vùng bán sơn địa kết hợp với tỉ lệ đất sét khá nhiều nên thích hợp cho sự sinh trưởng, phát triển của cây vải. Cho đến nay, cây vải đã được thuần hóa và nhân rộng ra trồng tại nhiều xã khác trên địa bàn huyện Kim Bảng, sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất quả ổn định, chất lượng quả ngon phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.
Theo thống kê của UBND huyện Kim Bảng, tổng diện tích cây vải lai U trứng gần 80 ha. Trong đó, xã Nguyễn Úy trồng 58 ha, xã Tượng Lĩnh trồng 8ha và trồng lẻ tẻ ở các khu vực chuyển đổi các xã Khả Phong, Liên Sơn, Thanh Sơn và Thi Sơn với gần 400 hộ. Một số cây vải có tuổi đời 20 năm có tán xòe chiếm diện tích 50 m2, cho năng suất từ 3 tạ đến 4 tạ quả/vụ.
Một số cây vải có tuổi đời 20 năm có tán xòe chiếm diện tích 50 m2, cho năng suất từ 3 tạ đến 4 tạ quả/vụ. |
Vải lai U trứng trồng tại Kim Bảng thường chín sớm, chín trước vài thiều khoảng 30 ngày, quả ngọt, cùi dày, hạt nhỏ, không bị sâu đầu, hình dạng giống quả trứng, khi chín có màu đỏ hồng rất bắt mắt. Vải lai U trứng thu hoạch sớm ngay đầu vụ, bắt đầu từ tháng 4 âm lịch nên đạt giá bán cao gấp 2 - 3 lần các loại vải cho quả chính vụ. Sản phẩm vải lai U trứng Kim Bảng phần lớn được thương lái về thu mua đưa đi nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.
Về giá trị, ước tính thu nhập hàng năm của các hộ trồng vải dao động từ 220 đến 300 triệu đồng/ha, so với cấy lúa cao gấp 5 - 7 lần, những vườn vải 20 năm tuổi cho giá trị gấp 10 lần. Chi phí sản xuất cho cây vải u trứng trong 1 năm chỉ chiếm khoảng 20% giá trị thu được.
Cây vải lai U trứng đang góp phần cải thiện thu nhập, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả trên diện tích canh tác nhưng những người trồng vải, đặc biệt là chính quyền địa phương vẫn không khỏi trăn trở, lo lắng. Đó là làm sao để xây dựng thương hiệu và mở rộng được thị trường. Bên cạnh đó, người nông dân trồng vải quả vẫn còn hạn chế áp dụng khoa học kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh, sản xuất cây ăn quả an toàn theo hướng VietGAP, chưa thành lập được các hội/hiệp hội, hợp tác xã sản xuất cây ăn quả vùng chuyển đổi, chưa có tem, nhãn sản phẩm, chưa hình thành được chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nên đầu ra chưa ổn định.
Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học công nghệ và Kiểm định, Kiểm nghiệm Hà Nam đã đưa sản phẩm Vải lai U trứng Kim Bảng tham gia trưng bày, giới thiệu, quảng bá tại Hội chợ Công thương vùng Đồng bằng sông Hồng - Hà Nam năm 2023 |
Với mục đích làm tăng giá trị kinh tế, thay đổi nhận thức của người sản xuất, tạo tiền đề cho sản xuất hàng hóa quy mô lớn, xây dựng đồng bộ chuỗi giá trị của “Vải lai U trứng Kim Bảng” thông qua xây dựng thương hiệu có tính bền vững và bảo đảm kiểm soát chất lượng và nguồn gốc, từ đó thúc đẩy quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Lồng ghép với các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, đặc biệt là nhiệm vụ theo Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Hà Nam giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030 đã được UBND tỉnh Hà Nam phê duyệt tại Quyết định số 1939/QĐ-UBND ngày 24/10/2018. UBND tỉnh Hà Nam đã phê duyệt Dự án “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận vải lai U trứng Kim Bảng dùng cho sản phẩm vải quả của huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam” theo Quyết định số 2300/QĐ-UBND ngày 14/12/2022. Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học công nghệ và Kiểm định, Kiểm nghiệm Hà Nam được lựa chọn là đơn vị chủ trì triển khai thực hiện dự án.
Mục tiêu của dự án là triển khai các hoạt động nhằm bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với sản phẩm vải lai U trứng Kim Bảng dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận. Đồng thời, xây dựng mô hình tổ chức quản lý nhãn hiệu chứng nhận Vải lai U trứng Kim Bảng; xúc tiến thương mại cho sản phẩm vải lai u trứng Kim Bảng, góp phần nâng cao giá trị kinh tế, danh tiếng của sản phẩm trên thị trường.
Ngay sau khi dự án được phê duyệt, đơn vị chủ trì đã tham mưu, hỗ trợ UBND huyện Kim Bảng trong việc hoàn thiện Hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận Vải lai U trứng Kim Bảng nộp cục Sở hữu Trí tuệ.
Dự án đã hoàn thiện hệ thống công cụ kiểm soát sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Vải lai U trứng Kim Bảng; mô hình tổ chức quản lý và cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Vải lai U trứng Kim Bảng. Dự án cũng đã tiến hành xây dựng các điều kiện phương tiện quảng bá nhãn hiệu chứng nhận bao gồm: Thiết kế Bộ nhận diện sản phẩm; hỗ trợ in biển hiệu, poster, tem nhãn sản phẩm, tem truy xuất nguồn gốc, tờ rơi, potster cho sản phẩm Vải lai U trứng Kim Bảng.
Sản phẩm được giới thiệu tại Hội nghị giao ban Khoa học và Công nghệ vùng Đồng bằng sông Hồng lần thứ XIII tổ chức tại thành phố Nam Định. |
Đến nay, Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh Vải lai U trứng Kim Bảng đã được thành lập với hơn 30 hội viên ban đầu, hiện số hội viên đã tăng lên 50 hội viên. Việc thành lập Hội đã giúp nâng cao giá trị, chất lượng, thương hiệu, khả năng cạnh tranh của sản phẩm Vải lai U trứng Kim Bảng; tránh tranh mua, tranh bán, đầu cơ… gây tổn hại đến lợi ích chung; tránh những hành vi độc quyền, tranh chấp thị trường, xâm phạm đến lợi ích của các cá nhân, doanh nghiệp, cùng hợp tác sản xuất; góp phần tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống cho người lao động tại địa phương; thúc đẩy phát triển kinh tế hộ, đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của các hội viên.
Trong quá trình triển khai thực hiện, nhằm mục đích tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học công nghệ và Kiểm định, Kiểm nghiệm Hà Nam đã đưa sản phẩm Vải lai U trứng Kim Bảng tham gia trưng bày, giới thiệu, quảng bá tại Hội chợ Công thương vùng Đồng bằng sông Hồng - Hà Nam năm 2023 và Hội nghị giao ban Khoa học và Công nghệ vùng Đồng bằng sông Hồng lần thứ XIII tổ chức tại thành phố Nam Định.
Sản phẩm Vải lai U trứng Kim Bảng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 514085 |
Với những nỗ lực triển khai thực hiện dự án, đến tháng 11/2024, sản phẩm Vải lai U trứng Kim Bảng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 514085. Việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận đối với Vải lai U trứng Kim Bảng sẽ góp phần nâng cao vị thế và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường khu vực, trong nước và quốc tế. Thúc đẩy quá trình ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, chăm sóc, thu hái, nâng cao chất lượng của sản phẩm. Từ đó, góp phần làm tăng giá trị kinh tế - văn hóa và uy tín của sản phẩm Vải lai U trứng Kim Bảng trên thị trường, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân trong vùng dự án. Đồng thời, nâng cao hiểu biết, nhận thức của người dân, lãnh đạo chính quyền địa phương về pháp luật sở hữu trí tuệ nói chung và vấn đề đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm đặc sản của địa phương nói riêng.
Để nâng cao giá trị và mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm Vải lai U trứng Kim Bảng, ngoài sự quan tâm của các cấp chính quyền, đòi hỏi người dân trong vùng trồng cần tuân thủ nghiêm theo đúng quy trình sản xuất đã đăng ký, bảo đảm từ khâu lựa chọn giống, chăm sóc, thu hái, bảo quản tuân thủ theo quy trình chung. Nếu vi phạm, sẽ không được cấp tem dán bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận. Cùng với đó, các cơ quan quản lý cần quan tâm tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm đặc sản cho người trồng, giảm tối đa khâu trung gian để người dân có thu nhập cao và có điều kiện tái đầu tư, mở rộng sản xuất.
Hy vọng, sau nhiều cố gắng nỗ lực phát triển sản phẩm và đạt được chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Vải lai U trứng, người dân trồng vải của huyện Kim Bảng cùng với các đơn vị có trách nhiệm, cần ý thức rõ nhãn hiệu chứng nhận là văn bằng bảo hộ có ý nghĩa hết sức quan trọng, làm tăng giá trị kinh tế, phát triển thương hiệu sản phẩm. Để có được Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Vải lai U trứng Kim Bảng là điều không hề dễ dàng, nhưng giữ được giá trị của giấy chứng nhận đó, duy trì và phát triển nhãn hiệu lại càng khó và sẽ tốn nhiều công sức hơn, rất cần có sự chung sức của cả cộng đồng.