Xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu trở thành vùng kinh tế động lực của tỉnh Lào Cai

15:06 26/08/2022

Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai được Chính phủ lựa chọn là 01 trong 08 khu kinh tế cửa khẩu tập trung đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025.

Sau ba lần điều chỉnh quy hoạch, đến nay khu Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai đã được Chính phủ cho tăng quy mô lên đến gần 16.000 ha, tiếp tục bổ sung hạ tầng đồng bộ, hiện đại, phát triển logistics, phát triển các cụm công nghiệp, khu đô thị, thương mại và dịch vụ để tạo thành một vùng kinh tế năng động, hiệu quả cao. 

Trong Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai hiện có 02 Khu công nghiệp là Khu công nghiệp Bắc Duyên Hải và Khu công nghiệp Đông Phố Mới. Ngoài khu kinh tế cửa khẩu hiện có Khu công nghiệp Tằng Loỏng thuộc huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai, tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp đạt trên 82%.

Khu kinh tế cửa khẩu hiện thu hút được 159 dự án đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 12.821 tỷ đồng, trong đó: 130 dự án đã đi vào hoạt động, 09 dự án đang xây dựng, 08 dự án đang hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, xây dựng; 12 dừng triển khai thực hiện do không còn phù hợp với quy hoạch sau điều chỉnh.

Quy hoạch chi tiết Khu Logistics thuộc Khu Kim Thành - Bản Vược.
Quy hoạch chi tiết Khu Logistics thuộc Khu Kim Thành - Bản Vược.

Doanh thu của các dự án trong Khu kinh tế cửa khẩu giai đoạn 2016 - 2020 đạt trên 167.512 tỷ đồng, tăng trên 200% so với giai đoạn 2010-2015; nộp thuế đạt 10.862 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 7.300 người với thu nhập bình quân của người lao động đạt 7 triệu đồng/người/tháng.

Hiện có khoảng hơn 600 doanh nghiệp thường xuyên xuất nhập khẩu hàng hóa qua Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai, giai đoạn 2001-2021, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng bình quân trên 15%/năm, từ tổng giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu 210 triệu USD năm 2020, đến năm 2021 đã đạt trên 1,66 tỷ USD. Cửa khẩu Lào Cai là một trong số ít các cửa khẩu của Việt Nam có xuất siêu.

Kết cấu hạ tầng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai ngày càng hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu phát triển dịch vụ, du lịch: Hạ tầng kho bãi cửa khẩu, hệ thống chợ, khách sạn, nhà hàng... dịch vụ phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu. Hạ tầng cơ sở khu công nghiệp (hệ thống đường giao thông nội bộ, hệ thống cấp điện, cấp nước) hiện đã được đầu tư tương đối đồng bộ. Công tác duy tu, bảo dưỡng các công trình kết cấu hạ tầng được duy trì thực hiện đúng theo quy định.

Mục tiêu của tỉnh Lào Cai đến năm 2025 là trở thành trung tâm giao lưu kinh tế, đối ngoại, hợp tác quốc tế với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc); trọng điểm về phát triển du lịch, dịch vụ cửa khẩu. Theo đó, thời gian tới, tỉnh Lào Cai sẽ đầu tư phát triển Khu kinh tế cửa khẩu gắn liền với phát triển thành phố Lào Cai trở thành đô thị loại I và là đầu mối trung chuyển hàng hóa, trung tâm logistics lớn trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; hình thành khu cửa khẩu quốc tế “hạt nhân” với diện tích khoảng 11 km2 về phía Bát Xát, đối diện với Khu Bá Sái - Trung Quốc với kết cấu hạ tầng hoàn chỉnh.

Trước mắt, ưu tiên đầu tư phát triển Khu kinh tế cửa khẩu theo hướng thương mại, xuất nhập khẩu, dịch vụ, đầu tư, đô thị, công nghiệp tập trung, khu vui chơi giải trí, tài chính, ngân hàng, các khu chức năng khác và hình thành khu hợp tác kinh tế qua biên giới giữa Lào Cai với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, qua đó tạo đà bứt phá trở thành khu kinh tế động lực chủ đạo không chỉ của Lào Cai mà còn là đầu tàu kinh tế của vùng Tây Bắc.

Tỉnh Lào Cai cũng sẽ thực hiện chính sách ưu đãi đặc thù nhằm thu hút đầu tư vào Khu kinh tế cửa khẩu, đẩy nhanh tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu, dịch vụ cửa khẩu, du lịch, vui chơi giải trí của tỉnh.

Lào Cai đang nỗ lực xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu trở thành đầu mối trung chuyển hàng hóa của các nước tiểu vùng sông Mê Kông, ASEAN, Trung Quốc; là trung tâm logistics hiện đại kết nối đồng bộ với hệ thống cảng biển, cảng hàng không, ga đường sắt, mạng lưới giao thông đường bộ... Việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được tỉnh Lào Cai xác định là yếu tố sống còn để hiện thực hóa mục tiêu phát triển Khu kinh tế cửa khẩu.

P.V