"Xây dựng - chuyển giao" và tù mù lợi ích "công - tư"

00:00 12/10/2020

Hết BOT giờ đến BT (xây dựng - chuyển giao) đang có dấu hiệu luồn qua những "lỗ hổng" pháp luật.

Sau khi loại hình đầu tư BOT (xây dựng - khai thác - chuyển giao) dường như tới hạn thì hình thức BT (xây dựng - chuyển giao và bù đắp) có xu hướng phát triển mạnh. Được gọi bằng cái tên phổ biến “đổi đất lấy hạ tầng”.

Ví dụ, Hà Nội dự kiến đổi 700 ha đất để lấy 5 con đường; ở TP HCM có hơn 60 dự án BT trị giá gần nửa triệu tỷ đồng. Tư nhân sẽ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng sau đó bàn giao lại cho nhà nước.

Đổi lại nhà nước sẽ dành nguồn lực nào đó để bù lại, có thể là bất động sản, khai thác quảng cáo, khai thác thương mại, khấu trừ phí sử dụng đất… Tóm lại có muôn hình vạn trạng để làm cân bằng lợi ích “công - tư”.

Nếu việc cân bằng lợi ích sao cho bằng “vật ngang giá” thì không sao, điều khiến dư luận lo lại là nảy sinh “lợi ích nhóm” xung quanh các dự án BT làm thất thoát công sản.

Vì sao thất thoát? Về cơ bản việc định giá nguồn lực để bù đắp cho doanh nghiệp sau khi nhận chuyển giao hạ tầng không khác mấy với “định giá cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước”.

Nhiều dự án BT sắp bị thanh tra (Hình minh họa)

Lấy gì đảm bảo việc định giá sẽ công bằng, đúng với giá trị của nguồn lực? Điển hình ở đây là nguồn lực đất đai. Khi chấp thuận đổ tiền vào làm hạ tầng, doanh nghiệp đương nhiên “ngắm” đến những vị trí đất “vàng”.

Chỉ cần định giá đất thấp hơn chút đỉnh tức là có khoản dôi dư sau khi tham chiếu với giá thị trường. Điều này tương tự như giá cổ phiếu của doanh nghiệp sau khi cổ phần thường cao hơn!?

Một “lỗ hổng” khác nằm ở Luật đất đai, Luật này chỉ quy định thẩm quyền giao đất còn khâu thẩm định giá đất không được tính đến, trong khi yếu tố quan trọng nhất của BT là tìm kiếm nguồn lực ngang giá chứ không phải là giao đất.

Lợi ích bên cạnh các dự án BT là thấy rõ, cái lợi này thuộc về cả đôi bên, nhưng không có nghĩa lợi ích “rơi vãi” không tạo thành “nhóm”, khoét “lỗ hổng” luật pháp ngày càng lớn hơn.

Các dự án BT là nơi thật sự “nhạy cảm” vì dễ sinh sôi lợi lộc ngoài luồng. Như một quy luật bất thành văn - nơi nào có lợi ích nơi đó dễ xảy ra tham nhũng, nhất là khi thể chế còn bất cập.

Muốn có đất công nhà đầu tư trải qua quá trình phức tạp, nhất là đấu giá cạnh tranh. Với BT nhà đầu tư có nhiều lợi thế để mặc cả với nhà nước, ít nhất là khỏi thông qua đấu giá, thậm chí giá cả nằm ngoài… thị trường!

BT là hình thức đầu tư ít rủi ro với doanh nghiệp, không phải chờ vài chục năm để thu hồi vốn như BOT, vì thế có khá nhiều “đại gia” nhảy vào sân chơi này như Tasco, Cienco 4…

Khi giá đất “xẹp” xuống thì vốn đầu tư công trình BT luôn có khả năng “phồng” lên, tức là nhà nước phải “mắc nợ” doanh nghiệp nhiều hơn, lúc đó nguồn lực hao hụt không chỉ là đất mà còn nhiều thứ vô hình khác như quyền lực nhà nước, chính sách.

Với BT, khối tư nhân có khả năng tham gia sâu hơn vào công việc hoạch định chính sách của chính quyền địa phương, nhà doanh nghiệp dính chặt hơn với nhà nước, đó là điều đáng lo!

Cơ chế “đổi đất lấy hạ tầng” được coi như sáng kiến của Bà Rịa – Vũng Tàu từ nửa đầu những năm 1990. Tuy nhiên, hệ quả tham nhũng đã làm cho lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bị thi hành kỷ luật sau khi thanh tra việc thực hiện “đổi đất lấy hạ tầng”.

Nhiều câu hỏi đặt ra, tính hiệu quả của hình thức BT như thế nào so với mớ rắc rối có thể phát sinh? Trong lúc hàng loạt khoản thuế đều tăng thì lý do thiếu vốn có thật sự thuyết phục?

Trương Khắc Trà