Ảnh minh họa
Ngân hàng đẩy khách hàng ra chợ đen?
Người bị phạt là ông Nguyễn Cà Rê (38 tuổi, ở phường An Hòa, quận Ninh Kiều, Cần Thơ) đồng thời, cũng bị tịch thu gần 2,3 triệu đồng đã đổi được. Với tiệm vàng, UBND TP Cần Thơ cũng phạt 295 triệu đồng vì nhiều vi phạm, trong đó có việc nhận đổi 100 USD của ông Rê; đồng thời tịch thu số ngoại tệ đã đổi.
Tại điểm a, khoản 3, Điều 24 của Nghị định 96/2014 về xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân đổi ngoại tệ quy định rõ: Hành vi mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ sẽ bị phạt tiền từ 80 triệu đồng - 100 triệu đồng. Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005 quy định, trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các giao dịch với tổ chức tín dụng hoặc thanh toán qua trung gian gồm thu hộ, ủy thác, đại lý. Do đó, hành vi của ông Rê được xem là vi phạm pháp luật.
Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng, việc xử phạt như vậy chưa hợp tình và quá máy móc. Bởi lẽ người dân không thể biết được tiệm vàng đó có giấy phép thu đổi ngoại tệ hay không? Không lẽ yêu cầu tiệm vàng xuất trình giấy phép? Việc xử phạt như vậy cũng không sát thực tế. Người dân mang ngoại tệ vào ngân hàng bán thì dễ nhưng khi họ cần thì mua ngoại tệ lại cực kỳ khó. “Tôi cần mua USD đi du lịch, vào hàng chục ngân hàng để mua thì không ngân hàng nào chịu bán, thủ tục giấy tờ chứng minh mất rất nhiều thời gian”- chị Hoa (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ.
Bên hành lang Quốc hội sáng 24/10, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng, hành vi mua bán ngoại tệ của ông Rê vi phạm quy định của pháp luật. Việc người dân vi phạm quy định pháp luật phải xử lý, còn hình thức xử lý, cách thức như thế nào để kết hợp giữa tính giáo dục và tính nghiêm minh của pháp luật thì cần cân nhắc. Cơ quan có thẩm quyền ở đây cũng có khuyết điểm khi chưa tuyên truyền rõ quy định cho người dân nên cần rút kinh nghiệm.
Sửa quy định cho phù hợp
“Chỉ nên phạt tổ chức, họ kinh doanh thì phải có trách nhiệm nắm rõ quy định, còn người dân đôi khi chỉ đổi ngoại tệ giá trị nhỏ, vì mục đích cá nhân thì mức xử phạt như trên là quá nặng” - Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty luật BASICO bình luận. Theo luật sư Trương Thanh Đức, trong trường hợp này, nên nhắc nhở ông Rê. Nếu xử lý thì nên phạt tiệm vàng không có giấy phép thu đổi ngoại tệ.
Tương tự, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, tại khoản b, điểm 5, Điều 24 Nghị định 96/2014 của Chính phủ cũng nêu rõ: Phạt tiền từ 150 triệu - 200 triệu đồng đối với hành vi thực hiện giao dịch hối đoái không đúng quy định của NHNN. Các hình thức xử phạt hành chính bao gồm: Cảnh cáo; Phạt tiền (hình phạt chính). Trong đó, hình thức xử phạt cảnh cáo được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không nghiêm trọng, có tình tiết giảm nhẹ. Theo quan điểm của luật sư, trong trường hợp ông Nguyễn Cà Rê đổi 100 USD chỉ cần xử phạt hành chính cảnh cáo là phù hợp với thực tế.
Theo các luật sư, cần sửa đổi, bổ sung quy định cho sát với thực tế và đi vào cuộc sống. Trong đó vấn đề là kiểm soát điểm kinh doanh, chứ không phải là cá nhân có nhu cầu nhỏ lẻ. Hơn nữa nếu cá nhân đi đến ngân hàng để đổi ngoại tệ đi chăng nữa thì có ai đó yêu cầu ngân hàng xuất trình giấy phép về việc ngân hàng đó được phép mua bán ngoại tệ?
Chiều 24/10, Công an TP Cần Thơ tổ chức họp báo thông tin về vụ việc. Trước dư luận cho rằng việc xử phạt ông Nguyễn Cà Rê số tiền 90 triệu đồng là quá nặng, đại diện Công an TP Cần Thơ khẳng định đã áp dụng đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, sẽ báo cáo về Bộ Công an để có những kiến nghị, bổ sung cho phù hợp đối với hành vi đem bán ngoại tệ ở những cơ sở không được phép mua. Công an TP Cần Thơ sẽ kết hợp với Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông báo các điểm thu đổi ngoại tệ để người dân biết, tránh những vi phạm đáng tiếc xảy ra.
Thảo Nguyên