Vĩnh Phúc: Ứng dụng công nghệ thông tin trong tổng điều tra kinh tế

10:54 12/04/2021

Ứng dụng mới này, với mục đích thu thập thông tin của các đơn vị trên địa bàn, để quản lý, hoạch định chính sách, có kế hoạch phát triển kinh tế.

Nhằm thu thập thông tin các cơ sở kinh tế, sự nghiệp để đánh giá về số lượng, quy mô và lao động của các cơ sở kinh tế; kết quả sản xuất kinh doanh; mức độ ứng dụng công nghệ thông tin; cơ cấu, sự phân bố của các cơ sở và của lao động theo địa phương, theo ngành kinh tế nhằm phục vụ công tác quản lý, hoạch định chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của cả nước và mỗi địa phương. Được thực hiện 5 năm/lần, Tổng điều tra kinh tế lần này đã triển khai triệt để ứng dụng công nghệ thông tin ở tất cả các khâu thực hiện. 

Theo kế hoạch, Tổng điều tra kinh tế năm 2021 được thực hiện theo 2 giai đoạn: Giai đoạn 1, từ 1/3 - 30/5/2021, tiến hành thu thập thông tin các cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc khối doanh nghiệp, các chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài, đảng, đoàn thể, hiệp hội, đơn vị sự nghiệp, tổ chức phi chính phủ nước ngoài được cấp phép hoạt động tại Việt Nam và cơ sở trực thuộc của các tổ chức trên. Giai đoạn 2, từ ngày 1/7 đến 30/7/2021, tiến hành thu thập thông tin về cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể phi nông, lâm nghiệp và thủy sản; cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng. 

Thông tin từ Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc, ngành đã hướng dẫn cụ thể và đôn đốc các doanh nghiệp, hiệp hội, đơn vị trên địa bàn tỉnh thực hiện trong giai đoạn một đẩy nhanh tiến độ, tuy nhiên, do đến hết 31/3, các doanh nghiệp mới hoàn thành việc quyết toán nên đến thời điểm này, số doanh nghiệp thực hiện kê khai thông tin mới đạt 210 trên tổng số hơn 7.400 doanh nghiệp. Hiện đã có 289/681 đơn vị sự nghiệp hoàn thành việc kê khai, đạt tỷ lệ 42,5%; có 25/68 hiệp hội hoàn thành kê khai, đạt 36,7%. 

Cuộc tổng điều tra kinh tế năm 2021 có nhiều đổi mới và thuận lợi bởi đã ứng dụng công nghệ thông tin ở tất cả các bước điều tra. Trong đó, áp dụng triệt để việc khai thác hồ sơ hành chính trên bộ dữ liệu sẵn có của các đơn vị, doanh nghiệp, hiệp hội và phối hợp với các sở, ngành trong việc thu thập thông tin đầu vào cũng như cập nhật phương pháp luận quốc tế chuẩn vào đơn vị cơ sở. Đặc biệt, ứng dụng triệt để công nghệ thông tin theo hình thức trực tuyến từ khâu tập huấn, thu thập thông tin, xử lý số liệu đến công bố kết quả và lưu trữ dữ liệu, nên dù có bị ảnh hưởng dịch Covid-19 thì cuộc tổng điều tra vẫn diễn ra đúng tiến độ, bảo đảm yêu cầu nội dung, hình thức thực hiện.  

Do được thực hiện trong thời gian dài, liên quan đến nhiều đối tượng, phạm vi rộng và nội dung phức tạp nên cuộc tổng điều tra gặp không ít khó khăn. Bên cạnh đó, để ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong quá trình thu thập, đòi hỏi hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin của doanh nghiệp phải đáp ứng yêu cầu cao hơn so với hình thức thu thập truyền thống bằng phiếu giấy; người cung cấp thông tin cũng phải biết cách sử dụng, hiểu được nội dung, quy trình cung cấp thông tin để bảo đảm thông tin không bị bỏ sót.  

Triển khai các bước cuộc tổng điều tra, Cục Thống kê tỉnh đã chủ động tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thành lập Ban chỉ đạo tổng điều tra kinh tế năm 2021 các cấp từ tỉnh đến các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn. Đồng thời, tổ chức tập huấn, tuyển chọn điều tra viên, giám sát viên theo đúng quy định, bảo đảm thời gian, số lượng và phù hợp với nhu cầu thực tế của cuộc tổng điều tra.  

Kết quả thu được từ cuộc Tổng điều tra là cơ sở dữ liệu quan trọng đánh giá chính xác sự phát triển của các đơn vị trên địa bàn tỉnh theo ngành, lĩnh vực, loại hình, quy mô, chất lượng hoạt động. Vì vậy, Cục Thống kê tỉnh đang đẩy mạnh các bước, đôn đốc các đơn vị liên quan hoàn thành đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng. 

D.T