Vĩnh Phúc: Kịp thời có chính sách trợ lực, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn

15:55 27/09/2021

Với nhiều cơ chế, chính sách trợ lực kịp thời, từ đầu năm đến nay, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục được duy trì, phát triển, chỉ số sản xuất toàn ngành tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của chuỗi cung ứng, thị trường tiêu thụ và các biện pháp hạn chế đi lại để phòng chống dịch, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã phải hoạt động cầm chừng hoặc giảm quy mô sản xuất để tồn tại trong đại dịch.

Theo thống kê của UBND tỉnh, 8 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 40 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, 140 doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng hoặc giảm quy mô sản xuất; trên 14.000 lao động bị ảnh hưởng của dịch bệnh, trong đó có khoảng 4.000 lao động phải tạm nghỉ việc. 

 Ảnh minh họa. 

Theo phản ánh của các doanh nghiệp, việc phải ngừng hoạt động, hoạt động cầm chừng hay giảm quy mô sản xuất chủ yếu là do thiếu nguồn cung ứng nguyên liệu, phụ tùng, thiết bị, sức mua của nền kinh tế giảm, khó khăn trong việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa, việc nhập cảnh của các chuyên gia nước ngoài. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp có lượng khách hàng ổn định nhưng do lệnh phong tỏa, hạn chế đi tại nhiều tỉnh, thành khiến hoạt động giao thương hạn chế, nhiều hợp đồng bị hủy bỏ, hoãn, giãn gây sụt giảm kim ngạch xuất khẩu. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhỏ, mới thành lập có lượng khách hàng còn thấp và gặp khó khăn trong tiếp cận khách hành dẫn đến khó duy trì hoạt động, buộc phải trì hoãn, giãn tiến độ đầu tư, thậm chí xem xét đến việc chấm dứt dự án đang hoặc sẽ thực hiện.

Cụ thể, trong 40 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động thì có đến 15 doanh nghiệp gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ, 10 doanh nghiệp gặp khó về vốn, điều kiện làm việc. Còn trong số 140 doanh nghiệp phải dừng hoạt động, có 20 doanh nghiệp gặp khó về nguyên liệu sản xuất, 30 doanh nghiệp khó khăn về thị trường tiêu thụ, 20 doanh nghiệp thiếu lao động, 30 doanh nghiệp thiếu vốn, 10 doanh nghiệp gặp khó khăn về thủ tục hải quan và 30 doanh nghiệp khó khăn về điều kiện làm việc.

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phục hồi sản xuất, Vĩnh Phúc đã nới lỏng một số quy định, tạo điều kiện cho việc đi lại, di chuyển của các chuyên gia, người lao động; tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong công tác tuyển dụng lao động; ưu tiên tiêm vắc xin cho lao động trong các khu, cụm cộng nghiệp. Duy trì hiệu quả hoạt động của Tổ công tác giúp việc Chủ tịch UBND tỉnh; kịp thời tiếp nhận các thông tin phản ánh, tham mưu các giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp.

Đặc biệt, qua các buổi đi kiểm tra trực tiếp tại các doanh nghiệp của các đồng chí lãnh đạo tỉnh và từ các ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp tại các hội nghị trực tuyến, tọa đàm “doanh nghiệp hỏi chính quyền trả lời”, trong tháng 9, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện nghiêm các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp theo Nghị quyết số 105/NQ của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19; rà soát, nghiên cứu xem xét các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp chi phí phun khử khuẩn, tiền xe bus, tiền thuê trọ cho công nhân, tiền điện, nước.

Vĩnh Phúc cũng đã có văn bản kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành ban hành cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp ngành công nghiệp phụ trợ; hỗ trợ, nâng cao năng lực của các doanh nghiệp cung ứng vật tư trong nước để bảo đảm nguồn cung nguyên liệu ổn định, không phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu; có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về logistics; hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác kinh doanh. Đồng thời, sớm ban hành quy định cho phép doanh nghiệp áp dụng linh hoạt thời gian làm việc thêm giờ trong thời gian không phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội để không ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất.

PV