Tham dự hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, đại diện các bộ, ngành trung ương, các địa phương, các tổ chức quốc tế, các hiệp hội, doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời phát biểu tại hội nghị: Vĩnh Long có vị trí địa lý chiến lược quan trọng của vùng. Được Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) xác định thuộc khu vực tứ giác trung tâm của vùng (gồm Cần Thơ, Long Xuyên, Cao Lãnh, Vĩnh Long). Vĩnh Long được bao quanh bởi 2 nhánh sông lớn là sông Tiền và sông Hậu, cùng với hệ thống sông rạch chằng chịt và nhiều điều kiện tự nhiên giàu tiềm năng phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông sản, vận tải hàng hóa, phát triển du lịch sinh thái sông nước miệt vườn, du lịch văn hóa, làng nghề theo định hướng phát triển du lịch xanh. Đồng thời, Vĩnh Long đóng vai trò quan trọng trong quá trình thích ứng với biến đổi khí hậu của. vùng, được xem như “hậu phương” trong phòng chống xâm nhập mặn, góp phần bảo vệ an ninh nguồn nước.
Theo ông Lữ Quang Ngời, Vĩnh Long đã đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội nhất là ở 3 lĩnh vực tỉnh Vĩnh Long đang tập trung xúc tiên đầu tư.
Cụ thể, về lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh tập trung phát triển, nâng cao sản lượng lúa (gần 700.000 tấn/năm) và chất lượng các loại cây ăn trái, rau màu như cam sành, chôm chôm, bưởi, khoai lang…(trên 1,2 triệu tấn/năm), từng bước hình thành vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh, thích ứng biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Về lĩnh vực thương mại, với vị trí trung tâm của vùng ĐBSCL, giữa hai trung tâm kinh tế lớn là TP.HCM và TP. Cần Thơ, cùng với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước được hoàn thiện, đồng bộ, Vĩnh Long đã kết nối thông suốt, nhanh chóng và thuận tiện với các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL và các vùng kinh tế khác của cả nước
Về lĩnh vực thương mại, với vị trí trung tâm của vùng ĐBSCL, giữa hai trung tâm kinh tế lớn là TP.HCM và TP. Cần Thơ, cùng với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước được hoàn thiện, đồng bộ, Vĩnh Long đã kết nối thông suốt, nhanh chóng và thuận tiện với các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL và các vùng kinh tế khác của cả nước.
Đặc biệt, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; cầu Mỹ Thuận 1 và cầu Mỹ Thuận 2 là những công trình quan trọng tạo thêm động lực phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh Vĩnh Long, nhất là thế mạnh trở thành một trung tâm logistics của vùng ĐBSCL trong tương lai gần, đáp ứng nhu cầu thị trường cho khoảng 18 triệu dân trong vùng
Về lĩnh vực du lịch, tỉnh tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng; phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế tài nguyên du lịch sẵn có về văn hóa, về vùng đất và con người Vĩnh Long để phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh; tỉnh đang phát huy hiệu quả loại hình “du lịch homestay” với hơn 40 năm được hình thành và phát triển; đồng thời đang tập trung mời gọi đầu tư Dự án bảo tồn làng gạch gốm Mang Thít và Bảo tàng Nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long trở thành điểm đến du lịch độc đáo, hấp dẫn, tạo điểm nhấn cho du lịch của tỉnh Vĩnh Long.
Theo quy hoạch, Vĩnh Long sẽ tập trung vào trục đường chính có quốc lộ 1 đi qua thành phố Vĩnh Long – huyện Long Hồ (đô thị Phú Quới) - thị xã Bình Minh sẽ tập trung phát triển các khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ thương mại, logistics.
Đồng thời dựa vào hai hành lang kinh tế của sông Hậu để Kết nối kinh tế - xã hội các đơn vị hành chính cấp huyện phía Nam của tỉnh, gồm: Huyện Bình Tân - thị xã Bình Minh - huyện Tam Bình - huyện Trà Ôn. Tập trung phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, dịch vụ logistics, đô thị, dịch vụ vui chơi giải trí, nông nghiệp công nghệ cao.
Và hành lang kinh tế dọc sông Tiền và sông Cổ Chiên: Kết nối kinh tế - xã hội các đơn vị hành chính cấp huyện phía Bắc của tỉnh, gồm: Thành phố Vĩnh Long - huyện Mang Thít - huyện Vũng Liêm. Tập trung phát triển đô thị, công nghiệp thân thiện môi trường, du lịch sinh thái kết hợp với chăm sóc sức khỏe.
Do đó để bám sát mục tiêu của bản quy hoạch và những kế hoạch mục tiêu của tỉnh Vĩnh Long sẽ đưa Thành phố Vĩnh Long, thị xã Bình Minh và các huyện: Bình Tân, Long Hồ và Tam Bình là vùng động lực phát triển của tỉnh, trong đó, thành phố Vĩnh Long là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh. Tập trung phát triển đô thị, dịch vụ (thương mại, du lịch sinh thái, logistics), công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao; kết nối giao thông với các tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Còn vùng phía Đông Nam, gồm các huyện: Vũng Liêm, Trà Ôn và Mang Thít tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch sinh thái, văn hóa, công nghiệp.
Tập trung nguồn lực phát triển trục động lực, các hành lang kinh tế và các ngành kinh tế, lĩnh vực chủ lực của tỉnh gồm: Nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, thương mại, đô thị và công nghiệp chế biến.
Theo quy hoạch, Vĩnh Long là tỉnh nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái; một trong những trung tâm kinh tế nông nghiệp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại kết nối thông suốt với các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Người dân có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc. Tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021-2030 là 7%/năm; cơ cấu kinh tế đến năm 2030: Khu vực nông nghiệp – thủy sản chiếm khoảng 26%, khu vực công nghiệp – xây dựng chiếm khoảng 25%, khu vực dịch vụ chiếm khoảng 45%; Thuế sản phẩm - (trừ) trợ cấp sản phẩm khoảng 4%.
Chủ tịch Lữ Quang Ngời cũng cho biết thêm, trong quy hoạch tầm nhìn đến năm 2050, Vĩnh Long là tỉnh phát triển toàn diện, văn minh, hiện đại, sinh thái, bền vững, có trình độ phát triển khá so với cả nước; có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; các di tích lịch sử, bản sắc văn hóa được bảo tồn, tôn tạo và phát huy; quốc phòng và an ninh được bảo đảm; người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc.
Thu Hiền