Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long chia sẻ: “Những kết quả mà tỉnh Vĩnh Long đạt được hôm nay chính là nhờ vào những truyền thống tốt đẹp mà Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân đã xây đắp trong thời gian qua; là kết tinh trí tuệ, bản lĩnh của các thế hệ cán bộ, đảng viên và các thế hệ cha anh đi trước; là sự quyết tâm, nỗ lực của những thế hệ trưởng thành trong hòa bình, tiếp nối và phát huy truyền thống.Trong thành tựu chung của tỉnh có sự đóng góp rất lớn của đội ngũ nhà báo, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên và những người lao động của các cơ quan báo chí trong và ngoài tỉnh”.
Trong năm 2023, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội tỉnh thực hiện đạt và vượt 18/21 chỉ tiêu. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 2,01% so với năm 2022. Cơ cấu kinh tế của tỉnh năm 2023 chuyển dịch chậm so với định hướng do sản xuất công nghiệp suy giảm, tỷ trọng ngành nông lâm nghiệp và thủy sản (khu vực I) là 40,23%; ngành công nghiệp và xây dựng (khu vực II) là 16,29%; các ngành dịch vụ (khu vực III) là 43,48%. So với cùng kỳ năm 2022, tỷ trọng khu vực I tăng 0,63 điểm %; khu vực II giảm 2,06 điểm %; khu vực III tăng 1,43 điểm %. Sản xuất nông nghiệp tăng trưởng khá. Giá trị sản xuất ngành nông - lâm - thủy sản đạt 15.084 tỷ đồng, tăng 3,08% so với cùng kỳ năm 2022.
Sản xuất công nghiệp của tỉnh gặp nhiều khó khăn, giảm mạnh. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp giảm 8,37% so với năm 2022; trong đó, nhiều ngành công nghiệp có mức giảm mạnh so với cùng kỳ. Hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh tiếp tục đà tăng trưởng khá. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 58.410 tỷ đồng, tăng 12,96% so với năm 2022; Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 759,8 triệu USD, đạt 101,3 % kế hoạch, tăng 3,81% so với năm 2022.
Tình hình thu - chi ngân sách nhà nước vượt dự toán được giao. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 6.434 tỷ đồng, đạt 111,55% dự toán năm nhưng giảm 9,54% so với năm 2022. Tổng chi ngân sách địa phương đạt 11.293,3 tỷ đồng, đạt 101,16% dự toán năm, tăng 8,95% so với năm 2022. Hoạt động tín dụng duy trì ổn định. Dư nợ đến cuối năm 2023 đạt 46.936 tỷ đồng, tăng 12% so với số đầu năm; nợ xấu trên địa bàn toàn tỉnh là 1.173 tỷ đồng, chiếm 2,5% trên tổng dư nợ cho vay. Tổng số vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc kế hoạch vốn ngân sách nhà nước trong năm 2023 là 4.678,45 tỷ đồng. Ước đến 31/01/2024 sẽ giải ngân đạt 95% kế hoạch được giao.
Các chính sách an sinh xã hội, chính sách đối với người có công trên địa bàn tỉnh được quan tâm triển khai kịp thời. Giải quyết việc làm mới cho 23.000 lao động, đạt 115% kế hoạch, trong đó đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài 1.700 lao động, đạt 100% kế hoạch; tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,41%, đạt 100% kế hoạch. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ bao phủ người tham gia bảo hiểm y tế đạt 93,4% dân số.
Chất lượng giáo dục tiếp tục được giữ vững. Tổ chức và hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2022 - 2023. Tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông đạt tỷ lệ 99,61%, xếp hạng 14 cả nước, tăng 5 bậc và hạng 3 trong số 13 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL về điểm trung bình các bài thi; tỷ lệ phòng học kiên cố, bán kiên cố đạt 99,4%. Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 68,12% trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia, tăng 3,5% so với cùng kỳ.
Trong năm 2023, các hoạt động đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân của tỉnh Vĩnh Long đã diễn ra tích cực, chủ động, thích ứng năng động, đạt nhiều điểm nổi bật; tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao vị thế của tỉnh.
Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024
Năm 2024 là năm cần tăng tốc bức phá, có ý nghĩa qua trọng trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, tỉnh tiếp tục tập trung huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; thực hiện hiệu quả nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế; bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ và phát triển các thành phần kinh tế; kiểm soát hiệu quả các loại dịch bệnh; chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, giữ ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính, phát triển chính quyền điện tử; giữ vững quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các chủ trương, chính sách, Nghị quyết, Chương trình hành động của Trung ương, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết của HĐND tỉnh; tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ, xác định rõ trách nhiệm, tiến độ hoàn thành từng nhiệm vụ, tạo chuyển biến rõ nét trong từng ngành, từng lĩnh vực; quyết tâm phấn đấu mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 đạt 6,5%. Tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Quy chế làm việc của UBND tỉnh, Quy chế theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ do UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao và Chương trình công tác của UBND tỉnh năm 2024. Đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao; đặc biệt, công tác phối hợp xử lý công việc giữa các cơ quan, đơn vị.
Triển khai hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại, các giải pháp phù hợp thúc đẩy tăng sức mua, kích cầu tiêu dùng nội địa góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển hệ thống cung ứng sản phẩm, dịch vụ hiện đại gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới. Tăng cường thực hiện các giải pháp, hoạt động hỗ trợ phát triển lĩnh vực thương mại trên nền tảng thương mại điện tử. Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát thị trường, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại. Tập trung giải quyết các hạn chế, vướng mắc nhất là về thủ tục pháp lý, giải phóng mặt bằng,... Phấn đấu năm 2024, toàn tỉnh có 90,8% xã đạt chuẩn NTM, 100% xã đạt tiêu chí về thủy lợi; 96% hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung.
Thực hiện đầy đủ, kịp thời, có hiệu quả các chính sách về an sinh xã hội. Tổ chức triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu. Nâng cao năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị và nông thôn. Tập trung đầu tư xử lý ngay các điểm bờ sông đang hoặc có nguy cơ bị sạt lở, xói lở nghiêm trọng. Đẩy mạnh việc thực hiện cải cách hành chính, cải cách tư pháp từ cấp tỉnh đến cơ sở. Thực hiện quyết liệt, hiệu quả việc sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chinh cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025. Tiếp tục xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Sẵn sàng phương án, lực lượng, phương tiện phòng chống dịch bệnh, thiên tai, cháy nổ, bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Năm 2023 là năm có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm, giai đoạn 2021- 2025. Trong bối cảnh cả nước nói chung, tỉnh Vĩnh Long nói riêng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; ảnh hưởng lớn đến kết quả thực hiện nhiệm vụ chung của tỉnh, nhưng với sự nỗ lực quyết tâm và đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh tiếp tục phục hồi và đạt nhiều kết quả tích cực.
Với tình cảm chân thành, bản lĩnh chính trị vững vàng, các nhà báo, phóng viên, biên tập viên luôn theo sát từng bước phát triển, đổi mới của Đảng bộ, Chính quyền, Nhân dân tỉnh Vĩnh Long. Đồng thời, đã tuyên truyền đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chính sách, biện pháp phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội; chính sách dân tộc, tôn giáo, công tác bảo đảm quốc phòng an ninh, phòng chống thiên tai trên địa bàn; đặc biệt là tuyên truyền đậm nét về các hoạt động đối ngoại của các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, của cấp ủy, chính quyền trong tỉnh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận, biểu dương những đóng góp; sự cộng tác, đồng hành tích cực của các cơ quan báo chí đối với tỉnh Vĩnh Long.
Đồng thời nhấn mạnh, năm 2024, báo chí cần tập trung tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước; những định hướng lớn của tỉnh trong năm 2024, đặc biệt là việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2021-2025; triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch của tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đẩy mạnh hơn nữa việc giới thiệu, quảng bá hình ảnh con người, vùng đất, nét văn hóa truyền thống, tiềm năng, thế mạnh của Vĩnh Long.
Ngoài ra, nhân dịp Tết Giáp Thìn năm 2024, Ban tổ chức các ngày lễ lớn tỉnh Vĩnh Long tổ chức chuỗi hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân như họp mặt, thăm, tặng quà, chúc Tết, cùng các hoạt động triển lãm, văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao nhằm tạo không khí đoàn kết, vui tươi, phấn khởi trong các tầng lớp nhân dân nhân dịp Tết cổ truyền; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, góp phần củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng thời, khơi dậy, thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước, ra sức học tập, lao động, sản xuất, quyết tâm phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.
Ngọc Thư