Việt Nam lọt Top 6 trên thế giới về gia công, xuất khẩu phần mềm

23:27 16/05/2023

Hiện doanh nghiệp Việt Nam đã có thể tham gia vào các giai đoạn từ nghiên cứu, thiết kế tới triển khai các dự án chuyển đổi số, ứng dụng những công nghệ mới.

Ngày 16/5, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), Ủy ban Hợp tác Công nghệ thông tin Việt - Nhật (VJC) phối hợp cùng Hiệp hội Công nghiệp Dịch vụ Công nghệ Thông tin Nhật Bản (JISA) và 20 doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam tổ chức chương trình Vietnam IT Day 2023 tại Tokyo, Nhật Bản.

Năm 2023 đánh dấu năm thứ 10 của chương trình được cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang hợp tác kinh doanh Nhật Bản tổ chức, đồng thời kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản.

Việt Nam lọt Top 6 trên thế giới về gia công, xuất khẩu phần mềm
Việt Nam lọt Top 6 trên thế giới về gia công, xuất khẩu phần mềm.

Được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2013, Vietnam IT Day nằm trong chuỗi hoạt động thường niên được tổ chức bởi sự phối hợp giữa VINASA và các hiệp hội, tổ chức công nghệ thông tin Nhật Bản bao gồm: Vietnam IT Day (tại Tokyo), Triển lãm SODEC (tại Tokyo), Japan ICT Day (tại Việt Nam), với sứ mệnh thúc đẩy hợp tác ngành công nghệ thông tin giữa 2 quốc gia.

Hợp tác công nghệ thông tin Việt Nam - Nhật Bản bắt đầu từ rất sớm, những năm 2000, khi ngành phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin mới được hình thành. 10 năm đầu (2003- 2013) là sự hỗ trợ của các đối tác Nhật Bản để chuẩn bị, đào tạo cho các đối tác, các doanh nghiệp Việt Nam từ kỹ thuật, công nghệ, tiêu chuẩn, đến nhân lực, văn hóa kinh doanh. 10 năm tiếp theo (2013 - 2023) là sự phát triển bùng nổ. Việt Nam đã trở thành đối tác lớn thứ hai và được ưu tiên lựa chọn bởi các đối tác Nhật Bản.

Các doanh nghiệp công nghệ thông tin cũng phát triển mạnh về cả chất lẫn lượng. Hơn 10 doanh nghiệp có quy mô trên dưới 1.000 lao động như: Rikkeisoft, Luvina, Fujinet, VMO, VTI... với tổng số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin cho các doanh nghiệp Nhật Bản lên tới gần 500 doanh nghiệp.

Trình độ công nghệ của lao động Việt Nam cũng được nâng cao rõ rệt, từ chỗ chỉ làm những công đoạn đơn giản như lập trình (coding), kiểm thử (testing)..., tới nay các doanh nghiệp Việt Nam đã có thể tham gia vào các giai đoạn từ nghiên cứu, thiết kế tới triển khai các dự án chuyển đổi số, ứng dụng những công nghệ mới như Cloud, Big Data, AI, Blockchain, VR/XR.

Nhu cầu ủy thác phát triển phần mềm của Nhật Bản ước tích hơn 30 tỷ USD/năm (IPA), các doanh nghiệp Việt Nam đang chiếm khoảng 6-7% thị phần. Doanh thu từ thị trường này đang đóng góp lớn trong 14 tỷ USD doanh thu thị trường phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam năm 2022. Tốc độ tăng trưởng luôn ở mức 20-40%.

Ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định tiềm năng dồi dào của ngành công nghệ thông tin Việt Nam. Cụ thể, Việt Nam giữ vị trí Top 6 trên thế giới về gia công, xuất khẩu phần mềm. Ngành kinh tế số Việt Nam có thế mạnh rõ rệt với tỷ lệ tham gia lực lượng lao động cao (74% vào năm 2020), môi trường kinh doanh thân thiện, cùng lợi thế về địa hình…

Việt Nam là nước đứng đầu khu vực Đông Nam Á về số công ty phần mềm đạt chứng chỉ CMMi, vượt trên cả Singapore, Philippines và Malaysia (toàn thế giới chỉ có 377 công ty đạt chứng chỉ CMMI cấp độ 5 trong đó Ấn Độ có 34 công ty).

Hiện nay đã có 25 DN phần mềm Việt Nam đạt chứng chỉ CMMi (Capability Maturity Model Integration), trong đó có 5 DN đạt CMMi mức 5 là cấp độ cao nhất về mức độ trưởng thành năng lực công nghệ phần mềm. Ngoài CMMi, các công ty phần mềm vừa và nhỏ áp dụng các quy trình quản lý linh hoạt hơn như Agile/Scrum.

Về kỹ năng nguồn nhân lực: Lập trình viên Việt Nam được xếp hạng 29 (Đại diện duy nhất khu vực Đông Nam Á trong Top 30; theo báo cáo của Skillvalue năm 2019), hạng 23 (Theo báo cáo của HackerRank năm 2016) trên toàn thế giới về kỹ năng dành cho lập trình viên.

PV (t/h)